Góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng

Ba đột phá chiến lược góp phần tạo bước chuyển tích cực

Dự thảo báo cáo "Tổng kết thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021-2030" nêu ba đột phá chiến lược đúng, trúng và rất cần thiết.

Đột phá thứ nhất là: Tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập, trọng tâm là thị trường các yếu tố sản xuất, nhất là thị trường quyền sử dụng đất, khoa học, công nghệ. Đây là định hướng táo bạo, sáng tạo, đổi mới từ Đại hội VI của Đảng và Đảng ta đã lãnh đạo thành công để kinh tế đất nước lớn mạnh như ngày hôm nay. Tuy nhiên cần phải tiếp tục hoàn thiện hơn thể chế kinh tế này bởi thành công to lớn bao nhiêu cũng nên coi là bước đầu và để thành công hơn nữa không dễ dàng. Hơn nữa giai đoạn tới quy mô khác, nhu cầu khác, tình hình khác, điều kiện khác, đối tác khác, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hơn, đại dịch Covid-19 còn đang bùng phát. Phải tiếp tục nhìn thẳng vào sự thật, nhận thấy rõ khó khăn, thách thức và cả thuận lợi, cơ hội để vững vàng đưa nền kinh tế Việt Nam phát triển theo cơ chế thị trường, hội nhập mạnh mẽ hơn nữa, nhưng cũng tuyệt đối không được để chệch hướng XHCN. Cần quyết tâm đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; bảo đảm quản lý thống nhất nhưng phải phát huy được tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của các cấp, các ngành.

Về đột phá thứ hai: Tiếp tục phát triển toàn diện nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ (KHCN) đổi mới sáng tạo gắn với khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự cường và phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam có thể được hiểu là tiếp tục làm tốt hơn nữa việc phát triển nguồn nhân lực có năng lực toàn diện; thúc đẩy sự phát triển KHCN toàn diện ngang tầm với cuộc cách mạng 4.0, đáp ứng được nhu cầu phát triển đất nước.

Về nguồn nhân lực, đồng tình với nội dung nêu trong dự thảo, như: Đổi mới căn bản, toàn diện và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo; chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao, phát hiện và bồi dưỡng nhân tài; có chính sách vượt trội để thu hút, trọng dụng nhân tài, chuyên gia cả trong và ngoài nước. Tuy nhiên dự thảo cũng cần nhấn mạnh việc bình đẳng và minh bạch hơn nữa quá trình tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và bổ nhiệm cán bộ để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng tham nhũng công tác tổ chức cán bộ.

Dự thảo cũng đã chỉ ra việc xây dựng nguồn nhân lực bằng cách: phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam; khơi dậy mạnh mẽ khát vọng phát triển của dân tộc, tinh thần yêu nước, tự hào, ý chí tự cường và lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết, đồng thuận xã hội. Cần thấy đó là những giá trị mà dân tộc ta đã bồi đắp, trui rèn qua hàng nghìn năm lịch sử, đã thật sự trở thành nguồn sức mạnh nội lực to lớn rất cần phải được gìn giữ và phát huy. Cần phải khơi dậy khát vọng vươn lên, nhưng chú trọng đề cao ý thức trách nhiệm, đạo đức xã hội, sống và làm việc theo pháp luật.

"Phát triển mạnh mẽ KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh" rất đúng đắn. KHCN ngày nay đã trở thành lực lượng sản xuất, là nguồn lực rất mạnh, rất hiệu quả góp phần phát triển kinh tế ở mỗi quốc gia. Nước ta có một đội ngũ những người làm khoa học đông đảo, con người Việt Nam rất sáng tạo, rất cần cù. Nhưng thực tế, thời gian qua KHCN chưa thật sự trở thành một nguồn lực cơ bản để phát triển kinh tế đất nước, hoạt động nghiên cứu khoa học còn chưa xuất phát từ thực tiễn, gắn liền với thực tiễn và để được phục vụ cho thực tiễn. Chủ trương "Lấy doanh nghiệp làm trung tâm nghiên cứu phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, ứng dụng công nghệ số" cần phải được triển khai hiệu quả trong thực tiễn thời gian tới.

Về đột phá thứ ba, dự thảo nhấn mạnh: "Tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là ưu tiên phát triển hạ tầng trọng yếu về giao thông, năng lượng, công nghệ thông tin, đô thị lớn, hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu. Phát triển mạnh hạ tầng số, xây dựng và phát triển đồng bộ hạ tầng dữ liệu quốc gia, vùng, địa phương kết nối đồng bộ, thống nhất, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số".

Đột phá này hết sức quan trọng. Vì đất nước ta từng trải qua chiến tranh nặng nề, đói nghèo và lạc hậu về KHCN... nên trước đây còn bị hạn chế về tầm nhìn, về điều kiện nhân tài, vật lực để thực hiện. Nay chẳng những điều kiện, nguồn lực và KHCN đã khác; mà quan trọng nhất là nhu cầu và yêu cầu đã khác. Bởi vậy phải hoàn thiện thêm về cơ cấu, quy mô, bố trí, phạm vi, số lượng và chất lượng. Thật ra, nếu so sánh với một số quốc gia tiên tiến thì chúng ta đã hơi chậm. Nếu không hoàn thiện được các nền tảng đó thì khó có thể trở thành một nước công nghiệp hiện đại, một nước phát triển được. Và đặc biệt sống trong mùa dịch Covid-19, càng thấy rõ vai trò của kinh tế số, xã hội số.

GS, TS NGUYỄN ANH TRÍ
Đại biểu Quốc hội khóa XIV