Sáng tạo tranh từ mo cau và thảo dược

Ở mảnh đất Quảng Ngãi nhiều nắng gió, có một họa sĩ trẻ đã không ngừng tìm tòi, sáng tạo để lựa chọn cho mình hướng đi riêng trong cách tiếp cận, xử lý nguyên liệu làm mới tranh. Đó là họa sĩ Diệu Hiền, người thổi hồn cho tranh bằng mo cau và các loại thảo dược có mùi hương.

Họa sĩ Diệu Hiền thao tác làm tranh trên đĩa mo cau với các thảo dược có mùi hương.
Họa sĩ Diệu Hiền thao tác làm tranh trên đĩa mo cau với các thảo dược có mùi hương.

Đi dọc phố Trần Hưng Đạo, TP Quảng Ngãi, sẽ không khó để bắt gặp phòng tranh riêng của nữ họa sĩ sinh năm 1980 Nguyễn Thị Diệu Hiền. Trong căn phòng phần lớn dùng để đặt những bức tranh sơn dầu, họa sĩ Diệu Hiền dành riêng một góc để trưng bày những sản phẩm tranh độc đáo tỏa ra hương thơm vô cùng dễ chịu. Trên nền những chiếc đĩa hình tròn, vuông phẳng, nhẵn được làm từ chất liệu mo cau đã xử lý qua ép nhiệt là hình ảnh mộc mạc, đáng yêu của làng quê Việt Nam, nào ngôi nhà sàn bình dị, thuyền hoa lãng mạn, khung cửa sổ bình yên; nào những chiếc quang gánh đầy ắp thóc lúa, những dòng sông, núi đồi uốn lượn... Tất cả đều gợi cảm giác bình yên, xưa cũ đầy lãng mạn. Từng chi tiết tinh xảo được gắn kết khéo léo khiến khung cảnh hiện lên giàu chiều sâu tầng bậc tựa tranh 3D. Và đặc biệt, khi lại gần cảm nhận, người xem mới nhận ra từng chi tiết tranh đều được tạo hình bởi những thảo dược vô cùng gần gũi, quen thuộc của thiên nhiên...

Họa sĩ Diệu Hiền chia sẻ, gia đình chị không có ai theo ngành nghệ thuật. Ông ngoại chị làm về lĩnh vực đông y cho nên ngay từ thời thơ ấu, chị đã được làm quen và gắn bó với những loại thảo dược thiên nhiên như quế, hồi, hạt mùi, đinh hương... Quế Trà Bồng quê chị vốn được xếp vào hạng thơm nức tiếng trong nước. Hương của đại hồi, tiểu hồi cũng quyến rũ chị bởi chất mùi ngọt, nhẹ, phảng phất chút vị the, cay... Đặc biệt, đây đều là những hương thơm giúp thần kinh phấn chấn, thư giãn, giảm đau đầu, tốt cho tiêu hóa... nên từ lâu, nữ họa sĩ đã ấp ủ ý tưởng sáng tạo những bức tranh từ thảo dược thiên nhiên vừa mang tính thẩm mỹ, vừa có lợi cho sức khỏe con người. Ban đầu, chị định thực hiện trên chất liệu gỗ nhưng đặc tính của gỗ dày, cứng, khó tạo hình, giá thành lại cao, nên không phù hợp. Chỉ đến khi được tiếp cận với những chiếc đĩa làm từ mo cau vốn được dùng để thay thế đĩa nhựa đựng thực phẩm, chị mới phát hiện đây thật sự là chất liệu nền phù hợp để hiện thực hóa ý tưởng của mình. Chị cho biết, vốn định một thời gian nữa mới triển khai ý tưởng, nhưng đợt giãn cách xã hội vì dịch Covid-19 đã thôi thúc chị cần tiến hành nhanh hơn. "Trong thời gian giãn cách, tôi chứng kiến nhiều người bị mất việc phải tìm mọi cách kiếm ăn qua ngày. Dịch bệnh làm điều kiện kinh tế của mọi người khó khăn hơn, nên chắc chắn đầu ra sản phẩm tranh sơn dầu là dòng tranh tôi theo đuổi cũng sẽ khó hơn. Vì thế, tôi quyết định triển khai ngay ý tưởng làm tranh mới này, tạo ra các sản phẩm có tính ứng dụng cao và giá cả bình dân để có thể phục vụ được nhu cầu của nhiều người". Vậy là sau một thời gian mày mò, thử nghiệm, từ chất liệu keo dính tới cách làm móc treo, xử lý nguyên liệu..., những tác phẩm tranh làm từ mo cau và thảo dược thiên nhiên đã thành hình.

Theo đuổi mục tiêu làm tranh hoàn toàn từ vật liệu tự nhiên, cũng không muốn làm mất những ưu điểm về mùi hương, công dụng của thảo dược làm tranh, nên họa sĩ Diệu Hiền không dùng bất cứ một loại hóa chất nào để can thiệp vào nguyên liệu. Để nâng cao độ bền của tranh, chị chỉ cố gắng sấy thật khô nguyên liệu hạn chế ẩm, mốc. Mầu của các bức tranh có sắc đen, nâu, vàng khác nhau ở các chi tiết là bởi chúng được xử lý qua các mức nhiệt khác nhau. Và người họa sĩ phải nắm được quy luật này để tạo ra mầu sắc nguyên liệu như ý muốn. Chẳng hạn, hồi khi được sấy ở nhiệt độ cao sẽ cho ra mầu đen, nhưng ở nhiệt độ vừa sẽ cho ra sắc đỏ... Bản thân những cánh hoa hồi với nhiều kích cỡ khác nhau đã gợi mở cho người nghệ sĩ nhiều ý tưởng sáng tạo. Còn với quế, nữ họa sĩ khi thì băm ra thành những chi tiết nhỏ để đính vào tranh, khi lại dùng máy cưa để tạo thành những hoa văn tròn hay cánh cung tạo hình... Nhìn chị gắn kết từng nguyên liệu để tạo thành tranh trên đĩa mo cau, mới thấy từ khả năng sáng tạo và bàn tay khéo léo của con người, những nguyên liệu tưởng chừng đơn sơ, giản dị nhất cũng có thể chạm đến những giá trị nghệ thuật đa dạng.

Họa sĩ Diệu Hiền cho biết, vì tranh được làm trên nền mo cau và gồm nhiều chi tiết, nên chỉ có thể làm trên kích thước nhỏ. Những bức tranh hình tròn có đường kính khoảng 34 cm đổ lại, tranh hình vuông có kích thước 24 cm x 24 cm. Các bức tranh đều làm thủ công, nên dù được thực hiện theo tạo hình giống nhau thì mỗi tác phẩm cũng vẫn có những nét độc đáo, khác biệt. Mỗi bức tranh, họa sĩ mất trung bình hơn ba giờ đồng hồ mới có thể hoàn thành. Tuy nhiên, giá khá bình dân, chỉ khoảng 200.000 đồng/tác phẩm. Những tác phẩm tranh từ mo cau và thảo dược có mùi hương không chỉ thích hợp để bày biện, trang trí..., mà còn là món quà ý nghĩa để trao tặng, kỷ niệm người thân, bạn bè. Nữ họa sĩ vẫn đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục đăng ký bản quyền với sản phẩm tranh này, nhưng trước đó, nhiều bức tranh của chị đã được người yêu tranh tìm mua và đánh giá cao. Không ít bức được khách hàng treo ngay tại phòng khách, phòng ngủ để tận hưởng cảm giác mang cả thiên nhiên vào nhà, để cảm nhận hương thơm dễ chịu từ thảo dược, tạo sự ấm áp cho không gian sống... Họa sĩ Diệu Hiền chia sẻ, thời gian tới nếu đầu ra của tranh ổn định sẽ phát triển mạnh hơn cách làm tranh này bằng việc thuê nhân công và đào tạo, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân địa phương. Chị cũng tính tới việc xuất khẩu những bức tranh độc đáo này bởi nó đặc biệt phù hợp khí hậu lạnh ở các nước phương Tây, và cũng phù hợp xu hướng sống xanh, sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường đang được nhân loại quan tâm, hưởng ứng.