Áp lực trong gia đình trẻ

Vợ chồng tôi có một con nhỏ lên hai tuổi. Để đến được với nhau, tôi và anh ấy đã mất gần ba năm trời để vượt qua sự ngăn cản của gia đình. Vậy nhưng ngay từ năm thứ nhất chung sống, xung đột đã xuất hiện. Anh ấy trở nên bảo thủ, không lắng nghe tôi, độc đoán quyết định mọi chuyện nuôi dạy con. Sự thất vọng về chồng cứ lớn dần, chúng tôi thường xuyên cãi vã nên cuộc sống gia đình rất nặng nề.

Đã có lúc tôi nghĩ đến chuyện đường ai nấy đi, nhưng vì thương con còn nhỏ đành không nỡ. Nhiều đêm mất ngủ, tôi tự hỏi tại sao chúng tôi lại sống không hạnh phúc khi mà cả hai đã từng yêu nhau rất nhiều?

VÂN GIANG (Nam Định)

Bạn Vân Giang thân mến!

Có một thực tế là lâu nay, ở một số người trẻ khi bước vào hôn nhân, bắt đầu xây dựng cuộc sống gia đình đã không nắm được các đặc điểm từng giai đoạn phát triển của một gia đình, vợ chồng phải có kỹ năng sống ra sao để vượt qua những vấn đề phát sinh. Không ít trường hợp cùng bước vào cuộc sống hôn nhân với tình yêu sâu nặng, nguyện sống đến hết cuộc đời, nhưng sau một thời gian chung sống bỗng trở nên hoang mang lo lắng trước sự thay đổi của bạn đời. Cuộc sống hôn nhân trở nên áp lực, tù túng thay vì hạnh phúc. Thông thường, thời kỳ đầu của hôn nhân được xem là giai đoạn gia đình mới tạo dựng. Ở giai đoạn này, vợ chồng trẻ từ bỏ cuộc sống độc thân bắt đầu sống chung, học cách chia sẻ công việc, trách nhiệm gia đình, trách nhiệm về tài chính, hỗ trợ nhau trong việc duy trì các mối quan hệ bên ngoài xã hội lẫn trong gia đình. Tuy nhiên, do còn thiếu kỹ năng sống nên ở một số người trẻ đã rơi vào tình trạng khủng hoảng, trong một mái nhà không ai phục ai, người này muốn người kia làm theo ý mình. Một khi không hòa giải được, họ tỏ ra không cần nhau, đối đầu, thậm chí không muốn nhìn mặt nhau. Rơi vào hoàn cảnh này có trường hợp không giữ được mình, bắt đầu có mong muốn, khao khát đi tìm kiếm sự đồng cảm, tình yêu thương ở người khác mà họ cảm thấy không còn tìm thấy trong gia đình nữa. Các ý kiến chuyên gia cho rằng, nếu các bạn trẻ được trang bị những kỹ năng, kiến thức tiền hôn nhân thì họ sẽ có khả năng xây dựng hạnh phúc vững vàng hơn.

Bạn Vân Giang thân mến. Đã là vợ chồng, có con cái với nhau rồi, không phải cứ muốn chia tay là dễ dàng buông nhau ra được. Huống hồ vợ chồng bạn đã phải nỗ lực vượt qua rào cản của gia đình mới đến được với nhau. Chúng tôi cho rằng, tuy chồng bạn còn thiếu tôn trọng ý kiến của vợ, độc đoán trong một số quyết định, song anh ấy chưa tệ đến mức sống thiếu trách nhiệm, phản bội và đạp đổ gia đình. Bởi vậy bạn cần kìm chế sự nóng nảy của mình, cũng như tìm cách thay đổi dần cách sống của chồng, kéo anh ấy biết nghĩ nhiều hơn đến vợ, tôn trọng vợ trong những bàn luận các vấn đề chung của gia đình. Đây có thể là việc khó nếu chồng bạn quá bảo thủ, nhưng không phải là không làm được, bạn cần có sự kiên nhẫn giúp anh ấy hiểu để cùng chia sẻ nỗi lo gia đình, thống nhất trong việc chăm sóc và nuôi dạy con cái.

Chúc bạn luôn khỏe, sớm vượt qua giai đoạn khó khăn này!

NGUYÊN HẠNH