Tuổi mới lớn đối diện xung đột

Thời gian gần đây, có những ngày tôi cảm giác mình bị đầu độc đến bải hoải khi liên tục nhận được chia sẻ qua Facebook những clip các nữ sinh hùa nhau đánh một nữ sinh khác, hay clip trẻ bị bạo hành thậm chí bị làm nhục. Tôi đã không dám xem hết, có clip chỉ kịp lướt qua thôi đã buồn đến thắt ruột, và có lúc uất ức đến phát khóc.

Tôi là người mẹ, cũng có con trai, con gái ở độ tuổi các nạn nhân bị quay lại trong clip. Tôi tự hỏi không biết đến bao giờ những vụ bạo hành trong học sinh như thế chấm dứt để những người làm cha mẹ không còn cảm giác bất an, lo lắng?

Thúy Hiền (phoxua…@gmail.com)

Chị Thúy Hiền thân mến!

Thật đáng buồn, khi những hình ảnh liên quan bạo lực học đường được share (chia sẻ) nhiều trên mạng xã hội trong thời gian gần đây. Những clip ấy đã vô tình làm đau lòng và gây tổn thương thêm cho các nạn nhân. Không ít nạn nhân sau khi bị bạo hành, rồi bị ai đó đưa lên mạng đã không chịu đựng nổi áp lực đè nặng, có biểu hiện tâm lý tiêu cực, có trường hợp cùng cực giải thoát bằng cách tự tử.

Nhiều chuyên gia cho rằng, ngoài việc được cha mẹ trang bị kỹ năng sống hằng ngày, phía nhà trường cần thiết tăng thời lượng buổi sinh hoạt ngoại khóa, tạo điều kiện cho giáo viên chia sẻ nhiều hơn với học sinh, quan tâm đến đời sống tâm lý tinh thần của các em. Các học sinh cần được giáo dục giá trị sống, giúp khơi dậy lòng nhân ái, hiểu được giá trị của sự khoan dung, của tình yêu thương và sự tôn trọng. Bằng sự giáo dục, giám sát chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội tốt sẽ giúp hạn chế bạo lực học đường. Ngoài ra, việc quay hình những vụ bạo lực học đường rồi phát tán lên mạng là hành vi xâm phạm quyền cá nhân cần ngăn chặn, xử lý bằng các chế tài theo quy định của pháp luật.

Chị không nên quá bất an, lo lắng. Điều quan trọng trong gia đình, là một người mẹ, chị nên luôn định hướng cho con về lẽ sống tốt đẹp, trang bị kỹ năng sống khi đối mặt với những rủi ro, nguy hiểm rình rập trong cuộc sống, hay khi xảy ra bạo lực với mình cần phải nhờ ai can thiệp, giúp đỡ. Khi con có những sang chấn tâm lý nặng nề sau xung đột cần can thiệp kịp thời bằng nhiều hình thức từ lắng nghe, trò chuyện đến tìm giải pháp tháo gỡ bằng cách nhờ đến bác sĩ, thầy cô, bạn bè của con. Thấu hiểu được tâm lý của con mình như tính cách, tố chất, khả năng thích ứng với môi trường, kỹ năng giải quyết xung đột, mối quan hệ với bạn bè thì mới có thể hỗ trợ, đồng hành cùng con trưởng thành.

Chúc chị và gia đình luôn khỏe và hạnh phúc!