Lương và... lậu

Bà vợ một ông Sếp lớn phàn nàn: “Lâu nay chả thấy ông ấy đưa thêm đồng nào. Nhõn có lương thì sống vào đâu?”. Tôi bảo: “Thì ông ấy là cán bộ nhà nước đưa đủ lương là tốt, còn gì nữa mà đưa?”. Bà lắc đầu: “Thời buổi này phần “lậu” mới là chính, là nhiều ông ạ. Nếu chỉ có lương thì các ông xây nhà lầu, mua xe lớn, xe bé lấy tiền đâu? Lại còn lo phòng thân nữa chứ. Một quan chớ tưởng đã giàu, một cơn nhức đầu mất đứt bốn quan!

Lương và... lậu

Bấy lâu nay số đông cán bộ, công chức ta chủ yếu sống bằng tiền lương, mà là lương “ba cọc ba đồng”, nhưng cũng chả hiếm người không bao giờ để ý đến lương. Nói đến lương đi liền là “thưởng”, thậm chí là “lậu”. Ngoài “phần cứng” còn có “phần mềm”. Phần mềm là các loại phụ cấp rải mành mành, tính ra có khoảng 50 loại phụ cấp khác nhau. “Thưởng” thì ai cũng rõ. Còn “lậu” thì muôn hình vạn trạng. Đương nhiên, có cả những khoản “lậu” tưởng “chính đáng” như cái khoản “phong bì” mà không ít “người nhà nước” nghiễm nhiên nhận với vô số lý do, cộng gộp cả tháng có khi vượt cả tiền lương. Lương thấp thật đấy nhưng ngày nào họ cũng nhậu dài dài ở các nhà hàng sang trọng, vì nhậu bằng “tiền chùa”, bằng tiền của người khác.

Đáng lên án là những đồng tiền do tham ô, ăn chia, móc ngoặc mà có. Có kẻ nhờ làm ăn gian dối mà thu bộn tiền. Nào khai khống để nâng số tiền chi, rút ruột công trình. Mới đây Kiểm toán nhà nước công bố kết quả kiểm toán 30 dự án BT mà số tiền đội vốn phải xử lý đã lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Nào là những khoản lại quả béo bở mỗi khi doanh nghiệp được đầu tư dự án. Dự án càng lớn thì khoản này càng to. Theo dõi các phiên tòa xét xử các vụ đại án về kinh tế gần đây thấy các bị cáo khai báo tại tòa nhắc tới số tiền biếu xén vài chục tỷ đồng cứ nhẹ như người nông dân cho nhau buồng cau, bẹ chuối.

“Lậu” sinh ra từ những khoảng tối ấy.

Trong khi đó phần lớn người lao động chỉ có đồng lương là nguồn thu nhập chính. Những công nhân ở nhiều khu công nghiệp đang phải chi tiêu dè sẻn từng đồng, bởi với số lương bốn, năm triệu đồng một tháng họ phải chi rất nhiều khoản: tiền thuê nhà, tiền học cho con, tiền điện nước, tiền xăng xe, tiền “chi phí ngoài ý muốn”, cuối cùng mới đến... tiền ăn.

Nhiều người nói rằng lương ở ta vừa thấp lại vừa cao. Thấp so với những người có trình độ, lao động giỏi, làm việc có năng suất cao. Cao so với những anh “sáng cắp ô đi tối cắp ô về”, lấy biên chế cơ quan làm nơi tránh mưa, tránh nắng. Lại do sự bình quân chủ nghĩa mà công chức cứ túc tắc ba năm lên một bậc lương, nên nó kìm hãm, triệt tiêu động lực phấn đấu, người tài với người bất tài ranh giới nhập nhòe.

Nghị quyết Hội nghị T.Ư 7 mới đây về cải cách chính sách tiền lương đã xác định: Lương phải là nguồn thu nhập chính. Lương phải bảo đảm đời sống cho người lao động và gia đình họ. Phải đưa các khoản phụ cấp ra ngoài lương. Mức lương tối thiểu gắn với yếu tố lạm phát và chỉ số giá sinh hoạt.

Để lương thật sự là nguồn thu nhập chính thì phải có những chính sách, những quy định cụ thể, phù hợp, để không bị rơi vào vòng luẩn quẩn lương-tiền-bộ máy. Bởi qua những lần cải cách tiền lương trước đây đã có nhiều giải pháp nhưng chỉ một thời gian thực hiện lại bộc lộ những điều bất hợp lý. Muốn tăng lương lại hỏi tiền ở đâu ra, chia thế nào đây khi “cái bánh” chỉ có thế, người thì ngày mỗi đông thêm. Thế là đụng đến tổ chức, bộ máy. Bộ máy tạo gánh nặng cho lương. Lương tăng sức ỳ cho bộ máy. Tinh gọn bộ máy là động tới những con người cụ thể với những mối quan hệ nhằng nhịt, bởi vậy, bàn về giảm biên chế bao giờ cũng là bài toán hắc búa, không mấy khi có được đáp án tối ưu.

Tăng lương, giảm “lậu” là vì một nền kinh tế, một thể chế chính trị lành mạnh, trong sạch. Điều này sẽ thành công khi thực hiện đồng bộ ba vấn đề: nguồn để cải cách tiền lương; bộ máy tinh gọn; năng suất, hiệu quả lao động cao.