Tôn vinh những đóng góp của các nữ phật tử

NDO -

NDĐT - Trong dịp kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10, trong hai ngày 26, 27-10, tại Học viện Phật giáo Việt Nam (Sóc Sơn, Hà Nội), Phân ban Ni giới Trung ương (Giáo hội Phật giáo Việt Nam), Viện Nghiên cứu Phật học và Học viện Phật giáo Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “Nữ Phật tử với Phật giáo Việt Nam” và lễ tưởng niệm 906 năm viên tịch của Ni sư Diệu Nhân - một hiện tượng độc đáo trong lịch sử Phật giáo Việt Nam và tôn vinh những đóng góp của các nữ phật tử trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc.

Các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại lễ tưởng niệm Ni sư Diệu Nhân.
Các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại lễ tưởng niệm Ni sư Diệu Nhân.

Một hiện tượng độc đáo trong lịch sử Phật giáo Việt Nam

Ni sư Diệu Nhân (1042 - 1113), tên là Lý Ngọc Kiều. Bà là con gái lớn của Phụng Càn Vương Lý Nhật Trung - là con trai thứ của vua Lý Thái Tông và là em của vua Lý Thánh Tông. Thuở nhỏ, Lý Ngọc Kiều được vua Lý Thánh Tông nhận làm con nuôi và được phong làm Công chúa. Năm 1058, vua gả Công chúa Lý Ngọc Kiều cho Châu mục Chân Đăng họ Lê. Sau khi Châu mục Chân Đăng mất, bà xuất gia tu học Phật, học đạo với thiền sư Chân Không tại làng Phù Đổng, được ban pháp hiệu là Diệu Nhân và trụ trì tại Ni viện Hương Hải, làng Phù Đổng, phủ Tiên Du, Bắc Ninh (nay thuộc Gia Lâm, Hà Nội). Ni sư Diệu Nhân là bậc tinh thông kinh sách, bản tâm thanh tịnh. Bà được biết đến là Tổ truyền thừa thứ 17 của dòng Thiền Tì-ni-đa-lưu-chi, một dòng thiền có vị trí đặc biệt trong lịch sử Phật giáo Việt Nam. Bà là vị Ni sư duy nhất được ghi chép khá kĩ trong Thiền uyển tập anh, được ghi danh trong bộ Đại Việt sử kí toàn thư.

Thiền Uyển tập anh ghi: “Ni sư Diệu Nhân - viện Hương Hải, làng Phù Đổng huyện Tiên Du. Có tên là Ngọc Kiều, con gái lớn của Phụng Yết Vương, bẩm tính hiền thục, ngôn hạnh có phép. Vua Lý Thánh Tông nuôi ở trong cung. Đến tuổi cập kê, vua gả cho Châu Mục Chân Đăng họ Lê. Họ Lê mất, cô tự thề ở vậy giữ nghĩa không tái giá”. Việc gả công chúa cho các thủ lĩnh địa phương nằm trong chính sách “ngoại giao hôn nhân” rất hay gặp trong thời Lý - Trần. Bằng mối kết giao tình cảm chặt chẽ như vậy, triều đình giữ yên được những vùng xa, nơi biên ải. Công chúa Ngọc Kiều là một trong những người đi tiên phong thực hiện chính sách ngoại giao khôn ngoan đó.

Đại Việt sử ký toàn thư ghi: “Năm Quý Tỵ Hội Tường Đại Khánh thứ 4 (1113), mùa hạ tháng 6, phu nhân của Châu Mục Chân Đăng là công chúa họ Lý mất”. “Phu nhân tên Ngọc Kiều, con gái lớn của Phụng Càn Vương, Thánh Tông nuôi ở trong cung. Đến khi lớn, phong làm công chúa, gả cho Châu Mục Chân Đăng họ Lê. Họ Lê chết, tự thề ở góa rồi xuất gia làm Ni, đến nay mất, thọ 72 tuổi. Thần Tông tôn làm Ni sư”. Đây là lần đầu tiên tên tuổi một vị Ni sư được chính sử ghi lại khá chi tiết với cả năm mất, tuổi thọ và những nét hành trạng cuộc đời. Gần 20 năm sau khi mất, ảnh hưởng của Diệu Nhân vẫn còn mạnh mẽ không chỉ trong quần chúng, mà còn đối với cả tầng lớp lãnh đạo quốc gia. Sau khi lên ngôi (năm 1128), vua Lý Thần Tông (truy) phong bà làm Ni sư. Điều này chứng tỏ bà là người có đức độ và được xã hội coi trọng.

Tiếp tục một nét văn hóa độc đáo

Người Việt ở đồng bằng châu thổ sông Hồng đã tạo dựng một quốc gia dựa trên văn minh nông nghiệp lúa nước. Nền văn minh ấy khẳng định vai trò của người phụ nữ qua một hệ tín ngưỡng - tôn giáo phản ánh những xúc cảm cùng khát vọng về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Trong tín ngưỡng dân gian, xuất hiện nhiều hình tượng nữ gắn với Phật giáo như Phật mẫu Man Nương và hệ thống thờ Tứ Pháp, Quan Âm Thị Kính, Quan Âm tống tử, Bà chúa Ba Chùa Hương, Bà chúa Xứ Núi Sam (Châu Đốc)… đều là hóa thân của Quán Thế Âm Bồ Tát cứu độ chúng sinh. Các pho tượng “Phật bà” trong chùa Việt đều có gương mặt đầy đặn, đôn hậu, biểu hiện rõ nét khuynh hướng “nữ tính hóa” trong đời sống tín ngưỡng tôn giáo của người Việt.

Lịch sử dân tộc ghi tên những nữ anh hùng, những phụ nữ có công với đất nước như: Hai Bà Trưng, nữ tướng Lê Chân, nữ tướng Thiều Hoa, Bà Triệu, nữ tướng Bùi Thị Xuân,… nhiều trong số những người phụ nữ tài danh có mối liên hệ mạnh với Phật giáo: Nguyên phi Ỷ Lan, Huyền Trân Công chúa, Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Chúc… và Ni sư Diệu Nhân là người có nhiều đóng góp cho quê hương, cho đạo pháp, vì đạo pháp và cả dân tộc.

Các nhà nghiên cứu lịch sử Việt Nam còn đặt ra câu hỏi: Có thể tư tưởng của Ni sư Diệu Nhân cho rằng “phải tìm lại chân tâm bản tính trong những công việc hàng ngày bình dị nhất” đã khởi đầu cho một phong trào Phật giáo lấy tư tưởng “hòa quang đồng trần” làm cơ sở phát triển mạnh mẽ về sau, để trở thành quan điểm “cư trần lạc đạo” của vua Trần Nhân Tông và sự ra đời của dòng Thiền Trúc Lâm (?).

Trong thời hiện đại, qua hai cuộc kháng chiến chống xâm lược, các ni cô tiếp tục phát huy hào khí đấu tranh của truyền thống dân tộc. Nhiều vị ni đã trở thành thanh niên xung phong, nhiều ni cô và nữ Phật tử đã anh dũng đấu tranh hy sinh vì đạo pháp và dân tộc. Ngày nay, ni giới chiếm gần 60% tổng số tăng ni cả nước, tham gia vào tất cả các hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Nhiều vị ni tích cực tham gia công tác từ thiện xã hội, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng đất nước.

Hội thảo khoa học “Nữ Phật tử với Phật giáo Việt Nam” và lễ tưởng niệm 906 năm viên tịch của Ni sư Diệu Nhân cũng là dịp tôn vinh những đóng góp của các nữ phật tử trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc.