Vĩnh biệt nhà sử học tài năng, GS, NGND Hà Văn Tấn

Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân (GS, NGND) Hà Văn Tấn là người cuối cùng còn lại trong nhóm “tứ trụ” mà giới khoa học lịch sử vẫn thường gọi của Khoa Lịch sử, Trường đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội). Nhưng, 21 giờ ngày 27-11 vừa qua, ông đã vĩnh biệt chúng ta, để lại nhiều tiếc thương với các đồng nghiệp, học trò và giới khoa học lịch sử và khảo cổ học cả nước.

Vĩnh biệt nhà sử học tài năng, GS, NGND Hà Văn Tấn

Giáo sư, NGND Hà Văn Tấn sinh ngày 16-8-1937 ở xã Xuân Tiên, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh). Năm 1946, ông tham gia đoàn Thiếu nhi cứu quốc và khi tròn 20 tuổi (năm 1957) đã đạt danh hiệu Á Nguyên trong kỳ thi tốt nghiệp Ðại học Sư phạm và được giữ lại làm cán bộ giảng dạy Khoa Lịch sử. Ba năm sau, khi còn rất trẻ, lúc mới 23 tuổi ông đã là người trực tiếp thực hiện hiệu đính cuốn Dư địa chí của danh nhân văn hóa lịch sử Nguyễn Trãi viết bằng chữ Hán từ thế kỷ 15. Ðược giữ lại làm công tác giảng dạy tại Khoa Lịch sử, sau đó về công tác tại Bộ môn Khảo cổ học, Khoa Lịch sử Trường đại học Tổng hợp Hà Nội, ông được phân công là Chủ nhiệm môn Phương pháp luận sử học. Ngay từ những năm 1960 - 1961, ông đã cùng GS Trần Quốc Vượng hoàn thành và cho xuất bản các bộ sách kinh điển như: Lịch sử chế độ cộng sản nguyên thủy ở Việt Nam, Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam, Sơ yếu khảo cổ học nguyên thủy Việt Nam. Năm 1968 ông đã cùng nữ tác giả Phạm Thị Tâm ra mắt bạn đọc công trình nghiên cứu công phu Kháng chiến chống xâm lược Nguyên - Mông thế kỷ 13, ghi dấu ấn trong sự nghiệp nghiên cứu lịch sử dân tộc, một tác phẩm được Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm... Qua quá trình dài nghiên cứu, giảng dạy, đến năm 1988, ông được điều động đảm nhiệm Viện trưởng Khảo cổ học, tiếp nối công việc quản lý của người thầy mình là GS, Viện sĩ Phạm Huy Thông. Suốt 17 năm sau đó ông đã gắn bó đời mình với bộ môn khảo cổ học.

GS, Viện sĩ Phạm Huy Thông là người tập hợp các nhà khoa học trong cả nước để nghiên cứu về thời đại Hùng Vương dựng nước và GS Hà Văn Tấn là người tiếp bước đi sâu nghiên cứu đề tài và nhiều đề án, dự án, nhiệm vụ nổi bật của viện thời kỳ sau. Trong đó, ông là chủ biên ba tập sách về Khảo cổ học Việt Nam từ Thời đại đá qua Thời đại kim khí và Khảo cổ học Lịch sử Việt Nam. GS Hà Văn Tấn cũng chủ trì nhiều cuộc hội thảo khoa học về thời kỳ Hùng Vương dựng nước, tham dự các hội thảo quốc tế với tư cách Viện trưởng Khảo cổ học của Việt Nam. Tuy bận rộn với công tác nghiên cứu, quản lý, giảng dạy, nhưng ông vẫn liên tục tham gia những cuộc điền giã, khai quật khảo cổ học.

Tôi nhớ mãi, 25 năm về trước, GS Hà Văn Tấn cùng tôi đi khai quật địa điểm Giồng Cá Vồ, huyện Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh). Ngay trong lán tạm đặt tại công trường khai quật, ông dặn: "Ðã làm công tác khảo cổ thì phải đi công trường khai quật, chỉ có những hiện vật khảo cổ tìm thấy mới giúp ta dựng lại lịch sử chính xác nhất...". Chỉ vài ngày sau, tôi đang hý hoáy cạo đất bám trên một chiếc sọ cổ ở di chỉ này thì phát hiện ra một khuyên tai hai đầu thú nằm sát ngay ở mang tai. Phát hiện này khiến GS Hà Văn Tấn rất chú ý, vì nó khẳng định đây là khuyên tai chứ không phải bùa đeo trước ngực như có nhà khoa học đã nêu ra trước đây. Kỷ niệm ấy và lời dặn ấy của thầy - GS Hà Văn Tấn đã thôi thúc tôi, để ngày nay khi đã gần 80 tuổi, tôi vẫn nối tiếp thầy, tham gia công tác điền dã, khai quật khảo cổ học ở trong nước và nước ngoài...

Có thể khẳng định, GS, NGND Hà Văn Tấn là một nhà khoa học tài năng. Vốn có tư chất thông minh, am hiểu rộng, cho nên ông lấy việc học và tự học là con đường chính trong suốt sự nghiệp khoa học của mình để mang đến những công trình, tác phẩm quan trọng, góp phần vào sự phát triển của ngành sử học, khảo cổ học Việt Nam và thế giới. Ông thông thạo nhiều thứ tiếng, có thể đọc và dịch được các thứ tiếng: Hán, Pháp, Anh, Nga, Ðức, Nhật. Ông học tiếng Ðức qua sách tiếng Nga, tiếng Nhật qua sách tiếng Trung Quốc, học tiếng Sansktit (Phạn) - ngôn ngữ Ấn Ðộ cổ đại thông qua tiếng Ðức.

Trong số 250 công trình khoa học mà GS Hà Văn Tấn đã công bố thuộc khá nhiều lĩnh vực: sử học, khảo cổ học, phật học, triết học, Hán học, ngôn ngữ học, nhân chủng học... có những bài báo của ông đã trở thành tài liệu kinh điển cho việc nghiên cứu của giới làm nghề, các đồng nghiệp, học trò như: Người Phùng Nguyên và đối xứng; Vấn đề người Indonesien và loại hình Indonesien trong thời đại nguyên thủy Việt Nam; Ứng dụng thống kê toán học trong khảo cổ học; Khuyên tai hai đầu thú và quan hệ Ðông Sơn - Sa Huỳnh... Với riêng tôi, có lẽ bài Người Phùng Nguyên và đối xứng, là một trong những bài nghiên cứu hay nhất của GS Hà Văn Tấn. Văn hóa Phùng Nguyên là nền văn hóa đầu tiên của Thời đại kim khí ở Việt Nam, tiếp theo là các nền văn hóa khác: Ðồng Ðậu, Gò Mun, Ðông Sơn. Chỉ từ các hoa văn trên đồ gốm Phùng Nguyên, GS Hà Văn Tấn đã nhìn thấy được nghệ thuật trang trí tiêu biểu của người Phùng Nguyên. Ðó là cách trang trí dải gồm những hình đóng kín và rời. Các họa tiết đó (đóng kín, rời hoặc nối nhau) thường có đối xứng gương hay đối xứng trục quay. Người thời Phùng Nguyên thích dùng các đồ án đối xứng trục bậc hai. Tôi nhớ, GS Hà Văn Tấn đã viết: "Ðối với người Phùng Nguyên, cái đối xứng quả là yếu tố của cái đẹp. Tổ tiên nghìn xưa của chúng ta cảm thấy như vậy và giờ đây, đứng trước những đường nét của người xưa, chúng ta vẫn nhận thấy điều đó...".

Với những cống hiến to lớn và những thành tựu khoa học xuất sắc, GS, NGND Hà Văn Tấn đã được Nhà nước tặng thưởng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và Công nghệ với tác phẩm tiêu biểu: Theo dấu các văn hóa cổ, năm 2000. Bên cạnh đó là nhiều tặng thưởng cao quý của Nhà nước như: Huân chương Lao động hạng nhất, hạng ba cùng nhiều tặng thưởng, vinh danh khác trong nước và quốc tế. Sự ra đi của ông đã để lại niềm tiếc thương vô hạn, một khoảng trống khó bù lấp với giới sử học và khảo cổ học nước nhà.