Tạ Quang Bạo - bền bỉ một hành trình

Ở tuổi 78, sức khỏe có hạn, vẫn thấy nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo có mặt tại những kỳ cuộc lớn của giới mỹ thuật. Vừa tham dự Triển lãm các tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh được Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước năm 2018; tháng 11-2019, ông lại có tác phẩm trưng bày tại Triển lãm tác phẩm của các họa sĩ tiêu biểu châu Á.

Nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo sáng tác tại nhà riêng.
Nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo sáng tác tại nhà riêng.

Và những ngày cuối cùng của năm 2019 bước sang năm 2020, là triển lãm cá nhân quy mô lần đầu tiên về hành trình 60 năm miệt mài cùng nghệ thuật.

Đủ thấy, tên ông vẫn là một dấu ấn, vẫn còn đầy sức nóng trong giới mỹ thuật nước nhà. Sinh năm 1941, quê gốc Thanh Hóa, tốt nghiệp Khoa Điêu khắc Trường cao đẳng Mỹ thuật, Tạ Quang Bạo từng trải qua cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, là người lính vừa cầm súng vừa sáng tác; dành phần lớn đời mình để cống hiến những công trình nghệ thuật lớn lao cho đất nước - những tượng đài chiến thắng, tôn vinh anh hùng liệt sĩ, ca ngợi tinh thần chiến đấu bất khuất của con người Việt Nam. Các tác phẩm tiêu biểu của ông phải kể đến là: Phù điêu Điện Biên Phủ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên; Tượng đài Chiến thắng sông Lô tại Núi Đồn, Đoan Hùng, Phú Thọ; Tượng đài Chiến thắng Quế Sơn ở Quảng Nam; Tượng đài Việt - Lào tại Nghĩa trang Liệt sĩ Việt Nam - Lào, tỉnh Quảng Trị... Năm 2001, Tạ Quang Bạo được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật, năm 2016 ông tiếp tục vinh dự được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật.

Nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo cho rằng: “Sức mạnh của người nghệ sĩ Việt Nam là văn hóa, bởi dù ở bất kỳ đâu trên thế giới này, thế mạnh vẫn là văn hóa dân tộc truyền thống. Người nghệ sĩ phải biết kết hợp nghệ thuật dân tộc và nghệ thuật hiện đại, làm thế nào cho cả hai nhuần nhuyễn, không bị khô cứng”. Quan niệm ấy dẫn đến những sáng tác của ông vừa mang yếu tố dân gian, vừa đậm nét hiện đại. Ông cũng là người giàu ý tưởng, sáng tác nhiều đề tài và không ngừng tự làm mới mình. Điều đó thể hiện ở việc dẫu có đến hàng trăm tác phẩm nhưng không hề thấy sự trùng lặp, mỗi tác phẩm vẫn mang một nét riêng không trộn lẫn.

Triển lãm Chân dung nghệ sĩ - Nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo trưng bày gần 60 tác phẩm được chọn từ hàng trăm tác phẩm ông sáng tác trong một thời gian dài, ghi dấu những chặng đường lịch sử của đất nước. Ở đó, người xem bắt gặp một nhà điêu khắc tài hoa, đa phong cách trên mọi chất liệu. Đó là phong cách tượng đài tiêu biểu ở tác phẩm Hoàng Sa (Giải nhất Cuộc vận động sáng tác về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng năm 2015) khắc họa hình ảnh người lính chắc tay súng canh giữ biển trời, như biểu tượng của hòn đảo - cột mốc thiêng liêng của Tổ quốc. Là phong cách tạo hình người phụ nữ Việt Nam qua tác phẩm Mẹ con, toát lên vẻ đẹp mạnh mẽ, kiên cường của bà mẹ Tổ quốc che chở cho bộ đội, qua chiến tranh lửa đạn. Là phong cách lãng mạn bay bổng khi ca ngợi tình yêu với nụ hôn nồng thắm ở tác phẩm Gắn kết. Là phong cách trừu tượng trong Múa nón thể hiện một tiết mục văn nghệ vui tươi giữa những giờ phút cam go nơi chiến trường. Là phong cách ấn tượng trong Bão tình khi diễn tả sự khốc liệt của tình yêu, nhắc nhở con người cần biết nâng niu và giữ gìn hạnh phúc...

Nhận xét về nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Lương Xuân Đoàn khẳng định: “Cuộc đời và sự nghiệp Tạ Quang Bạo gắn liền với xu thế phát triển đa dạng của nền mỹ thuật Việt Nam. Tài năng của ông có tác động và ảnh hưởng tốt đẹp đến nền nghệ thuật tạo hình nước nhà. Bên cạnh những tượng đài đồ sộ, vạm vỡ, điêu khắc nhỏ của ông là tiếng nói khẽ khàng, giàu xúc cảm và đem đến những ấn tượng thị giác bất ngờ”.