Bác Hồ: Thi đua là yêu Nước

Xuân về. Tết đến. Tôi xin tản mạn đôi điều về phong trào thi đua yêu nước, một phong trào đang dậy sóng với thành công của Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc mới đây.

Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X. Ảnh: ANH AN
Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X. Ảnh: ANH AN

Bác Hồ và những danh ngôn

Bác là người khai sinh, dẫn dắt phong trào thi đua yêu nước, cũng là tấm gương mẫu mực trong việc thực hành thi đua. Để đưa quyết sách thi đua vào cuộc sống, Bác đã dùng những lời nói giản dị, mộc mạc, chân tình, dễ nghe, dễ hiểu, lại đậm chất danh ngôn.

Ngay từ Lời kêu gọi thi đua ái quốc đầu tiên ngày 11-6-1948 (1), Bác đã chỉ rõ:

Mục đích Thi đua ái quốc là:

Diệt giặc đói,

Diệt giặc dốt,

Diệt giặc ngoại xâm.

Cách làm là: dựa vào:

Lực lượng của dân,

Tinh thần của dân, để gây:

Hạnh phúc cho dân.

Bác kêu gọi: “Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, trai, gái; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ đều cần phải trở nên một chiến sĩ tranh đấu trên mặt trận: Quân sự, Kinh tế, Chính trị, Văn hóa...”.

Bốn năm sau, nói chuyện với Đại hội các chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc (ngày 1-5-1952), Bác khẳng định: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”.

Bác kết luận:

Người người thi đua,

Ngành ngành thi đua,

Ta nhất định thắng,

Địch nhất định thua.

Hơn 70 năm đã qua. Dân tộc ta làm nên hai cuộc kháng chiến trường kỳ, ròng rã 30 năm. Đã đánh thắng hai đế quốc to. Đã giành được độc lập, thống nhất, lập lại hòa bình. Đã mở ra thời kỳ đổi mới có ý nghĩa lịch sử.

Cảm nhận của tôi là, dù đã trải qua bao thử thách, thăng trầm, trong chiến tranh cũng như trong hòa bình, phong trào thi đua yêu nước vẫn như một dòng chảy luôn xô về phía trước. Có thể nói, đây là một phong trào yêu nước và cách mạng có quy mô lớn nhất, có nhiều hình thức thi đua sống động nhất, bao trùm mọi ngành, mọi cấp, mọi lĩnh vực, cũng có nhiều lớp người và độ tuổi tham gia nhất...

Đặc biệt hơn nữa, đây là cuộc thi đua không có kẻ thắng người thua. Đã tham gia thi đua thì tất cả đều thắng. Thắng nhiều thì được biểu dương, khen thưởng. Thắng ít hay không thắng thì rút kinh nghiệm cho sự trưởng thành.

Tất nhiên, đây là nói đến những người thành tâm thi đua. Còn những ai, tổ chức hay đơn vị nào, chẳng những đứng ngoài mà còn cản trở thi đua, mạo danh thi đua để trục lợi riêng, thậm chí bịa ra thành tích giả thì đó lại là chuyện khác.

Báo cáo tổng kết phong trào thi đua yêu nước trong 5 năm 2016 - 2020, chỉ rõ: Trong giai đoạn 2016 - 2019, cả nước đã thi đua hoàn thành xuất sắc các mục tiêu kinh tế - xã hội đề ra, đứng trong số 10 nước tăng trưởng cao nhất thế giới, trở thành một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất. Năm 2020, trước sự bùng phát của đại dịch Covid-19 gây ra những biến động bất lợi khôn lường trên toàn thế giới, Việt Nam vẫn được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, được coi là “điểm sáng” trong việc thực hiện mục tiêu kép: vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói: “Các phong trào thi đua yêu nước đã trở thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy mọi tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng, bảo vệ Tổ quốc”. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có cùng cách nhìn: “Chúng ta cần khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”(2).

Có một điếm nhấn cần nói rõ thêm. Hơn mười năm qua, đã có sự gắn kết chặt chẽ giữa phong trào thi đua yêu nước với Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đó là một trong những nhân tố quan trọng làm cho động lực phát triển được nhân lên. Sức mạnh tinh thần chuyển hóa thành sức mạnh vật chất.

Chuyện ta, địch trong thi đua

Bác Hồ nhen trong lòng chúng ta ngọn lửa niềm tin: Với kết quả thi đua, cuối cùng, “Ta nhất định thắng, địch nhất định thua”. Ta là ai thì rõ rồi. Còn địch là ai, cũng cần nhận biết.

Theo Bác, có hai loại kẻ địch. Địch bên ngoài là giặc ngoại xâm. Địch bên trong là những kẻ phản bội không chịu hối cải và nguy hiểm hơn là kẻ địch bên trong mỗi con người (ý nói những tư tưởng sai lầm và những thói hư, tật xấu).

Nói chuyện với cán bộ Lớp chỉnh đảng Trung ương Khóa 2, tháng 3-1953 (3), Bác phân tích: “Thế giới có mâu thuẫn, có hai phe. Trong nước có mâu thuẫn, có hai phe. Trong mình, cũng có mâu thuẫn có hai phe. Cái đó rất dễ hiểu. 

 Trong mình có hai phe: một phe thiện và một phe ác. Hai phe cùng đấu tranh với nhau. Nếu đấu tranh để phe thiện thắng thì phe ác phải bại. Nếu không đấu tranh mà để cho phe thiện bại, thì là hỏng...”.
 
Theo Bác, nếu muốn phe thiện thắng thì mình phải tự cải tạo mình... “Nếu chính mình tham ô bảo người ta liêm khiết có được không? Không được. Mình trước hết phải siêng năng, trong sạch thì mới bảo người ta trong sạch, siêng năng được...”.

“Phải thấy kẻ địch trong mình ta nó mạnh lắm. Đế quốc bên ngoài có thể dùng súng dùng đạn để đánh được. Kẻ địch trong người thì không thể dùng lựu đạn mà ném vào được, nó vô hình, vô ảnh, không dàn ra được thành trận, luôn luôn lẩn lút trong mình ta. Nó khó thấy, khó biết, nên khó tránh. Nhưng đã biết việc phải thì kiên quyết làm”.

Lời cảnh tỉnh, dặn dò đó của Bác cho đến nay vẫn còn tính thời sự nóng hổi.

Liền trong hai nhiệm kỳ Đại hội XI và XII, với hai Nghị quyết Trung ương 4, Đảng ta đã nêu quyết sách: Kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Nổi bật lên là đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu. Đó là những mối nguy làm xói mòn niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước và chế độ.

Rất đáng mừng là trong mười năm qua, nhất là trong 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, với quyết tâm cao và hành động quyết liệt, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chúng ta đã gặt hái được những thành tựu đáng ghi nhận.

Bức tranh xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh đã bừng lên; mảng sáng tỏa rạng; mảng tối dần bị đẩy lùi. Bức tranh đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí cũng như vậy: những hành vi tiêu cực bị đẩy lùi, những nhân tố tích cực được khơi dậy.

Về những thành tựu đạt được, đã có những con số biết nói được công bố trên báo chí. Tôi không nhắc lại.

Chỉ xin nói thêm một điều: Chống suy thoái, tham nhũng, lãng phí là một cuộc đấu tranh mang đậm tính nhân văn, vì con người, vì lợi ích của nước, của dân.

Tự phê bình và phê bình là liều thuốc “trị bệnh, cứu người”. Nhổ cỏ dại là để ươm những mầm non. Xử lý kỷ luật nghiêm nhiều cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao sai phạm là điều không ai mong muốn, thậm chí rất đau lòng, nhưng không thể không làm, vì đó là lợi ích của sự nghiệp chung. Kỷ luật một vài cá nhân để cứu muôn người. “Cắt bỏ một vài cành cây sâu mọt để cứu cả cái cây”. Đạo lý ấy Bác Hồ từng nói.

*

*      *

Xuân mới sắp sang. Lòng người phơi phới. Mọi khó khăn, thử thách cần vượt qua. Sẵn sàng mừng đón tin vui về thành công tốt đẹp của Đại hội XIII của Đảng với phương châm: “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển”. Hồ hởi đón Tết với tinh thần “vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm”.

Xuân Tân Sửu 2021

----------------------

(1) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, năm 2011, Hà Nội, tập 5, tr 556.
(2) Báo Nhân Dân, ngày 11-12-2020.
(3) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, năm 2011, Hà Nội, tập 8, tr 98.