Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV

Đầu tư công dàn trải, lãng phí & ăn đong

Đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công (ĐTC) trung hạn, tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2016 - 2020 là một nội dung được nhiều ĐQBH quan tâm thảo luận. Nhiều ý kiến khẳng định sau hơn hai năm thực hiện Nghị quyết về ĐTC trung hạn, Chính phủ và các cấp, các ngành đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nhưng cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Những tồn tại, hạn chế cũng được tập trung mổ xẻ, phân tích tại nghị trường như ĐTC dàn trải, thất thoát, lãng phí, còn cơ chế xin cho, ăn đong...

Tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông. Ảnh | Zing
Tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông. Ảnh | Zing

Cụm từ “đầu tư dàn trải” trở nên quen thuộc

ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) khẳng định, thời gian qua Chính phủ đã triển khai nghiêm túc Nghị quyết 25 về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 và Nghị quyết 26 về kế hoạch tài chính ĐTC trung hạn giai đoạn 2016 - 2020. Trong cơ cấu chi ngân sách, chi cho đầu tư phát triển liên tục tăng, bảo đảm động lực cho sự tăng trưởng. Báo cáo của Chính phủ cũng đề cập kết quả khả quan, nổi bật là tỷ trọng ĐTC trên GDP dịch chuyển tích cực, phù hợp các mục tiêu về cơ cấu lại ĐTC đã đề ra, cơ cấu vốn ĐTC dịch chuyển theo hướng phù hợp hơn, hiệu quả đầu tư toàn nền kinh tế bước đầu tăng lên, giải ngân vốn ĐTC từng bước được cải thiện, khắc phục tình trạng: quyết định chủ trương và quyết định đầu tư tùy tiện, không căn cứ khả năng cân đối vốn, các dự án đầu tư vượt quá kế hoạch vốn được giao, gây nợ đọng xây dựng cơ bản, kế hoạch ĐTC bị cắt khúc...

Tuy nhiên, ĐBQH Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) nêu rõ băn khoăn của nhiều cử tri trước vấn nạn thất thoát lãng phí quá lớn. Nếu đầu nhiệm kỳ nhiều ĐBQH lên tiếng phản ứng gay gắt về 12 dự án thua lỗ hàng nghìn tỷ do Bộ Công thương quản lý thì đến nay lại phát sinh thêm các dự án do Bộ Giao thông vận tải quản lý. Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi hơn 34 nghìn tỷ đồng vừa nghiệm thu thông xe chỉ sau vài trận mưa đã hỏng, dự án đường sắt tuyến đô thị Cát Linh - Hà Đông, tổng mức đầu tư ban đầu là 8.769,97 tỷ đồng đã điều chỉnh tăng thêm 18.001,59 tỷ đồng.

Theo ĐBQH Nguyễn Trường Giang (Đác Nông), thực tế vẫn còn tình trạng phân bổ vốn cho các công trình, dự án không có trong kế hoạch ĐTC trung hạn, khi chưa xác định nguồn vốn, tổng mức đầu tư, phân bổ vốn ĐTC chậm gây lãng phí nguồn lực cho đất nước trong khi ngân sách nhà nước cho ĐTC còn hạn hẹp.

Cùng chung nỗi lo, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của QH Vũ Thị Lưu Mai nhấn mạnh cụm từ “đầu tư dàn trải” dường như trở nên quen thuộc. Tổng mức đầu tư giai đoạn 2016 - 2020 là hai triệu tỷ đồng cho 9.620 dự án nhưng hiện số lượng dự án ở các địa phương dở dang rất lớn. Với nguồn trái phiếu chính phủ, 64 tỉnh, thành phố, mỗi tỉnh, thành phố được phân bổ một dự án, trong khoảng 260 nghìn tỷ đồng. “So sánh kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới, số lượng các dự án trong kế hoạch đầu tư của chúng ta rất lớn và cũng hiếm ở quốc gia nào có phương pháp phân bổ là mỗi tỉnh, thành phố có một dự án. Mong muốn của các địa phương là hoàn toàn chính đáng, nhu cầu là cần thiết, tuy nhiên trong bối cảnh nguồn lực khó khăn, nợ công vẫn ở mức cao, bội chi lớn, bắt buộc chúng ta phải lựa chọn theo hướng tập trung, tránh dàn trải. Công bằng là nguyên tắc quan trọng. Tuy nhiên, công bằng không có nghĩa là cào bằng, có trọng tâm không có nghĩa chỉ một số các dự án, một số địa phương được chú trọng mà thật sự cần có một trật tự ưu tiên phù hợp với tính cấp thiết tại từng thời điểm, có lộ trình thích hợp để dần dần hoàn thành bức tranh ĐTC trên phạm vi toàn quốc”, ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai phân tích. Đề cập đến kết quả đầu ra các dự án, đại biểu này dẫn chứng tổng số dự án hoàn thành trong giai đoạn 2011 - 2015 là 1.789 dự án, nếu tính đến hết năm 2018 sẽ là 6.290 dự án và bày tỏ băn khoăn hiện nay chưa có báo cáo nào khẳng định là tất cả các dự án đều mang lại hiệu quả thiết thực và chưa có câu trả lời chính xác trong hàng nghìn công trình hoàn thành có bao nhiêu công trình hiệu quả cao, hiệu quả thấp hay chưa hiệu quả.

Nâng cao hiệu quả đầu tư công

Sau khi phân tích những bất cập, ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả ĐTC, tránh thất thoát, lãng phí như hoàn chỉnh sớm bộ tiêu chí về đánh giá hiệu quả đầu ra theo hướng phù hợp thông lệ quốc tế, ngay từ khi lựa chọn dự án cần làm rõ kết quả đầu ra tương xứng với nguồn lực được đầu tư, có cơ chế tăng cường trách nhiệm giải trình trong hoạt động giám sát. Kinh nghiệm của các nước cho thấy, nguồn lực đầu tư từ phía nhà nước hầu như chỉ tập trung vào những dự án có tác động lan tỏa toàn xã hội. Thí dụ, kế hoạch ĐTC trung hạn ở Australia trong năm 2018 chỉ tập trung cho bốn dự án lớn còn 15/20 dự án cao tốc ở Hàn Quốc được đầu tư bởi các thành phần kinh tế tư nhân. Đồng tình, ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo, bổ sung vào các báo cáo thanh tra, xử lý các sai phạm thời gian qua đến đâu, bao nhiêu dự án được phục hồi, phá sản, mức độ xử lý nghiêm các sai phạm, các tổ chức cá nhân để cảnh báo, răn đe, đồng thời rút kinh nghiệm cho các giải pháp ĐTC trong thời gian tới.

ĐBQH Hoàng Văn Cường (TP Hà Nội) kiến nghị Chính phủ sớm chỉ đạo xây dựng và công bố công khai bộ tiêu chí đánh giá và xếp thứ tự ưu tiên lựa chọn các dự án đầu tư đưa vào danh mục ĐTC và phân bổ vốn đầu tư. Theo ĐBQH Trần Hoàng Ngân, trong điều kiện hiện nay cần ưu tiên cho các dự án đang dở dang chỉ cần thêm ít vốn là hoàn thành đưa vào sử dụng; đầu tư nhanh vào những khu vực đang là động lực của tăng trưởng, có khả năng sinh lời để tạo ra lợi nhuận, tiếp tục tái đầu tư cho các dự án khác; đầu tư vào những khu vực bị ảnh hưởng bởi thiên tai, lũ lụt, sạt lở.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa nhận thực trạng trước đây “quyết định đầu tư nhưng không biết có tiền hay không, không biết tiền ở đâu và có bao nhiêu, quyết định đầu tư xong rồi, chúng ta mới tạo nên một áp lực rồi đi xin vốn, không đủ vốn thì xin ứng trước, không ứng trước thì kéo dài, kéo dài thì nợ đọng, hiệu quả dự án không có”. Tuy nhiên, từ khi ban hành Luật Đầu tư công đã khắc phục tình trạng này, giảm thiểu được sự dàn trải, phân tán như giai đoạn trước, dẫu chưa triệt để. Giai đoạn 2011 - 2015 khởi công thực hiện gần 21 nghìn dự án nhưng trong kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 giảm chỉ còn 9.620, giảm hơn một nửa số dự án thực thi (trong đó hơn 8.000 dự án của giai đoạn năm 2011 - 2015 chuyển qua và chỉ có 412 dự án khởi công mới dùng vốn ngân sách, chiếm chưa tới 4%).

Chính phủ đã ban hành Nghị định 120 để sửa ba nghị định liên quan đến ĐTC để khắc phục một bước các bất cập, vướng mắc hiện nay và sẽ trình Quốc hội Luật Đầu tư công (sửa đổi); phân cấp triệt để cho các địa phương và các bộ, ngành từ lựa chọn dự án phân bổ vốn cho đến điều chỉnh vốn, thẩm định nguồn vốn, khả năng cân đối vốn; áp dụng công nghệ thông tin, công khai, minh bạch nhiều hơn nhằm bảo đảm quản lý chặt chẽ, hiệu quả theo tinh thần của Luật Đầu tư công, gắn trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức thực hiện liên quan đến các khâu, các đoạn của phân bổ vốn và giải ngân vốn, đặc biệt của người đứng đầu các cấp cơ sở thực hiện dự án là một số giải pháp khả thi, thiết thực được Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư khẳng định.