Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV  

Dấu ấn nhiệm kỳ đổi mới, thành công

Diễn ra từ ngày 24-3 đến 8-4, Kỳ họp thứ 11, Quốc hội (QH) khóa XIV thành công tốt đẹp. Tâm huyết và trách nhiệm, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã đánh giá khách quan những thành tựu nổi bật của một nhiệm kỳ QH hoạt động chất lượng, hiệu quả, thẳng thắn chỉ rõ tồn tại, hạn chế, phân tích rõ nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm để làm cơ sở tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động trong nhiệm kỳ tới.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ nhậm chức.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ nhậm chức.

Nhiều chuyển biến tích cực

Báo cáo công tác của QH nhiệm kỳ khóa XIV khẳng định "trong 5 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cùng với sự kế thừa và phát huy kinh nghiệm của các nhiệm kỳ trước, QH khóa XIV ngày càng thể hiện sâu sắc là hiện thân của khối đại đoàn kết dân tộc, luôn sáng tạo, đổi mới mạnh mẽ hoạt động, nghiên cứu, thận trọng, nhưng quyết đoán kịp thời; nêu cao tinh thần trách nhiệm, luôn hành động vì lợi ích của Nhân dân, của đất nước, hoàn thành tốt nhiệm vụ đặt ra trên các lĩnh vực lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng và hoạt động đối ngoại". Cả nhiệm kỳ, QH, Ủy ban Thường vụ QH đã ban hành 72 luật, hai pháp lệnh và nhiều nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật, tác động lớn, toàn diện, sâu sắc đến đời sống KT-XH, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho việc đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước từ Trung ương đến cơ sở. Các ĐBQH luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm; lắng nghe, phản ánh đầy đủ, kịp thời ý chí, nguyện vọng của cử tri và nhân dân; bản lĩnh, tâm huyết đóng góp vào thành công chung của Quốc hội, tạo nền tảng vững chắc cho khóa XV và các khóa tiếp theo.

Dấu ấn thành công nổi bật của cả nhiệm kỳ cũng được nhiều ĐBQH phân tích, nhấn mạnh: Quyết định những quyết sách quan trọng hợp lòng dân, giám sát chuyên đề tiếp tục đi vào chiều sâu, hiệu quả rõ nét, lựa chọn "trúng" và "đúng" vấn đề; đổi mới trong hoạt động họp trực tuyến, giảm tối đa tài liệu giấy, hướng tới một QH điện tử; QH đã chuyển từ tham luận sang thảo luận, tranh luận dân chủ, thẳng thắn, hoạt động chất vấn "hỏi nhanh, đáp gọn", tăng tính phản biện, tạo không khí sôi động, hấp dẫn cho các phiên họp, bảo đảm quyết định của QH được xem xét toàn diện, nhiều chiều, bám sát thực tiễn, có tính khả thi... Hiệu quả của việc luôn cầu thị lắng nghe, đổi mới phương pháp sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm, nêu cao tinh thần trách nhiệm, trí tuệ, thích ứng linh hoạt với điều kiện thực tế thể hiện đậm nét qua 11 kỳ họp diễn ra dân chủ, có nhiều cải tiến, chất lượng nâng cao được ĐBQH, cử tri, dư luận xã hội và bạn bè quốc tế đánh giá cao. ĐBQH Tô Văn Tám (Kon Tum) khẳng định QH đã thể chế hóa kịp thời đường lối đổi mới, quan điểm chính sách của Đảng và Hiến pháp năm 2013 và bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong quá trình lập pháp, đáp ứng giải quyết kịp thời các vấn đề vướng mắc mà thực tiễn cuộc sống xã hội đặt ra. ĐBQH Ngô Sách Thực (Bắc Giang) đề cao việc đổi mới, cải tiến các hoạt động giám sát, đặc biệt là bảy chuyên đề giám sát của QH là những nội dung liên quan mật thiết đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân.

Một điểm nhấn quan trọng là các cơ quan QH nỗ lực đoàn kết, đổi mới, chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Chính phủ, các cơ quan hữu quan hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Chính phủ vững vàng chèo lái nền kinh tế đất nước, thành tựu ấn tượng thể hiện khái quát trong năm cân đối hài hòa lớn: hài hòa giữa mở cửa, đổi mới, thúc đẩy phát triển KT - XH với việc củng cố, nâng cao vai trò lãnh đạo, uy tín của Đảng, giám sát của Quốc hội, hợp tác của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể tổ chức xã hội; giữa phát triển kinh tế nhanh với bảo đảm sự tiến bộ xã hội, bảo vệ môi trường; hài hòa, cân đối giữa nội lực với ngoại lực, giữa khu vực kinh tế trong nước với khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, giữa nội thương với ngoại thương, giữa xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ với mở cửa và hội nhập quốc tế; giữa những ưu tiên ngắn hạn với những mục tiêu dài hạn; trong cân đối các nguồn lực tài chính quốc gia, cán cân ngân sách, nợ công, cán cân tài khoản vãng lai, cán cân thanh toán quốc tế, dự trữ ngoại hối, bảo đảm nguồn nhân lực và nhiều cân đối vĩ mô khác. Thị trường tiền tệ, tín dụng, ngoại tệ và tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại hối đạt kỷ lục gần 100 tỷ USD. Bội chi ngân sách nhà nước bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 3,45%. Nợ công giảm từ khoảng 64,5% GDP đầu nhiệm kỳ xuống còn 55,3% GDP và được cơ cấu lại bền vững, an toàn hơn. Tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 5,99%, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới...

Nhiều ĐBQH đánh giá cao nỗ lực xây dựng Chính phủ kiến tạo, phát triển, liêm chính, hành động và kết quả điều hành KT - XH trong nhiệm kỳ, nhất là công tác phòng, chống dịch Covid-19. Theo ĐBQH Vũ Tiến Lộc (Thái Bình), Chính phủ đã thành công trong ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát thấp, tăng trưởng cao trong bối cảnh khó khăn; nỗ lực thúc đẩy cải cách thể chế, trong đó tập trung vào hai mũi giáp công là cải cách thủ tục hành chính và thực hiện Chính phủ điện tử; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại đầu tư.

Dấu ấn nhiệm kỳ đổi mới, thành công -0

Đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV. Ảnh trong bài: Trần Hải 

Tin tưởng và kỳ vọng

Trong bối cảnh hiện nay, yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra đối với QH, Chính phủ trong nhiệm kỳ tới còn nặng nề. Một số tồn tại, hạn chế được các ĐBQH chỉ rõ chính là những rào cản cần sớm khắc phục. Đó là một số hồ sơ dự án, dự thảo trình QH chưa bảo đảm tiến độ, chất lượng, yêu cầu đặt ra, chưa có sự đồng thuận cao; chương trình xây dựng luật, pháp lệnh phải nhiều lần điều chỉnh; một số dự án luật chậm trình QH; lập, hoàn thiện các quy hoạch quốc gia chưa đáp ứng yêu cầu về tiến độ; chuyển dịch cơ cấu ngành dịch vụ còn chậm; bộ máy hành chính nhà nước vẫn chưa thật sự tinh gọn, hiệu quả; chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức chưa đồng đều, tính chuyên nghiệp còn hạn chế... ĐBQH Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội) dẫn chứng triển khai thực hiện Luật Quy hoạch còn vướng mắc; đến nay văn bản hướng dẫn Luật Đầu tư và Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư PPP vẫn chưa được ban hành. ĐBQH Tô Thị Bích Châu (TP Hồ Chí Minh) bày tỏ băn khoăn về giáo dục đào tạo tuy có cải cách nhưng "vẫn đi một cách lưng chừng", kết quả còn hạn chế, lĩnh vực văn hóa vẫn chưa bứt phá...

Tiếp tục nghiên cứu cải tiến, đổi mới cách thức tiến hành kỳ họp; từng bước hoàn thiện QH điện tử, phát huy mạnh mẽ tính dân chủ, đối thoại để tăng cường trách nhiệm giải trình, giải quyết đến cùng các vấn đề trong các hoạt động của QH; đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động tiếp xúc cử tri, cải tiến hơn nữa quy trình xây dựng luật, tăng cường giám sát về ban hành các văn bản quy phạm pháp luật... là đòi hỏi từ thực tiễn. Nhiều đề xuất của các ĐBQH tại kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ cho thấy vẫn còn không ít băn khoăn, trăn trở trước những vấn đề quốc kế dân sinh như kiến nghị Chính phủ nhiệm kỳ mới có đột phá trong tổ chức bộ máy, nhân sự của ĐBQH Lê Thanh Vân (Cà Mau), tập trung hơn nữa vào lĩnh vực giáo dục, y tế - hai trụ cột của an sinh xã hội của ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu (An Giang), nghiên cứu kỹ vai trò năng lượng biển trong nền kinh tế biển của ĐBQH Nguyễn Việt Thắng (Bến Tre)... Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của các bộ, cơ quan ngang bộ, khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lắp, bảo đảm hiệu quả quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phát huy tính chủ động, sáng tạo, đề cao tinh thần trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, gắn với cơ chế kiểm soát quyền lực.

Thực hiện chủ trương sắp xếp, kiện toàn nhân sự sau Đại hội XIII của Đảng, QH vừa xem xét, quyết định miễn nhiệm, bầu, phê chuẩn một số chức danh trong bộ máy nhà nước, bảo đảm dân chủ, đúng quy định của pháp luật và đạt được sự đồng thuận rất cao. Trước Quốc kỳ, QH và cử tri cả nước, Chủ tịch QH, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ đã tuyên thệ tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân và Hiến pháp, nguyện nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Cử tri và nhân dân tin tưởng, kỳ vọng nhân sự cấp cao vừa được kiện toàn sẽ nêu cao tinh thần năng động, sáng tạo, ý chí dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, tích cực đóng góp, tạo thế và lực đưa đất nước vững vàng bước vào thời kỳ phát triển mới.

 HỒNG CHÂU