Tìm hiểu nội dung các văn kiện Đại hội XIII của Đảng  

GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỚC YÊU CẦU PHÁT TRIỂN NHANH NGUỒN NHÂN LỰC CHẤT LƯỢNG CAO

Trong 35 năm đổi mới, giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) đã góp phần không nhỏ để nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày hôm nay, tuy nhiên các thành tựu phát triển GD&ĐT chủ yếu theo chiều rộng. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định một trong các định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030: "Tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (NNLCLC), thu hút và trọng dụng nhân tài".

Bối cảnh mới và yêu cầu mới

Để thực hiện khâu đột phá chiến lược về phát triển nhanh nguồn nhân lực (NNL), nhất là NNLCLC, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược và Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011-2020.

Tuy nhiên, hạn chế là chúng ta vẫn chưa có chính sách, giải pháp, kế hoạch, lộ trình phát triển NNLCLC và những giải pháp mang tính đột phá. Phát triển NNLCLC chưa gắn kết với nhu cầu xã hội và thị trường lao động, với phát triển ứng dụng KHCN và đổi mới, sáng tạo; đổi mới trong giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp chưa theo kịp bước tiến trong đổi mới kinh tế - xã hội.

Phát triển nhanh NNL, nhất là NNLCLC tiếp tục là khâu đột phá chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm tới; tuy nhiên, bối cảnh và yêu cầu phát triển đã khác. Trong bối cảnh đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng cách mạng công nghiệp lần thứ tư cho thấy vai trò trọng tâm của nhiệm vụ phát triển NNLCLC và yêu cầu gắn kết trong một tiếp cận tổng thể, trong đó tập trung: đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT; phát triển mạnh mẽ KH&CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước và việc xây dựng cơ chế.

Vì vậy, trên cơ sở Chiến lược và Quy hoạch phát triển nhân lực giai đoạn 2021-2030, cần xây dựng và hoàn thiện Kế hoạch tổng thể về phát triển NNLCLC trong thời kỳ mới với các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình và nguồn lực để xây dựng thành công NNLCLC đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng, hợp lý về cơ cấu sao cho NNL này thật sự là lực lượng nòng cốt đưa nước ta đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Để triển khai, hệ thống giải pháp phải đồng bộ nhằm xây dựng cơ chế chính sách tạo động lực cho phát triển NNLCLC. Bên cạnh các giải pháp đột phá trong phát triển NNL nói chung như nâng cao nhận thức, đổi mới căn bản quản lý nhà nước về phát triển và sử dụng nhân lực, cần có những giải pháp đột phá về GD&ĐT, KH&CN, văn hóa và con người.

Một số giải pháp trọng tâm

Trong 10 năm tới, việc phát triển GD&ĐT vẫn tiếp tục được thực hiện theo tinh thần NQ29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam. Tuy nhiên, trước yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị trong phát triển NNLCLC, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cần tập trung vào những giải pháp trọng tâm:

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện thể chế và đổi mới cơ chế quản lý giáo dục. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, xây dựng Luật Nhà giáo; sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục nghề nghiệp… cũng như cơ chế quản lý hiện đại theo hướng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và trách nhiệm người đứng đầu trong phân công và phân cấp. Phát huy thực sự dân chủ trong giáo dục phổ thông, quyền tự chủ đi đôi với trách nhiệm giải trình và bảo đảm chất lượng của các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp; tổ chức thực hiện khung trình độ quốc gia để thực sự chuyển việc đào tạo sang tiếp cận năng lực, gắn đào tạo với nhu cầu xã hội và yêu cầu của doanh nghiệp. Chú trọng phát triển các kỹ năng mềm đi đôi với xây dựng khát vọng, bản lĩnh, các giá trị con người Việt Nam đáp ứng các yêu cầu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Thứ hai, đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục, từng bước hình thành hệ thống giáo dục mở, linh hoạt và liên thông, tập trung trước hết ở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp, tạo điều kiện vừa mở rộng quy mô, vừa nâng cao chất lượng, thúc đẩy học tập suốt đời, cập nhật kiến thức, kỹ năng trong phát triển NNL. Triển khai chương trình đào tạo; xây dựng và triển khai chính sách trọng dụng nhân tài trong các lĩnh vực, đặc biệt là hình thành và phát triển đội ngũ chuyên gia đầu ngành trong quản lý hành chính, quản trị doanh nghiệp, công nghệ thông tin, GD&ĐT, KH&CN, văn hóa, y tế, tài chính - ngân hàng.

Thứ ba, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục với tư cách là những nhà chuyên nghiệp và NNLCLC trong ngành giáo dục. Đổi mới và hoàn thiện cơ chế chính sách trong tuyển sinh ngành sư phạm; đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, sử dụng và đãi ngộ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tương xứng, phù hợp để nâng cao năng lực và tạo động lực cho đội ngũ trong tổ chức thực hiện thành công nhiệm vụ đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục.

 

PHẠM TẤT THẮNG 

Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa,

Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội