Thiêng liêng và vô giá:

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Nhân dịp đầu xuân và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Tiến sĩ Nhị Lê, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản (ảnh bên) đã dành cho Nhân Dân hằng tháng cuộc trao đổi chung quanh vấn đề hạnh phúc - một thành tố quan trọng đặt dưới quốc hiệu Việt Nam: “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”...

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Thưa ông, ông đánh giá thế nào về nội dung “hạnh phúc của nhân dân” trở thành điểm nhấn của văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang làm đảo lộn cuộc sống và lấy đi sự bình an của nhiều người?

“Hạnh phúc của nhân dân” là một trong những nhãn tự của bản Dự thảo Báo cáo Chính trị - Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII trình Đại hội XIII của Đảng.

Vì càng đặt vấn đề “hạnh phúc của nhân dân” vào những khúc quanh của lịch sử thế giới và đất nước năm 2020, nhãn tự đó, mệnh đề đó càng hàm súc, tỏa sáng và càng mang ý nghĩa lớn lao nhưng thiết thực, không chỉ trên phương diện chính trị, kinh tế mà sâu xa hơn là sự trầm tích và phát triển một tầm mức mới trên bình diện xã hội, văn hóa và nhân văn Việt Nam. Nhìn xa hơn, đó chính là mệnh lệnh của công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ trong tầm nhìn không chỉ năm 2025, 2030 mà còn tới năm 2045, dưới ngọn cờ của Đảng. Và nhìn sâu hơn, đó cũng chính là sự tiếp tục mục tiêu thế kỷ của Việt Nam kể từ năm 1930, khi Đảng Cộng sản Việt Nam vừa ra đời!

Vì nhớ lời dặn dò của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Ðảng không phải là một tổ chức để làm quan, phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”; “ngoài lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc, thì Ðảng không có lợi ích gì khác”,... chúng ta càng thấy nhãn tự đó kiêu hãnh, lấp lánh nhưng cũng đang là thách thức lớn, trọng trách vẻ vang lịch sử của Đảng ta, với tư cách là “đứa con nòi của giai cấp lao động” Việt Nam đối với dân tộc ta và nhân dân ta.

Khép lại năm 2020, toàn cầu đang chìm trong đại dịch Covid-19 dẫn đến những đảo lộn khác thường. Hệ lụy trực tiếp và tức thời là nền kinh tế thế giới lâm vào khủng hoảng đồng loạt, sâu sắc và toàn diện - điều mà trong nửa thế kỷ qua chưa từng thấy - và lún sâu vào vũng bùn của sự đình đốn, suy thoái và có nguy cơ rạn vỡ ở không ít quốc gia. Nhưng, trong 210 quốc gia, vùng lãnh thổ và các nền kinh tế toàn cầu, năm 2020, Việt Nam là một trong 10 nước trên thế giới có tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất, một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất. Về con người, thảm họa dịch Covid-19 bùng phát, hoành hành và tàn phá khốc liệt khắp toàn cầu. Trong khi đó, ở Việt Nam, tổng số ca nhiễm tới nay là 1.451 ca; đang điều trị là 95 ca; số ca khỏi 1.318 ca; và số người tử vong chỉ 35 người. Khắp hành tinh, ai cũng khát khao và mơ ước: Thế giới mau chóng vượt qua đại dịch, để sống và làm việc một cách... bình thường!

“Hạnh phúc của nhân dân” mà chúng ta theo đuổi, phấn đấu và thậm chí hy sinh là thế, tự nhiên và giản dị.

Ông quan niệm thế nào về hạnh phúc, một thành tố quan trọng trong tiêu ngữ đặt dưới quốc hiệu Việt Nam: “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”? Từ quan niệm đó, ông nhận định thế nào về thực tế nhiều Đảng bộ tỉnh, thành phố đã đưa tiêu chí hạnh phúc của người dân vào Báo cáo Chính trị của mình, trong đó đo lường hạnh phúc thông qua các tiêu chí hài lòng về cuộc sống, môi trường, chính sách an sinh, phúc lợi xã hội, hài lòng về cơ quan công quyền?

Tôi cho rằng, hạnh phúc chính là sự hài hòa giữa cá nhân với cá nhân, với xã hội và với môi trường (tự nhiên và xã hội), vì sự phát triển bền vững của mỗi cá nhân, của xã hội và của môi trường. Nói cách khác, hạnh phúc là sự hài hòa và phát triển. Và, xếp hạnh phúc trong tiêu ngữ đặt dưới quốc hiệu Việt Nam: “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”, chúng ta càng thấy sự tổng hòa mang tính chỉnh thể: dân tộc độc lập - dân quyền tự do - dân sinh hạnh phúc, mà dân tộc Việt Nam kiên định hành động, thậm chí hy sinh để vươn tới, giành giữ và phát triển nó suốt hơn 75 năm qua. Tôi nhớ ngày 17-7-1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, càng thấy vấn đề hạnh phúc mà chúng ta đang bàn định, thật sự hòa quyện trong đó với tư cách là một thành tố của chân lý Việt Nam sáng ngời mà tự nhiên, nhuần nhị, gần gũi biết nhường nào.

Đất nước phải độc lập - đó là quyền quốc gia thiêng liêng không ai, không một lực lượng nào có thể làm vấy bẩn và xâm phạm được. Nhưng nước độc lập thì nhân dân phải được hưởng quyền tự do một cách tự nhiên và tất yếu. Vì, nếu nước độc lập mà nhân dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì, như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định ngay từ ngày 17-10-1945.

Hơn 75 năm qua, mệnh đề hạnh phúc làm nên chỉnh thể toàn vẹn tiêu ngữ của quốc gia: Độc lập - Tự do - Hạnh phúc, là tiền đề, là mục tiêu, là động lực và là con đường phát triển chính đáng của thể chế Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, để xây dựng nước Việt Nam hùng cường: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Và, năm 2020, chúng ta thấy, nhiều Đảng bộ tỉnh, thành phố đã đưa tiêu chí hạnh phúc của người dân vào trong Báo cáo Chính trị trình Đại hội của mình, trong đó đo lường hạnh phúc thông qua các tiêu chí hài lòng về cuộc sống, môi trường, chính sách an sinh, phúc lợi xã hội, hài lòng về cơ quan công quyền... là lẽ tất yếu, vì nó là một nhân tố, một động lực làm nên sự phát triển toàn diện, mạnh mẽ và bền vững.

Để thực hiện tầm nhìn và mục tiêu phát triển đất nước đến giữa thế kỷ 21, yếu tố con người đóng vai trò quyết định. Theo ông làm thế nào để xây dựng được một đội ngũ ưu tú, tinh hoa nhằm dẫn dắt, thúc đẩy dân tộc phát triển trong những thập niên tới. Nhân tài của thế kỷ này cần hội tụ những phẩm chất gì và công tác cán bộ “khâu then chốt của then chốt” - (lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng) cần đổi mới như thế nào để thu hút tinh hoa dân tộc, đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn?

Cổ nhân nói: Nhất niên thụ cốc, thập niên thụ mộc, bách niên thụ nhân. Nghĩa là: Một năm thì trồng lúa, mười năm thì trồng cây, trăm năm thì trồng người!

Thực tiễn lịch sử 90 năm qua, nhất là 75 năm cầm quyền của Đảng xác tín: Sau khi có đường lối chính trị đúng, nhân tố quyết định thành công của đường lối chính là đội ngũ cán bộ, trước hết là đội ngũ lãnh đạo, quản lý các cấp và bộ máy tổ chức tương xứng. Đặc biệt từ thực tiễn đổi mới 35 năm qua, chúng ta cần tiếp tục đổi mới và đột phá nhằm xây dựng cho được đội ngũ người đứng đầu các cấp ủy, cơ quan, doanh nghiệp gánh vác trách nhiệm cầm quyền của Đảng, dẫn dắt đất nước. Đây là một trong những nhân tố căn bản làm nên thương hiệu quốc gia trở thành khâu đột phá then chốt, có ý nghĩa thành bại. Vì đường lối chính trị phải được thực hiện trực tiếp và trước hết bởi đội ngũ người đứng đầu đồng thời là thủ lĩnh một cách xứng đáng và ngang tầm, với tư duy mới về Đảng cầm quyền, về chiến lược phát triển đất nước, về sự vận động và xu thế phát triển của thế giới ngày nay.

Vị thế, vai trò dẫn dắt quốc gia khó ai thay thế, trước hết thuộc về đội ngũ tinh hoa. Đội ngũ cán bộ, đảng viên phải bao gồm những phần tử ưu tú nhất của dân tộc, tiêu biểu cho sức mạnh quốc gia. Cấp ủy các cấp, ban lãnh đạo các cấp chính quyền, ban lãnh đạo quản trị doanh nghiệp... phải là những cơ quan tinh hoa nhất của Đảng, Nhà nước và dân tộc là môi trường trong sạch nhất để đào tạo, bồi dưỡng nhân tài. Mặt khác, cần đẩy nhanh việc trí thức hóa, trẻ hóa đội ngũ cán bộ, đảng viên - nhân tố quyết định trực tiếp bổ sung chất lượng và tạo các nguồn lực cầm quyền của Đảng, quản lý của Nhà nước, quản trị của các doanh nghiệp... Tiếp tục chỉnh đốn, xây dựng đội ngũ cán bộ chiến lược xứng đáng có tầm nhìn xa rộng là tấm gương về nhân cách chính trị, văn hóa và liêm chính; đội ngũ tham mưu tinh nhuệ và trung thành. Đó là cái gốc bảo đảm sức mạnh và uy tín của Đảng, nhân tố có ý nghĩa quan trọng quyết định sự thành bại trong công cuộc cầm quyền của Đảng hiện nay và tương lai; quyết định thành công việc dẫn dắt và phát triển quốc gia; rộng ra là kiến tạo và phát triển vị thế, sức mạnh, uy tín đất nước. Vị thế then chốt của then chốt ở chính chỗ này!

Do đó, cần xây dựng chiến lược phát triển nhân tài quốc gia, tối thiểu trong tầm nhìn năm 2030 và xa hơn, năm 2045, bảo đảm tương dung với chiến lược phát triển quốc gia.

Theo đó, trước hết về tư duy và thái độ, cần thấu triệt rằng: Tài không đợi tuổi, tài không kể tuổi, tài không nệ tuổi... Bất kể dù ai, nếu vì danh dự và sự hùng cường của quốc gia Việt Nam, vì hạnh phúc của nhân dân và sự trường tồn và phát triển của dân tộc Việt Nam, tất thảy phải được trân trọng thu nạp và thành tín trọng dụng.

Thứ đến, về cơ chế, phải mở rộng mọi cánh cửa, khai thông và sửa đổi mọi con đường “chiêu hiền đãi sĩ”, để nhân tài trong nước và lòng người bốn phương tụ hội Việt Nam; sàng lọc, kiểm tra, giám sát định kỳ và bất thường theo quy định, luật định và sự tín nhiệm của nhân dân...

Ba là, về định chế, dứt khoát phải thưởng phạt nghiêm minh, dân chủ gắn với trách nhiệm trong việc cầu hiền và thu hút, trọng dụng nhân tài, nhất là trong tiến cử, tự ứng cử...

Cuối cùng, về những người giữ trọng trách trong công tác cán bộ, tuyển dụng nhân tài, cần 10 chữ: Tầm nhìn, trung thực, dũng khí, trách nhiệm và liêm sỉ.

Quốc gia phát triển thành hay bại, dân tộc ngẩng đầu hay lẽo đẽo đi theo người khác, một phần căn bản nằm ở việc cầu học và cầu thị trọng dụng nhân tài!

Xin trân trọng cảm ơn ông!