Cầu nối bình yên từ trang zalo an ninh trật tự

Tuy ở địa bàn đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đời sống còn nhiều khó khăn nhưng mô hình “Kết nối mạng xã hội - Bình yên cho mỗi gia đình” được công an tỉnh Đắk Lắk triển khai bài bản, quyết liệt, đồng bộ, đạt hiệu quả rõ nét trên thực tiễn. Các trang zalo an ninh trật tự (ANTT) dần trở thành kênh thông tin hữu hiệu, cầu nối giữa công an cơ sở với bà con, mang lại cuộc sống bình yên.

Công an xã Tân Hòa (Buôn Đôn, Đắk Lắk) hướng dẫn người dân kết nối trang zalo an ninh trật tự.
Công an xã Tân Hòa (Buôn Đôn, Đắk Lắk) hướng dẫn người dân kết nối trang zalo an ninh trật tự.

Tác nghiệp như “nhà báo”

Sáng thứ bảy nhưng Đại úy Lê Anh Tuấn, Công an huyện Cư M’gar vẫn thường trực ở đơn vị theo dõi hơn 20 trang zalo của công an các xã, đội thuộc công an huyện. Từng học công nghệ thông tin, lại tâm huyết, sáng tạo nên Tuấn được “chọn mặt gửi vàng” là quản trị viên. Quan sát trên màn hình bao quát toàn bộ thông tin, Tuấn nhắc nhở, đôn đốc sớm hồi đáp những câu hỏi, tin báo của người dân. “Anh em cơ sở nhiều việc, đôi khi mình trả lời giúp luôn, câu hỏi nào chưa rõ hẹn giải đáp sau, khi đã tìm hiểu kỹ lưỡng”, anh bộc bạch.

Hơn một năm nay, từ khi Công an tỉnh Đắk Lắk thí điểm triển khai mô hình “Kết nối mạng xã hội - Bình yên cho mỗi gia đình” thiết lập 228 trang zalo ANTT được xác thực tại 184 xã, phường, thị trấn, công việc công an cơ sở bận rộn hơn. Cán bộ, chiến sĩ (CBCS) dùng điện thoại, laptop cá nhân, tự trả chi phí 3G, mệt nhưng vui bởi mô hình mang lại nhiều lợi ích thiết thực giúp dân. Tài khoản zalo đòi hỏi xác thực nên độ an toàn cao hơn, người dân có điện thoại thông minh dễ dàng tham gia kết nối, bởi nền tảng công nghệ có sẵn, lại dễ sử dụng.

Buổi đầu, mọi thứ mới mẻ, không tránh khỏi bỡ ngỡ. Đa số CBCS là “tay ngang” nên băn khoăn, trăn trở: viết bài ra sao, nguồn thông tin từ đâu, duyệt đưa thế nào vừa bảo đảm bí mật nghiệp vụ vừa tuyên truyền hiệu quả, cách tiếp nhận và xử lý tin báo, trả lời, giải đáp thắc mắc sao cho chính xác, chuẩn mực. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, công việc dần vào guồng. Để tạo nguồn tư liệu phong phú, CBCS mỗi khi làm nhiệm vụ cơ động quay phim, chụp ảnh bằng điện thoại di động. Khâu khai thác thông tin, tư duy viết tin, bài, cắt cúp hình ảnh, chọn múi giờ đẩy lên trang zalo được tính toán kỹ lưỡng nhằm thu hút đông người quan tâm, chia sẻ. Lượng truy cập nhiều nhất là thông tin ANTT xảy ra tại địa bàn. “Đặt tít ngắn gọn, lôi cuốn mà không giật gân, câu view chẳng hề đơn giản”, Trung tá Đỗ Trọng Huế, Trưởng Công an xã Tân Hòa, huyện Buôn Đôn trải lòng. Thường xuyên đọc báo để học cách hành văn, cầu thị lắng nghe góp ý của người xem là cách thức Huế nâng cao kỹ năng tác nghiệp.

Mặc dù đã tích cực tuyên truyền, quảng bá nhưng những ngày đầu còn ít người biết trang zalo, vì chưa lưu tâm, sợ mất an toàn thông tin cá nhân hay e ngại báo tin tố giác tội phạm mọi người trong nhóm đều biết. Thế nên, CBCS giải thích cặn kẽ rằng tin báo chỉ có quản trị viên biết và bảo đảm bí mật danh tính người tố giác. Lắp đặt các banner, pano, áp-phích giới thiệu trang zalo tại các điểm tiếp dân và nơi công cộng, quảng bá trên website, lồng ghép tuyên truyền tại buổi họp dân, CBCS chia sẻ lên các trang zalo, facebook cá nhân là những biện pháp lan tỏa hữu hiệu. 

Để tuyên truyền, phổ biến pháp luật sâu rộng, đạt hiệu quả cao nhất, các trang zalo ANTT tập trung vào những vấn đề nóng, thiết thực bà con quan tâm, phù hợp từng thời điểm. Gần Tết đăng nhiều thông tin phòng, chống pháo nổ, cờ bạc, mùa thu hoạch cà-phê, sầu riêng cảnh báo nạn trộm cắp...Thông tin khai thác từ website Chính phủ, Bộ Công an, các báo chính thống để bảo đảm độ chính xác, trích dẫn văn bản pháp luật ngắn gọn, súc tích để người xem dễ lĩnh hội. Đơn cử dịp gần Tết Tân Sửu, các trang zalo trích đăng một số thông tin quan trọng, liên quan đời sống dân sinh trong Nghị định 137 như khái niệm các loại pháo, phân biệt pháo nổ, pháo hoa nổ, pháo hoa, các hành vi bị nghiêm cấm, các trường hợp được bắn pháo hoa nổ...

Chỉ sau vài thao tác bấm thanh menu truy cập trên màn hình zalo, chị Tạ Thúy Nhung ở thị trấn Quảng Phú (Cư M’gar) đã nắm được cơ bản thủ tục chuyển khẩu cần tờ khai biểu mẫu nào, thời gian giải quyết, lệ phí. Cũng nhờ tìm hiểu trước từ trang zalo ANTT, đến nay không còn cảnh người dân từ các xã cách công an huyện hàng chục cây số phải đi lại nhiều lần vì thiếu giấy tờ khi làm thẻ căn cước công dân hay phải mất thời gian chờ đợi vì đã đặt lịch hẹn trước. Công dân hỏi về thủ tục hành chính càng nhiều, một số đơn vị cải tiến, thiết lập các truy vấn tự động tương tác trả lời ngắn gọn, chính xác. Biết trang zalo uy tín, hữu ích, cả người tỉnh ngoài cũng hỏi, nhờ tư vấn, cán bộ trực lại tận tình hướng dẫn, giải đáp.

Thời buổi công nghệ 4.0, dân tin tưởng báo tin, CBCS không thể vào cuộc chậm trễ, ai nấy đều nỗ lực với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Cảnh sát khu vực (CSKV), công an viên phụ trách địa bàn lập hơn 1.100 nhóm zalo thôn, buôn, tổ dân phố quy tụ thành viên là công an, cán bộ, quần chúng tốt cho nên phối hợp trao đổi công việc nhịp nhàng và xử lý nhanh chóng, dứt điểm nhiều vụ việc. Trung úy Nguyễn Hà Minh, CSKV tổ dân phố 4, phường Tân An, thành phố Buôn Ma Thuột hào hứng khoe một nửa hộ dân trong tổ đã kết nối zalo, do đó nắm tình hình nhanh, thuận lợi và sâu sát hơn. “Có thêm kênh tố giác thuận lợi, tin báo nhiều, các đối tượng dè chừng, khu phố bình yên. Bà con hiểu biết pháp luật hơn, đồng cảm, chia sẻ với chúng tôi”, chị nói.

Nhiều tiện ích, lan tỏa nhanh

Cầu nối bình yên từ trang zalo an ninh trật tự -0
Công an xã Ia Lốp, huyện Ea Súp giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. 

“Hữu xạ tự nhiên hương”, thông tin trang zalo ANTT ngày một đa dạng, hữu ích, càng thêm nhiều người tích cực tìm kiếm và tương tác, quan tâm. Những trường hợp tìm người lạc, tìm giấy tờ đánh rơi, truy nã đối tượng...chỉ cần thông báo trên zalo là mọi người đều biết, nếu phát hiện sẽ cấp báo. Chủ khách sạn, nhà nghỉ trước kia phải lên trụ sở công an khai báo khách lưu trú thì nay chỉ cần báo qua zalo. Đặc biệt, thời điểm giãn cách xã hội phòng, chống dịch Covid-19, tuyên truyền qua zalo càng hiệu quả vì không phải tập trung đông dân, tránh được nguy cơ lây nhiễm. Ông Bùi Văn Bản, Trưởng thôn 9, xã Tân Hòa hứng khởi, trước đây muốn tuyên truyền phải lồng ghép họp thôn, buôn, cả tháng mới tổ chức được một lần, nay có văn bản pháp luật mới nào được cập nhật luôn, phát sinh loại tội phạm mới nào cảnh báo ngay trên zalo nên bà con nắm rõ, không bị “tam sao thất bản”, thậm chí khi cần thiết có thể vào tra cứu. Ông Hoàng Văn Tý, trưởng thôn 3, xã Ea Kpam, huyện Cư M’gar hồ hởi: Lên cơ quan công an trình báo, tố giác có thể nhiều người biết nhưng nhắn tin, gửi hình ảnh, clip phản ánh trên zalo không xưng tên thật, không lộ danh tính nên bà con mạnh dạn báo tin. Nhiều đối tượng gây án không thể thoát thân vì bị đón lõng, bắt giữ ngay lập tức sau khi nhận tin báo hoặc kịp báo cho xã bên vây bắt.

Những việc làm nhân văn lan tỏa trên mạng, hình ảnh công an đẹp hơn, gần dân hơn, bà con thêm tin yêu, ủng hộ. Đến nay, công an tỉnh xử lý nhanh hơn 700 tin báo ANTT qua zalo như tụ tập mua bán sử dụng ma túy, hủy hoại tài sản, cho vay nặng lãi, đánh bạc, mại dâm... Một trong hàng chục nhóm đối tượng mang hung khí gây rối, đánh nhau và đua xe bị xử lý năm qua là hơn 20 thanh niên hẹn nhau hỗn chiến ở vòng xoay đường Trần Quý Cáp, thành phố Buôn Ma Thuột đêm 8-11-2020, Phòng Cảnh sát cơ động đã có mặt tại hiện trường ngay sau khi nhận tin báo qua zalo, vây ráp, ngăn chặn kịp thời. “Những lời khen, lá thư cảm ơn là nguồn động viên, khích lệ chúng tôi luôn nỗ lực phấn đấu làm thêm nhiều việc tốt vì dân”, Phó Công an huyện Cư M’gar Lê Văn Khánh bộc bạch. Anh kể, một người dân kinh doanh điện thoại di động tại thành phố Buôn Ma Thuột chuyển 90 triệu đồng cho đối tác nhưng nhầm số tài khoản của một người dân sinh sống ở Cư M’gar nên tìm đến trang zalo đội Cảnh sát QLHC nhờ cậy. Tra cứu trong phần mềm nhân hộ khẩu xác định chính xác chủ tài khoản được gửi tiền nhầm, đề nghị hoàn trả đầy đủ. Từ đáy lòng, chị viết thư cảm ơn công an huyện nhiệt tâm tìm giúp khoản tiền lớn.

Thông tin trang zalo đa dạng, sinh động không chỉ bởi sự chủ động của đơn vị cơ sở mà còn từ biện pháp “giao khoán”, đốc thúc thường xuyên của các cấp lãnh đạo, thống kê từng tuần, tháng kết quả truy cập tại các buổi họp giao ban. Hơn 142.600 lượt người quan tâm, theo dõi, gần  16 nghìn bài viết đăng tải, chia sẻ thu hút hơn 6,5 triệu lượt xem, trả lời hướng dẫn cho công dân hơn 7.200 lượt câu hỏi về thủ tục hành chính là những con số khả quan ấn tượng sau một năm triển khai trên không gian mạng. “Mô hình sáng tạo, đột phá này góp phần tích cực trong cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, đáp ứng tốt yêu cầu bảo đảm ANTT trong thời đại Internet, công nghệ thông tin phát triển. Đó cũng là điểm nhấn được Bộ Công an đánh giá cao, đóng góp cho thành tích chung của công an tỉnh Đắk Lắk được Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc năm 2020”, Đại tá Lê Văn Tuyến, Giám đốc Công an tỉnh nhấn mạnh. Khi mô hình thiết thực này được hoàn thiện, phát triển và nhân rộng toàn quốc, các trang zalo ANTT thật sự là người bạn đồng hành thân thiết hằng ngày của mỗi gia đình, cho cuộc sống bình yên.