Cảnh báo hệ lụy từ tiền chất ma túy

Không chỉ nguồn ma túy thẩm lậu từ nước ngoài, sản xuất ma túy trong nước có dấu hiệu gia tăng làm tình hình tội phạm ma túy càng phức tạp, áp lực đấu tranh, ngăn chặn càng căng thẳng. Quản lý chặt chẽ tiền chất không để tội phạm có cơ hội lợi dụng điều chế, sản xuất ma túy tổng hợp (MTTH) đang là đòi hỏi cấp bách.

Hóa chất, tiền chất đựng trong các thiết bị, thùng phuy, can nhựa, dùng để sản xuất ma túy bị phát hiện, thu giữ.
Hóa chất, tiền chất đựng trong các thiết bị, thùng phuy, can nhựa, dùng để sản xuất ma túy bị phát hiện, thu giữ.

Nguy cơ nhãn tiền

Sau tám tháng bí mật theo dõi, thu thập chứng cứ, sáng 6-8-2019, gần 100 cán bộ, chiến sĩ Cục CSĐT tội phạm ma túy cùng các đơn vị của Bộ Công an và công an các địa phương đột kích vào nhà xưởng Công ty TNHH Xuất, nhập khẩu Đồng An Viên tại khu làng nghề, thị trấn Đắk Hà (Kon Tum) khống chế, bắt quả tang bảy đối tượng người Trung Quốc có hành vi sản xuất trái phép chất ma túy, thu 140 lít dung dịch sệt có thành phần methamphetamine, hơn 13 tấn hóa chất, tiền chất; khoảng 20 tấn máy móc, thiết bị, dụng cụ được lắp đặt thành dây chuyền. Đồng loạt triển khai 10 tổ công tác tại một số tỉnh, thành phố thu giữ 157 thùng hóa chất các loại, 380 bao hóa chất dạng bột, 84 can hóa chất sử dụng vào sản xuất MTTH. Hàng chục đối tượng trong đường dây quy mô lớn này đã bị tóm gọn, nếu không ngăn chặn ngay từ lúc manh nha thì đã có tới một tấn MTTH được sản xuất từ lượng tiền chất, hóa chất khủng nói trên.

Trước đó, lực lượng công an cả nước đã phát hiện, bắt giữ gần 40 vụ sản xuất ma túy. Nếu chưng cất được 1 kg hê-rô-in phải dùng đến 10 kg thuốc phiện (chỉ trồng được một mùa trong năm) thì sản xuất MTTH từ tiền chất cho sản lượng không hạn chế, nên ngày càng nhiều đối tượng tìm cách mày mò, sản xuất số lượng lớn kiếm lời. “Tập đoàn” ma túy do Văn Kính Dương cầm đầu bị Công an TP Hồ Chí Minh triệt phá thu giữ 2,5 tấn tiền chất và hóa chất cùng hàng trăm kg ma túy sơ chế, 500 nghìn viên thuốc lắc. Thủ đoạn tinh vi của chúng là đặt các xưởng điều chế, sản xuất thuốc lắc, ma túy đá tại các nơi vắng vẻ, được vài mẻ hàng lại di dời qua chỗ khác. Một số vụ tách chiết từ thuốc thú y có thành phần chứa chất ma túy để điều chế thành ketamine cũng đã bị bóc gỡ.

Cảnh báo hệ lụy từ tiền chất ma túy ảnh 1
Cục CSĐT tội phạm ma túy khám xét xưởng sản xuất ma túy tổng hợp tại Đắk Hà (Kon Tum).

Theo Thượng tá Ngô Thanh Bình, Phó Cục trưởng CSĐT tội phạm ma túy, đối tượng người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam với nhiều vỏ bọc, hoạt động lưu động, dùng chiêu bài thuê kho xưởng để sản xuất phân bón hoặc thử nghiệm thuốc diệt côn trùng nhưng thực tế là sản xuất ma túy, mỗi đối tượng đảm nhận một công đoạn nhằm tránh bị phát hiện. Các đối tượng trong nước cũng ranh ma không kém. Chỉ cần có địa điểm kín đáo (nhà trọ, khu nhà ở vắng vẻ...), đủ dụng cụ (chai, phễu, bếp điện, bình khí đá, cân điện tử, giấy đo độ PH, than hoạt tính, máy nghiền, mặt nạ chống độc...) và đủ nguyên liệu (khi tiền chất có trong thuốc tân dược như pseudoephedrine, ephedrine đang được kiểm soát tương đối chặt chẽ thì chuyển dần sang sử dụng các loại tiền chất công nghiệp, dược liệu khác), chúng bí mật sản xuất ma túy bất chấp có thể lãnh án nặng (hình phạt cao nhất với tội sản xuất trái phép chất ma túy là tử hình).

Trong bối cảnh nhu cầu sử dụng tiền chất trong sản xuất, kinh doanh và y tế gia tăng, lực lượng chức năng đã triển khai nhiều biện pháp tăng cường kiểm soát, quản lý tiền chất, tránh thất thoát để các đối tượng lợi dụng sản xuất MTTH như tổ chức khảo sát, nắm tình hình, kiểm tra hoạt động xuất, nhập khẩu, sử dụng, mua bán, sản xuất, bảo quản, phân phối các loại tiền chất tại một số doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp, y tế; hoạt động xuất, nhập khẩu và tạm nhập, tái xuất tiền chất tại một số Chi cục Hải quan, xử lý các thông báo tiền xuất khẩu đối với các lô hàng nước ngoài nhập vào, tiền chất, hóa chất từ Việt Nam xuất ra nước ngoài; phối hợp trao đổi thông tin với các tổ chức quốc tế, các nước về kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy... Từ thực tiễn bất cập, sơ hở trong quản lý tiền chất, hóa chất, triệt phá các vụ sản xuất ma túy, đã có nhiều đề xuất, kiến nghị kịp thời để các chính sách, chế tài sớm được ban hành, điều chỉnh phù hợp.

Hiện cả nước có khoảng 600 doanh nghiệp tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu và sử dụng tiền chất công nghiệp, khoảng 200 doanh nghiệp thường xuyên nhập khẩu thuốc hướng thần, thuốc gây nghiện, tiền chất trong lĩnh vực y tế. Kiểm soát và quản lý tiền chất đến khâu cuối cùng còn gặp nhiều khó khăn do nguồn tiền chất phong phú, đa dạng từ sản xuất trong nước, từ nhập khẩu để phục vụ nhu cầu sản xuất, nhiều đơn vị nhập khẩu tiền chất đã phân phối, bán lẻ cho nhiều đơn vị khác khiến việc mua bán lòng vòng, khó kiểm soát. “Lỗ hổng” còn bộc lộ qua việc dễ dàng mua một số tiền chất trôi nổi trên thị trường ở các chợ bán lẻ hóa chất.

Đáng lo ngại là tội phạm sản xuất ra các chất ma túy mới chưa kịp đưa vào Danh mục quản lý của Chính phủ hòng tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng hoặc khi phát hiện được chưa có cơ sở pháp lý và chế tài xử lý, gây vướng mắc cho cơ quan chức năng điều tra, xử lý đối tượng vi phạm. Thủ tục để đưa các chất ma túy mới và tiền chất vào Danh mục quản lý của Chính phủ gặp nhiều khó khăn dẫn đến chậm được bổ sung. Năm 2013, Chính phủ quản lý 235 chất ma túy và 41 tiền chất, năm 2018 Chính phủ ban hành Nghị định 73 quản lý 515 chất ma túy và 44 tiền chất. Từ năm 2018 đến nay, Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) phát hiện nhiều chất ma túy mới, điển hình là bảy chất ma túy chưa có trong danh mục các chất ma túy tại Việt Nam như: EMB-Fubinaca; 5F-MDMB-Pica; Fub-144; MMB-022; AMB-Fubinaca...

Siết chặt quản lý, kiểm soát tiền chất

Với hơn 225 nghìn người nghiện có hồ sơ quản lý (60% nghiện MTTH), chưa kể số người sử dụng MTTH hoặc nghi nghiện MTTH là nguồn cầu lớn tác động tới tình hình sản xuất MTTH trong nước. Nguyên Cục trưởng Hóa chất (Bộ Công thương) Phùng Hà cho biết, có ba loại tiền chất gồm tiền chất ma túy, tiền chất vật liệu nổ, tiền chất vũ khí hóa học. Các tiền chất được xếp là hóa chất lưỡng dụng, nên không thể cấm nhập khẩu, kinh doanh, lưu thông mà nguyên tắc quản lý cần chặt chẽ, dựa trên mức độ rủi ro, ngăn ngừa hành vi sử dụng bất hợp pháp mà vẫn không làm khó cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có sử dụng hóa chất, tiền chất và các cơ sở kinh doanh trong lĩnh vực này.

Trong bối cảnh số lượng tiền chất sản xuất, nhập khẩu hằng năm có xu hướng tăng, đòi hỏi hoạt động kiểm soát của các cơ quan chức năng cần tăng cường hơn. Bên cạnh quản lý chặt chẽ về thủ tục nhập khẩu tiền chất cũng cần chú trọng khâu phân phối, tiêu thụ tiền chất ở trong nước để nắm rõ đường đi nước bước, các cơ sở sản xuất, kinh doanh tiền chất tuân thủ Quy chế quản lý tiền chất như có chế độ thống kê, báo cáo, có sổ sách ghi rõ tên tuổi, địa chỉ khách hàng, yêu cầu người mua xuất trình chứng minh thư. Đồng thời, nâng cao hiệu quả phối hợp liên ngành giữa công an, y tế, công thương, hải quan, tăng cường kiểm tra, chú trọng khâu hậu kiểm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để tránh tình trạng thất thoát tiền chất từ các cơ sở nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng tiền chất.

Một yếu tố quan trọng là sự tự giác chấp hành nghiêm túc quy định pháp luật của các cơ sở khám, chữa bệnh có sử dụng thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần trong điều trị, doanh nghiệp có hoạt động hợp pháp liên quan đến tiền chất ma túy (tăng cường tuyên truyền; nâng cao ý thức trách nhiệm trong quản lý, sử dụng tiền chất, hóa chất...). Nâng cao ý thức cảnh giác của người dân trong phát hiện, phòng ngừa tội phạm sản xuất trái phép chất ma túy (nhiều vụ được phát hiện từ nguồn tin báo của người dân chung quanh về biểu hiện nghi vấn sản xuất ma túy như phát hiện có mùi lạ, nước thải, các đối tượng tình nghi hoạt động bất thường...). Lực lượng công an triển khai các biện pháp nghiệp vụ ngăn chặn ngay từ khi mới manh nha, không để MTTH được sản xuất và tiêu thụ trót lọt, băng hoại xã hội. Ngoài ra, đẩy mạnh hợp tác quốc tế và phối hợp trao đổi thông tin về kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy, đấu tranh tội phạm sản xuất ma túy; quản lý chặt chẽ các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, công tác xuất, nhập cảnh, người nước ngoài cư trú và hoạt động tại Việt Nam, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm sản xuất ma túy và kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy, bổ sung kịp thời vào danh mục quản lý những tiền chất, chất ma túy mới.