Kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11-6-1948 - 11-6-2018)

Làm mới phong trào thi đua

Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, Nhân Dân hằng tháng trao đổi với một số nhân tố điển hình đại diện cho các lĩnh vực, ngành nghề ở mọi miền đất nước về những việc làm bình dị mà cao quý hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước (PTTĐYN) cũng như những trăn trở, mong muốn để phong trào ngày một lớn mạnh, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ông Lục Thượng Cường trên đồi cao-su của gia đình.
Ông Lục Thượng Cường trên đồi cao-su của gia đình.

Không có động lực thì không có phong trào thi đua (PTTĐ). Theo đồng chí, động lực của thi đua trong giai đoạn hiện nay là gì và nêu lên một số việc làm nổi bật của cá nhân, của đơn vị trong PTTĐYN?

GS, TS Nguyễn Anh Trí, Anh hùng Lao động, nguyên Viện trưởng Huyết học - Truyền máu T.Ư, Chủ tịch Hội đồng cố vấn bệnh viện đa khoa MEDLATEC:

Có động lực mới có PTTĐ. Giai đoạn hiện nay chúng ta đang tập trung xây dựng đất nước phồn thịnh và văn minh. Ngành y luôn xác định, phục vụ tốt để mọi người an tâm về sức khỏe, bảo đảm an sinh xã hội là mục tiêu số một và mỗi thầy thuốc khởi phát động lực đó thành PTTĐYN.

Làm mới phong trào thi đua ảnh 1


Tôi thường nghĩ phải gắng vượt lên chính mình, dù ở cơ quan nào, cương vị và lứa tuổi nào. Khi là sinh viên, tôi xác định học nghề cho giỏi, nên học hành rất chăm chỉ. Khi làm viện trưởng, tôi gắng hết sức đưa viện phát triển từ chỗ một đơn vị tương đương với khoa trở thành viện đầu ngành, tiến xa hơn là phục vụ tốt yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân. Hành trình đỏ, Lễ hội xuân hồng thành công hơn 10 năm, tôi luôn đi đầu trong việc hiến máu, xóa bỏ suy nghĩ cho rằng đầu năm hiến máu sẽ... mất đỏ cả năm (!). Khi ứng cử và trúng cử ĐBQH, tôi luôn cố gắng làm tròn vai đại biểu của dân, bởi ngoài công tác chuyên môn rất bận rộn còn phải sắp xếp thời gian một cách khoa học, dày công nghiên cứu các lĩnh vực khác để phát biểu, phản biện một cách thuyết phục trên nghị trường.

Còn nói về PTTĐYN của Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư nơi tôi vừa về hưu, là những điều rất thiết thực, cụ thể. 95% người bệnh mắc bệnh ác tính, điều trị dai dẳng, phần lớn là người nghèo, bởi thế làm được cái gì tốt nhất cho họ thì mình gắng làm. Có bệnh nhân từ vùng sâu, vùng xa đi mất mấy ngày đường mới tới viện, nếu để họ chờ đợi lâu thì quá khổ. Thế nên các y, bác sĩ điều trị bằng phác đồ chuẩn, hiện đại, mỗi phòng khám bố trí điều dưỡng viên lấy máu luôn, giảm đến mức thấp nhất phiền hà, chờ đợi. Nhờ tổ chức tốt công tác xã hội, kêu gọi các nhà hảo tâm ủng hộ mỗi năm 20 - 30 tỷ đồng, người bệnh yên tâm điều trị, cuộc sống trở nên sáng đẹp hơn nhiều. Là bệnh viện tư nhưng MEDLATEC coi trọng lợi ích của người bệnh chứ không đơn thuần vì lợi nhuận. Tiện lợi của dịch vụ lấy bệnh phẩm tại nhà 24/24 phát huy hiệu quả vào đợt sốt xuất huyết năm 2017 nhân viên đến tận nhà lấy máu xét nghiệm, bất kể trời mưa gió, giúp phát hiện, trị bệnh kịp thời.

Ông Lục Thượng Cường, dân tộc Nùng, cán bộ mặt trận thôn Pạc Bo, Bản Lầu, Mường Khương (Lào Cai):

Sau chiến tranh biên giới 1979, mới ngoài 30 tuổi, tôi theo gia đình trở về làm ăn tại thị tứ Na Pao, xã Bản Lầu. Cuộc sống bấy giờ khổ lắm, thiếu đói dai dẳng. Thấy đất đai ở khu Pạc Bo hoang vu nhưng còn rộng, màu mỡ, có nguồn nước tự nhiên, tôi vào dựng lều ở, ngày ngày phát lau lách, đánh gốc cây, dọn đá cứng, tránh mìn... khai khẩn ruộng, vườn được hàng chục héc ta. Bây giờ nhà tôi có 500 gốc cao-su tám tuổi đang cho thu hoạch và gần hai nghìn cây cao-su năm tuổi; 50 - 70 nghìn gốc dứa mỗi năm cho 30 - 40 tấn quả, có năm tấn thóc, bốn tấn ngô, nuôi đàn trâu sáu con, đắp đập ngăn nước để thả cá... Thế là hằng năm gia đình thu khoảng 300 triệu đồng, tôi có điều kiện nuôi các con ăn học đầy đủ. Tôi còn được bà con và cấp trên tín nhiệm bầu làm cán bộ Mặt trận thôn và là đại biểu của tỉnh Lào Cai dự hội nghị điển hình tiên tiến toàn quốc.

Làm mới phong trào thi đua ảnh 2



Đại tá Nguyễn Hữu Tài, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) TP Đà Nẵng:

Hồi tôi tham gia chiến trường Cam-pu-chia, PTTĐYN trong đơn vị không chỉ là chiến đấu lập công, mà thấm sâu trong mọi nhiệm vụ, mọi việc làm cụ thể của từng cá nhân, làm sao tạo được hiệu ứng tích cực nhất để góp phần chấm dứt chiến tranh. Soi vào thực tiễn hiện nay, thi đua chính là động lực và để tạo động lực thì phát động PTTĐYN.

Làm mới phong trào thi đua ảnh 3


Hội CCB Đà Nẵng có phong trào thi đua CCB gương mẫu thực hiện bảy nhiệm vụ quy định trong điều lệ của CCB Việt Nam, mỗi hội viên xác định rõ từng công việc cụ thể, đề ra kế hoạch thực hiện hiệu quả nhất. Người lính vốn mang trong mình phẩm chất cao quý bộ đội Cụ Hồ, dù đã về hưu, vẫn giữ kỷ cương, kỷ luật và làm được những việc bình dị mà có lợi cho dân, cho nước cũng chính là yêu nước, là thi đua. Nhận thức đúng đắn và không ngừng cố gắng, có như vậy, thi đua mới mang tính tự thân, không gò bó. Là Phó Chủ tịch Hội CCB, tôi đặt mục tiêu trước tiên là tính gương mẫu, đoàn kết, thấu hiểu, kiên trì, nắm chắc bản chất các phong trào để triển khai đến từng cấp hội, cá nhân. Người đứng đầu không tự nêu gương thì phong trào có hay bao nhiêu cũng dễ đứt đoạn, thất bại.


Bí thư Thành đoàn Hải Phòng Đào Phú Thùy Dương:

Nhắc tới thanh niên là nói đến sức trẻ, sôi nổi, năng động, sáng tạo, nhiệt huyết với những công trình thanh niên (CTTN) kiến tạo tương lai. Lực lượng thanh niên xung phong Hải Phòng đang ngày đêm hoàn thiện công trình xây dựng hồ chứa nước ngọt, hệ thống thủy lợi phục vụ cấp nước cho đảo Bạch Long Vĩ, với tổng mức đầu tư dự án gần 200 tỷ đồng. Thành đoàn Hải Phòng vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ xuất phát từ nỗ lực chỉ đạo, triển khai các đợt thi đua cao điểm “Ngày Tuổi trẻ Hải Phòng cùng hành động chung tay xây dựng nông thôn mới” gắn với thực hiện Đề án “Đoàn thanh niên đảm nhận giúp đỡ 500 gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn và hộ nghèo trên địa bàn thành phố Hải Phòng, giai đoạn 2012 - 2016”. 26 CTTN cấp thành phố, 364 CTTN cấp huyện, hơn 7.100 phần việc, CTTN cấp cơ sở (vượt chỉ tiêu Đại hội đề ra) đã thực hiện minh chứng sống động nhất trong PTTĐYN mà thanh niên Hải Phòng triển khai.

Làm mới phong trào thi đua ảnh 4


Từ thực tiễn công tác, đồng chí thấy PTTĐYN có những trì trệ, yếu kém gì cần khắc phục? Cần cải tiến hình thức thi đua thế nào cho phù hợp xu thế thời đại? Mối quan hệ giữa “khen” và “thưởng”?

GS, TS Nguyễn Anh Trí:

Ở không ít nơi, PTTĐYN còn nặng tính hình thức, các bản tổng kết các cơ quan na ná giống nhau, cần chấn chỉnh. Phong trào phải gắn với thực tiễn, lan tỏa sâu rộng và tạo điều kiện cho mọi người hiện thực hóa lý tưởng sống và khát khao cống hiến, hô hào suông nhất định chẳng làm được gì. Nếu chỉ phát động chung chung là thầy thuốc có y đức thì lâu lắm mới thay đổi được hành vi. Tôi vẫn nói với đồng nghiệp rằng bản thân đạt được một số thành tựu ngoài sự ủng hộ của cấp dưới còn có bệnh nhân. Bệnh nhân là khách hàng đang nuôi sống chúng ta, phải cảm ơn. Ban đầu nhiều người nghĩ đơn giản là mình khám, chữa bệnh cho họ sao lại phải làm chuyện “ngược đời”, còn bệnh nhân quen bị mắng mỏ lấy đó làm chuyện lạ. Khi tôi phân tích, lấy dẫn chứng chỉ cần người bệnh không hợp tác, mình có tiêm, truyền nhanh được nhanh không, mọi người dần hiểu ra.

Khen và thưởng là hai mặt của một vấn đề. Tùy quan niệm từng người mà coi khen đã bao gồm cả thưởng hay không. Theo tôi, cần có cả khen và thưởng. Khi khen (giá trị tinh thần) nên có thưởng (giá trị vật chất) để ghi nhận, đặc biệt với người lao động, nhà khoa học. Việc khen thưởng phải rà soát lại để thực chất, tránh bệnh thành tích.


Đồng chí Đào Phú Thùy Dương:

Thực tế cho thấy, nội dung, tiêu chí thi đua có nơi, có lúc chưa cụ thể, nặng về định tính, khó đánh giá, việc phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật chưa được chú trọng, số lượng sáng kiến được công nhận còn ít, chất lượng chưa cao. PTTĐ một số nơi chưa được quan tâm tổ chức thường xuyên, chạy theo bề nổi, vẫn còn không ít đoàn viên sống thực dụng, vô cảm trước những khó khăn, thử thách của đất nước.

Theo tôi, cần phát huy tốt vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ Đoàn, bởi đây là hạt nhân trong các PTTĐ ở cơ sở, coi trọng hơn nữa phát hiện điển hình từ cơ sở và có nhiều hình thức biểu dương, tôn vinh kịp thời. Các PTTĐYN có chủ đề, tên gọi dễ nhớ với tiêu chí, nội dung thi đua cụ thể, bao quát được tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội.


Đại tá Nguyễn Hữu Tài:

Đất nước ta còn đối mặt với nhiều khó khăn, có những cái trở thành nguy cơ, thách thức như tham nhũng, quan liêu, tiêu cực; không ít phong trào còn hình thức, “đánh trống bỏ dùi”, chồng chéo, thiếu sức hút. Vì vậy, PTTĐYN càng phải được coi trọng nhưng phải thiết thực, phù hợp đặc điểm, nhiệm vụ của từng địa phương, đơn vị, từng ngành, từng cá nhân, hướng tới mục đích vì cộng đồng, đất nước; mang lại hiệu ứng tích cực trong nhận thức, hành động, đề ra mục tiêu và biện pháp thực hiện cụ thể, có phát động, tổng kết và rút kinh nghiệm.

Thi đua - khen thưởng luôn là hai vế của một mệnh đề, gắn kết chặt chẽ. Nói đến thi đua thì phải nói khen thưởng, dẫu chỉ một lời động viên hay một món quà nhỏ có ý nghĩa. Với những phong trào phát động mà chưa làm tốt hoặc triển khai không đạt được yêu cầu đề ra thì rút kinh nghiệm, phê bình, thậm chí có thể xử phạt theo quy định, trên cơ sở đúng pháp luật. Nếu không khen chê đúng mực, thì đến một lúc nào đó PTTĐYN bị cào bằng và đích đến cuối cùng không đạt được.

Ông Lục Thượng Cường:

Tôi thấy, việc lựa chọn điển hình tiên tiến có nơi chưa thật “chuẩn”, còn du di, nể nang, chạy theo thành tích nên chưa lan tỏa được ở địa phương. “Thi đua là gieo trồng, khen thưởng là thu hoạch” nên cần “khen đúng, thưởng trúng”, người được khen phải nổi bật, xứng đáng cả về suy nghĩ, việc làm. Việc “thưởng” cũng cần tương xứng, thỏa đáng để động viên các tấm gương phấn đấu và mọi người chung quanh có thêm động lực học tập, noi theo. PTTĐYN cần hướng về cơ sở, quan tâm phát hiện, xây dựng những điển hình trong quần chúng, nhất là người trực tiếp lao động, sản xuất, đồng thời phê phán những người chỉ biết đến lợi ích cá nhân, tự do vô ý thức kỷ luật, gây khó khăn cho tập thể.

Có ý kiến cho rằng “Thi đua chính là cuộc sống. Không nên nêu ra những chỉ tiêu quá cao, xa thực tiễn. Bản thân mỗi người luôn cầu tiến, gắng hoàn thiện mình, hoàn thành thật tốt mọi việc được giao chính là thi đua”. Đồng chí có đồng ý với ý kiến nói trên hay không và có sáng kiến, kế hoạch như thế nào để tiếp tục góp phần làm mới PTTĐ?

Ông Lục Thượng Cường:

Đúng vậy. Bản thân tôi tự cố gắng vượt khó thoát nghèo, vươn lên làm giàu hay hiến đất cho xã làm đường không nghĩ để mình được ghi công, tặng thưởng gì cả mà chỉ muốn gia đình mình và bà con có cuộc sống tốt hơn. Được chính quyền và bà con ghi nhận, khen thưởng là niềm vui, khích lệ mình hăng hái làm việc và sống tốt hơn. Tôi sẽ tiếp tục học tập kiến thức, kinh nghiệm phát triển trang trại lớn mạnh và giúp đỡ thêm nhiều bà con trong thôn thoát nghèo.


GS, TS Nguyễn Anh Trí:

Thi đua là cuộc sống, ngày nào cũng phải làm tốt công việc của mình, đó chính là thi đua. Người cấp trưởng ở mỗi cơ quan, đơn vị phải đề xuất PTTĐ cụ thể, phù hợp môi trường công tác, gắn với thực tiễn. Ở viện chúng tôi là mỗi ngày làm một việc tốt vì bệnh nhân. Còn các đại biểu Quốc hội cũng cần thi đua để phát huy trí tuệ tại nghị trường bởi chất vấn mang tính phản biện cao thậm chí còn xoay chuyển được tình hình. Bệnh viện MEDLATEC phải trở thành điểm sáng cả chuyên môn và y đức. Y, bác sĩ thi đua nâng cao trình độ, tích cực nghiên cứu khoa học và tự đào tạo, xây dựng nụ cười trìu mến và nói lời cảm ơn với bệnh nhân bởi cử chỉ đơn giản ấy cũng giúp thuyên giảm phần nào bệnh tật.

Đồng chí Đào Phú Thùy Dương:

Những chỉ tiêu quá cao, xa rời thực tiễn sẽ không thể thực hiện. Với vai trò là chủ nhân tương lai của đất nước, thanh niên phải đi đầu trong các khâu khó, việc mới. Quan trọng là tạo sự ganh đua giữa các đoàn viên để khơi dậy lòng yêu nước, bản lĩnh, bầu nhiệt huyết, sáng tạo và khát khao cống hiến. Năm nay, Đoàn thanh niên thành phố tập trung tổ chức trồng mới cây xanh, làm sạch các “điểm đen” về ô nhiễm môi trường, tuyên truyền nâng cao ý thức đoàn viên về an toàn giao thông góp phần xây dựng nếp sống văn minh, môi trường xanh sạch đẹp, bộ mặt đô thị đổi thay, thành phố trở thành điểm đến tin cậy của bạn bè trong và ngoài nước.