Mạnh tay với gian lận xuất xứ hàng hóa

NDO -

NDĐT - Trước thực tế nhiều quốc gia đang tăng cường theo dõi sự biến động của luồng hàng hóa nhập khẩu (NK) từ Việt Nam, nhằm phát hiện các hành vi gian lận xuất xứ để lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) và hưởng lợi từ những sắc thuế ưu đãi… nhiều chuyên gia đã đưa khuyến nghị để Việt Nam hạn chế rủi ro trong xuất khẩu (XK) hàng hoá.

Thép là một trong những mặt hàng có nguy cơ bị điều tra gian lận xuất xứ hàng hóa.
Thép là một trong những mặt hàng có nguy cơ bị điều tra gian lận xuất xứ hàng hóa.

Gia tăng khiếu nại về xuất xứ hàng hoá
Theo Bộ Công thương, năm 2018, lượng xe đạp điện của Việt Nam xuất khẩu sang EU tăng 47% so với cùng kỳ năm 2017. Bên cạnh việc gia tăng kim ngạch cho Việt Nam, lượng XK tăng nhanh, trùng với thời điểm Ủy ban châu Âu (EC) điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với xe đạp điện nhập từ Trung Quốc có thể dẫn đến nguy cơ EC tiến hành điều tra lẩn tránh thuế đối với doanh nghiệp XK của Việt Nam, gây ảnh hưởng liên đới tới các doanh nghiệp XK chân chính. Do đó, Bộ Công thương đã tăng cường kiểm tra, giám sát việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ Việt Nam cho mặt hàng xe đạp điện, trong đó đặc biệt lưu ý tới khả năng xuất hiện hành vi làm giả xuất xứ Việt Nam.

Không chỉ xe đạp điện, trong năm 2018, đã có tới hàng chục loại hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam như sắt thép, tấm năng lượng mặt trời, tôn, gỗ ván ép, nguyên liệu thủy sản… có sự gia tăng kim ngạch xuất khẩu một cách đột biến từ 20-47%. Sự gia tăng đột biến này khiến nhiều mặt hàng Việt Nam rơi vào các vụ kiện điều tra chống lẩn tránh thuế với 19 vụ điều tra chống lẩn tránh đối với hàng hóa XK từ Việt Nam được triển khai.

Theo Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) thuộc Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), thời gian gần đây, các khiếu nại từ thị trường XK đối với xuất xứ hàng hóa của Việt Nam liên tục gia tăng. Cụ thể, đến hết tháng 12/2018, VCCI đã nhận được 110 thư yêu cầu thẩm tra lại 287 bộ chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) với nhiều loại hàng hoá, như: lốp xe, đinh vít, quần áo, gạch men, tôm, thực phẩm, găng tay, da giày... trong đó thị trường EU chiếm 90%, còn lại 10% là các thị trường khác chủ yếu là Đài Loan (Trung Quốc), Ấn Độ, Turkey, Iraq.

Nguyên nhân chủ yếu là do các đối tác NK nghi ngờ có việc gian lận xuất xứ hàng hóa thông qua hình thức làm giả chữ ký của tổ chức cấp phát C/O theo quy định pháp luật Việt Nam đối với hàng chuyển tải bất hợp pháp, hàng không đủ tiêu chuẩn về xuất xứ Việt Nam.

Đặc biệt, các nghi ngờ về hàng hóa chưa đủ tiêu chuẩn xuất xứ Việt Nam chủ yếu tập trung vào các mặt hàng nhạy cảm đang bị áp thuế PVTM được XK với số lượng lớn sang các nước hoặc các mặt hàng bị ngi nghờ về năng lực sản xuất của Việt Nam.

Trong khi đó, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) cũng đưa ra nhận định tương tự khi cho rằng mối nguy gia tăng gian lận xuất xứ hàng hóa, điển hình là hàng hóa Trung Quốc mượn xuất xứ Việt Nam để XK đi các thị trường mà Việt Nam ký kết Hiệp định thương mại (FTA), dẫn tới nguy cơ bị điều tra chống lẩn tránh các biện pháp PVTM đang hiện hữu.

Ngoài ra, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc cũng đặt ra vấn đề về gian lận xuất xứ hàng hóa làm tăng PVTM từ thị trường Hoa Kỳ đối với hàng hóa XK của Việt Nam. Điều này không chỉ làm ảnh hưởng đến các doanh nghiệp, ngành hàng cụ thể mà lâu dài còn ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của cả nền kinh tế nước ta.

Mạnh tay hơn
Tình trạng làm giả xuất xứ hàng hóa không chỉ khiến người tiêu dùng, nhất là tại các thị trường XK mất tin tưởng vào hàng hóa Việt Nam mà còn gây tác hại khôn lường đối với thương hiệu hàng Việt Nam.

Để hạn chế những rủi ro, phòng ngừa gian lận qua xuất xứ hàng hóa, ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Sưa - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) – cho biết, từ tháng 6-2017, Việt Nam đã sản xuất được nguyên liệu (thép cuộn cán nóng) để sản xuất thép tấm lá và các loại tôn, khép kín chuỗi sản xuất, tránh tình trạng các nước khác lợi dụng việc doanh nghiệp phải nhập khẩu nguyên liệu để làm giả xuất xứ hàng hóa. Trước lo ngại gian lận xuất xứ hàng hóa, VSA khuyến cáo doanh nghiệp nên sử dụng thép cuộn cán nóng trong nước để sản xuất. Tuy nhiên, để ứng phó hiệu quả với các biện pháp PVTM nói chung, các doanh nghiệp cũng mong muốn nhận được nhiều hơn sự hỗ trợ về thông tin thị trường, các luật lệ, quy định của thị trường NK từ các cơ quan quản lý nhà nước.

Trong khi đó, từ thực tế làm việc với các doanh nghiệp XK, bà Ngô Hoàng Oanh - đại diện Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan - cho rằng, các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp XK cần chủ động cập nhật các quy định mới về thủ tục hải quan và quy tắc, điều kiện áp dụng xác định trước mã số, xuất xứ, trị giá và tuân thủ các quy định về hải quan trong quá trình XNK.

Ở tầm vĩ mô, các chuyên gia khuyến nghị, thông qua cơ chế xác định trước về xuất xứ, trị giá và phân loại mã số sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam XK hàng hóa giảm chi phí tuân thủ và giúp hạn chế các rủi ro gian lận từ xuất xứ, trị giá hải quan...

Liên quan đến vấn đề này, tại cuộc họp báo sau phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4-2019, Thứ trưởng Công thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, những hàng hoá nhập vào Việt Nam để tận dụng các Hiệp định Thương mại tự do chính là một hình thức trốn thuế. Để ngăn chặn tình trạng này, Bộ Công thương đang thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ.

Đơn cử, phối hợp Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính để tổ chức theo dõi, nắm bắt những diễn biến bất thường trong hoạt động XK sang một số thị trường, từ đó đưa ra cảnh báo sớm về việc gia tăng để các cơ quan quản lý Nhà nước, Hiệp hội, doanh nghiệp nắm được thông tin. Đồng thời sẽ phối hợp các đơn vị tăng cường kiểm tra, giám sát việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ Việt Nam cho hàng xuất khẩu, trong đó đặc biệt lưu ý tới một số mặt hàng có nguy cơ cao trong việc làm giả xuất xứ Việt Nam.