NSND Thế Anh: Người không ngừng học

NDO -

NDĐT – Những năm còn khỏe, NSND Thế Anh rất chịu khó di chuyển từ nam ra bắc. Ông tham gia gần như đủ hết các hoạt động, sự kiện điện ảnh lớn, như Liên hoan phim Việt Nam, Liên hoan phim quốc tế Hà Nội, giải Cánh diều vàng…. Với ông, mỗi một chuyến đi như vậy là một cơ hội học tập, và ông đã không ngừng học kể cả khi đã ngừng đóng phim hoàn toàn.

NSND Thế Anh trong lễ trao giải Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 17.
NSND Thế Anh trong lễ trao giải Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 17.

NSND Thế Anh là người khá cởi mở, thân thiện trong tất cả những cuộc trò chuyện với báo chí. Ông bày tỏ thẳng thắn những gì mình nghĩ, những gì thấy cần phải phê phán để điện ảnh Việt tốt hơn. Mỗi cuộc hẹn phỏng vấn dường như không bao giờ là phỏng vấn theo kiểu người hỏi – người trả lời, mà thường sẽ là những câu chuyện không bao giờ dứt với người nghệ sĩ già của cánh phóng viên. Những câu chuyện đời, chuyện nghề được rút ra từ gan ruột ông, mà lâu lâu cánh phóng viên trẻ mới được nghe một lần.

Tôi đã từng được hẹn đến phỏng vấn tại căn nhà nhỏ của ông ở gần Nhà hát Hòa Bình. Căn nhà nhỏ, tĩnh lặng mặc cho phố sá nhộn nhịp bên ngoài cánh cửa xếp, khá cũ kỹ và bình thường đến mức không ai nghĩ đó là nơi cư ngụ của một nghệ sĩ nổi tiếng cả trong nam và ngoài bắc. Điểm đặc biệt duy nhất khi vào trong căn nhà, là những bức ảnh của NSND Thế Anh treo kín bốn bức tường, từng bộ phim, từng nhân vật… như những kỷ niệm đẹp là liều thuốc tinh thần cho người nghệ sĩ già khi đã giã từ nghiệp diễn.

Chuyện nghề với NSND Thế Anh luôn luôn là câu chuyện chỉ có mở đầu mà khó có kết thúc, bởi những mạch truyện từ quá khứ lúc nào cũng tuôn trào khi được khơi trúng. Lúc nào trò chuyện, ông cũng trăn trở với điện ảnh nước nhà, với “diễn viên trẻ ngày nay”…, “sao mà “chúng nó” dễ dãi thế”. Với ông, nghiệp diễn nghiêm túc luôn luôn phải bắt đầu và được nuôi dưỡng bằng sự học hành. “Tôi học khóa đào tạo diễn viên trong trường ĐH Sân khấu Điện ảnh trong bốn năm (1961 - 1964), rồi sau đó tham gia hàng loạt khóa bồi dưỡng, đào tạo diễn viên ở Liên-xô (cũ), trao đổi diễn viên ở CHDC Đức…, có khi còn tham gia diễn chính với diễn viên bên đó. Sau này về Việt Nam mới diễn ở Nhà hát kịch” – ông chia sẻ.

Không chỉ học trong trường, mà cuộc sống bên ngoài cũng chính là “trường đào tạo” cho ông mỗi khi cần đến dữ liệu cho một vai diễn nào đó. Với vai Ba Duy trong bộ phim “Mối tình đầu” của NSND Hải Ninh, ông phải thâm nhập đời sống của dân bụi đời ở ga Bình Triệu, ở chợ Bến Thành… Đóng phim “Không nơi ẩn nấp”, ông phải vào sống thực tế trong một trại giam biệt kích ở Yên Bái, đóng giả một tên biệt kích bị bắt để lấy kinh nghiệm thực tế. “Đi đám ma thì quan sát các kiểu khóc, đi đám cưới thì quan sát các kiểu cười. Cuộc sống muôn màu muôn vẻ, không thể chỉ diễn bó khung trong những kiểu na ná nhau” – ông nói.

Đối với ông, mặc dù đã là NSND, mặc dù đã có trong tay rất nhiều giải thưởng từ trong nước đến quốc tế, đã có một sự nghiệp đồ sộ với hơn 60 phim nhựa và phim truyền hình cả ngoài bắc và trong nam…, nhưng điều ông quan tâm hàng đầu vẫn là học. Khi gặp ông trong TP Hồ Chí Minh lúc ông đã ở “tuổi ngoại thất tuần”, người nghệ sĩ già khoe mình vẫn đang học. “Tôi vẫn học ngoại ngữ, học tiếng Anh, để khi có cơ hội được mời làm phim với nước ngoài thì mình không bỏ lỡ. Tôi còn đọc mạng Internet, tìm hiểu tất cả những gì mới. Lúc nào tôi cũng thấy thiếu thời gian, thấy mình còn phải học nhiều”.

Là một trong những diễn viên kỳ cựu nhất của điện ảnh Việt Nam, nhưng trò chuyện với ông, luôn thấy một sự gần gũi, trẻ trung, thân thiện. Phóng viên hỏi nhiều, ông nhớ mặt, nhớ tên báo, và bao giờ cũng vẫy tay chào từ xa khi gặp với một nụ cười rộng mở và ấm áp.

Người nghệ sĩ già đó, giờ đã thực sự nghỉ ngơi rồi.

NSND Thế Anh qua đời ở tuổi 81