Xây nhà lưu niệm nhà thơ Chế Lan Viên tại Quảng Trị

NDO -

NDĐT - Ngày 1-3, tại thôn An Xuân, xã Cam An, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Trị đã khởi công xây dựng Nhà lưu niệm nhà thơ Chế Lan Viên ngay trên quê hương của ông.

Nghi thức khởi công Nhà lưu niệm nhà thơ Chế Lan Viên.
Nghi thức khởi công Nhà lưu niệm nhà thơ Chế Lan Viên.

Khu đất xây dựng nhà lưu niệm rộng hơn 1.700 m2. Nhà lưu niệm được thiết kế mô phỏng theo lối kiến trúc nhà rường truyền thống, mái lợp ngói, ba gian, gồm gian thờ và nghi thức (gian giữa); gian trưng bày tác phẩm, hiện vật của nhà thơ Chế Lan Viên và gian trưng bày các tác phẩm nghiên cứu, phê bình viết về nhà thơ; phía trước có tiền đình và các hạng mục phụ trợ như sân vườn, cây xanh…

Tổng mức đầu tư cho công trình hơn 3,6 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh Quảng Trị hỗ trợ 30%, ngân sách huyện Cam Lộ hỗ trợ 20%, phần còn lại là huy động xã hội hóa.

Đây là công trình chào mừng Đại hội Hội Văn học nghệ thuật Quảng Trị lần thứ VI diễn ra trong năm nay cũng như kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Quảng Trị. Dự kiến, Nhà lưu niệm sẽ hoàn thành đúng dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chế Lan Viên.

Ông Nguyễn Hoàn, nhà nghiên cứu Văn học, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật, Phó Giám đốc Sở TT-TT tỉnh Quảng Trị cho biết, Chế Lan Viên là nhà thơ lớn của văn học Việt Nam hiện đại, là “ngọn tháp kỳ quan đồ sộ của thi ca hiện đại”, là nhà văn hóa tiêu biểu. Tên thật của ông là Phan Ngọc Hoan, sinh ngày 23-10-1920. Thiên khiếu thi ca trong ông phát lộ khá sớm, ông bắt đầu làm thơ từ năm 12, 13 tuổi và sử dụng bút danh là tên những địa danh Quảng Trị như Mai Lĩnh, Thạch Hãn, Thạch Mai. Năm 17 tuổi, với bút danh Chế Lan Viên, ông đã xuất bản tập thơ “Điêu tàn” nổi tiếng, mà Hoài Thanh - Hoài Chân đã thốt lên qua “Thi nhân Việt Nam” là “Quyển “Điêu tàn” đã đột ngột xuất hiện giữa làng thơ Việt Nam như một niềm kinh dị”. Sau “Điêu tàn”, ông đã giành thời gian tôi luyện cho thơ đạt độ chín mới, cho ra đời đều đặn nhiều tập thơ như “Gửi các anh”, “Ánh sáng và phù sa”, “Hoa ngày thường”, “Chim báo bão”, “Những bài thơ đánh giặc”… và hàng trăm trang di cảo thơ.

Trước và sau khi ông qua đời, nhiều tuyển tập thơ của ông đã được xuất bản như “Tuyển tập thơ Chế Lan Viên”, “Di cảo thơ I, II, III”, “Chế Lan Viên toàn tập”... Ngoài thơ, ông có các tác phẩm văn xuôi: “Vàng sao”, “Thăm Trung Quốc”, “Những ngày nổi giận”, “Giờ của số thành”...

Với bút lực đa tài, ông còn là một nhà nghiên cứu, phê bình văn học uyên bác với các tác phẩm: “Suy nghĩ và bình luận”, “Bay theo đường dân tộc đang bay”, “Từ gác Khuê Văn đến quán Trung Tân”, “Nghĩ cạnh dòng thơ”, “Ngoại vi thơ”.

Ghi nhận, tôn vinh những đóng góp nổi bật của nhà thơ với đất nước và văn học nghệ thuật, Nhà nước đã tặng ông Huân chương Độc lập hạng hai, Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật (đợt một). Tại Quảng Trị, tên ông được đặt cho đường phố ở Đông Hà, trường học ở huyện Cam Lộ.