Nhà văn Trần Thị Trường viết và vẽ

NDO -

NDĐT - Chơi với Trần Thị Trường mấy chục năm nay, toàn chơi theo cái lối bạn bè cùng gu, cùng sở thích, khoái giống nhau ở một vài thứ, thí dụ chúng tôi cùng thích nhạc các cụ tiền chiến hơn nhạc đương đại. Thích văn của các nhà văn cổ điển hơn các tác giả thời danh đang rất nổi tiếng. Rồi thơ thì thích thơ ông này hơn thơ bác kia. Thích tranh sơn dầu hơn tranh thuốc nước. Thích lối vẽ phóng túng của cụ này hơn tranh sơn khắc của cụ kia. Thích mầu gắt của bà X hơn màu nhẹ của bà N. Sau lâu dần cái kiểu thích ấy thành ra cùng “cạ”.

Nhà văn Trần Thị Trường viết và vẽ

Chúng tôi mến mộ nhau ở cái tính, cái tình, cái lối sống thoải mái, giản đơn, không có rào cản nhưng rất có nguyên tắc. Bề ngoài không mấy hồ hởi vồ vập nhưng thực lòng rất quan tâm đến nhau. Trần Thị Trường viết văn cũng thế, không có vẻ nghiêm trọng như một số cây bút khác. Nhưng mỗi lần cho in một truyện ngắn mới là tôi đọc được ngay cái chất thận trọng, cầu toàn, chỉn chu, không ồn ào, náo động, nhưng rất hay để ý “liếc” xem bạn bè trong nghề chúng nó có “để ý” đến truyện của mình không.

Nghiệm ra, ba cái anh nhà văn, nhà thơ, anh nào chả thế. Đương không, ngồi cắm mặt vào bàn, trước lúc viết thì lủi thà lủi thủi, âm thầm nghĩ ngợi. Đi đâu, làm gì cũng nghĩ đến nó, đến cái tứ, cái ý tưởng, cái “vấn đề” ấy. Khi ngồi vào bàn viết, viết chữ đầu tiên, câu đầu tiên, trang đầu tiên mới khó khăn, nặng nhọc làm sao… rồi, viết đến đoạn cao trào, gọi được cảm hứng đến rồi, chữ nghĩa nó cứ như hối thúc, tự nó đến ào ào, máu mê hứng khởi viết, viết bỏ ăn, bỏ ngủ, bỏ mọi thứ, chỉ chăm chăm sống cùng nhân vật. Viết mà hanh thông, “vào truyện” ngon ơ, nó nhập vào mình khi nào không biết. Cao hứng mê mẩn “cày”. Cày xong rồi, đọc lại, lúc đọc lại lần đầu tiên thấy sướng rơn, chỉ muốn tìm bạn chia sẻ. Không tìm được ai thì ngồi thuỗn cắn móng tay, gửi đi đăng báo và bắt đầu hóng đợi.

Truyện in ra, hấp tấp, hồ hởi, vồ lấy tờ báo, mở vội đến trang có truyện của mình, mở đi, mở lại, đọc đi, đọc lại, một ngày, hai ngày sau với trạng thái hồi hộp trong lòng. Đi ra đi vào chăm chăm nghe ngóng tiếng vọng, tiếng hồi âm của trước tiên bạn bè, người thân. Sách cũng thế. Có sách rồi, tặng bạn bè người thân trước tiên, rồi nghe ngóng… Cứ tưởng như lúc này mọi người đang hướng về mình, đang hồ hởi đọc… Nhưng mà, tặng sách xong thì đa phần im lặng, hay có đôi ba bạn bắt tay chúc mừng, vài ba tuần sau có đôi ba bài điểm sách khen khen, chê chê trên báo. Rồi trở về im bặt. Thế là phải nhất trí chịu xuôi với câu “thế thời, thời thế, thì phải thế”. “Người viết cho người viết đọc”, hay “Người bán cho người bán mua,”. Mo!

Nhà văn Trần Thị Trường viết và vẽ ảnh 1

Mo thì không hoàn toàn mo, nhưng sory… rất tiếc.

Nghĩ đi nghĩ lại, không có sự chấm hết đầu hàng đâu nhé. Dứt khoát không! Đối với những nhà văn nghệ sĩ như Trần Thị Trường là típ nghệ sĩ lao động miệt mài, không dễ dàng ngồi chờ bất kỳ sự khen chê, ban phát hay dè bỉu khó chịu nào. Người lao động, nhất là người lao động sáng tạo, rất kiên định với khát vọng của mình. Họ không chỉ cần cù, thịu khó. Hơn thế nữa rất rất nhiều. Họ làm việc là họ tự “chiến đấu” với mình. Phải thắng! Không khoan nhượng. Thắng mình! Trước hết thắng mình cái đã. Tài năng, ôi tài năng nghệ thuật, nó rất hiếm hoi, tự ta, ta rất khó nhận ra mình. Nó cứ lấp ló, thập thò, cứ chập chờn với người ngày một tí, với người kia một tí. Nó không cho ai hết và cũng không ai nhường cho ai, dù một tí tị ti.

Trong lao động nghệ thuật, cái vật vã lớn nhất là sự tự soi lại mình, tự nhận ra mình. Người bình thường trong máu họ cũng có máu thiên tài. Các nhà thiên tài thật thì họ hơn người thường chúng ta một tí tị teo thôi, ấy là họ nhận ra mình. Họ không giả vờ khiêm tốn, họ tự đánh giá mình cao hơn thiên hạ. Nó có sẵn trong họ, thế cho nên người ta mới hay ghét cái người có máu tự cao tự đại.

Nhà văn Trần Thị Trường viết và vẽ ảnh 2

Các nhà thiên tài coi khen, chê nhẹ như lông hồng. Nhưng đến khi họ nhận ra mình là thiên tài (thật), theo đúng nghĩa, đấy là khoảnh khắc khắc nghiệt nhất, bắt đầu họ không còn là thiên tài nữa! Người tài không gọi làm việc là lao động mà thường thì họ cho đó là chiến đấu. Các cuộc “chiến đấu” liên miên. Chiến đấu ở mặt trận này xong, chuyển sang mặt trận khác ngay. Người có nhiều tài khi sáng tác văn xuôi xong, giải lao một lúc, chuyển sang thơ. Xong thơ ta vẽ tranh, viết nhạc. Có khi một lúc làm vài ba thể loại mà thể loại nào cũng hay, hay đến đỉnh cao mà chính tác giả đâu có hay biết gì. Viết là viết, vẽ là vẽ, chơi là chơi, nhạc là nhạc. Sáng tác mấy thứ nghệ thuật như: văn, thơ, nhạc, họa đều có chung một sự kích hoạt, ấy là tài năng.

Tài năng là gì thì không ai định nghĩa được, nhưng cái món nghệ thuật không có nó, dù ít dù nhiều thì cũng rất gay. Có khi ta chỉ mới mon men đến gần mà vì ta “giầu trí tưởng bở” rằng ta là người tài năng. Vâng. Tài năng nó nhất trí với bác ngay. Bác là bác tài nhưng các tác phẩm của bác thì cứ ngồi im một chỗ, không chịu mở cửa thoát ra ngoài với công chúng. Kinh! Kinh thật! Còn như các sáng tác của người tài như cụ Văn, (Văn Cao) đấy. Thơ ca, nhạc, họa đều tuyệt đỉnh. Như cụ Nguyễn Đình Thi đấy, thơ, nhạc, văn xuôi cũng đều đáng nể. Tài hoa như Nguyễn Trọng Tạo, văn, thơ, nhạc, họa cũng làm nên tên tuổi ngời ngời. Người ta gọi các bác ấy là các nghệ sĩ đa tài. Tài cả cầm, kỳ, thi, họa. Rất tự nhiên. Chính họ cũng không biết họ tài, cần có sự cố gắng bứt phá hay gì gì. Họ cũng không, tuyệt đối không cắm đầu cắm cổ dụng công này nọ. Họ viết, họ vẽ, họ soạn nhạc, tự nó làm nên họ, hay đúng hơn, các giai phẩm ấy làm nên thiên tài. Cái gọi là thiên tài có sẵn trong máu của họ. Nó mượn tên tuổi họ làm cầu nối giữa giời với chúng ta…

Nhà văn Trần Thị Trường viết và vẽ ảnh 3

Ở ta lâu nay các văn nghệ sĩ, nhất là cánh nhà văn, nhà thơ đã có không ít người, hoặc mới tập làm quen với cơ chế thị trường. Hoặc bắt đầu có cách sống, cách làm việc trong cơ chế thị trường. Nói cho ngay, thị trường đã bắt đầu kích thích được một số nhà văn, nhà thơ in sách, bán sách, trước khi in có làm theo đúng các cái cách của quy luật thị trường như tiếp thị hẳn hoi, sau khi in đem đi gửi bán rồi làm nghiệm thu như là một món hàng, cũng vui vẻ cả. Có một số bác bỏ thơ, bỏ văn nhảy sang lĩnh vực khác như: nhạc, họa, hai món này các văn sĩ đàn anh đã làm và đã thu được nhiều thắng lợi rất to. Như tôi nói ở trên, tài năng là của hiếm, không thể cứ thấy người ta hay, người ta đẹp, người ta giỏi mà ta cố gắng, cố gắng hết sức phấn đấu quên mình để thành hay, thành… đẹp, thành tài năng!

Nhà văn Trần Thị Trường viết và vẽ ảnh 4

Văn mình vợ người, câu thành ngữ ấy đến giờ tôi thấy vẫn đúng. Nó đúng ở chỗ mình phải biết mình cơ. Tôi lên phòng tranh triển lãm của nhà văn Trần Thị Trường trong tâm trạng bạn bè đến chia sẻ, đến xem xem thế nào. Tôi tuyệt nhiên không có nhiều kỳ vọng và không có một chút nào định kiến hay chỉ đến để biết, để động viên nhau. Trình độ xem tranh của tôi không thể lấy đó làm chuẩn, càng không được phép phán lung tung.

Tôi khoái Trần Thị Trường ở nhiều nhẽ, nhưng đây là lần đầu tiên tôi xem tranh của Trường một cách nghiêm túc và hào hứng. Hào hứng vì trước đó tôi có biết Trường đã từng học Mỹ thuật, có vẽ nhiều, nhưng quả thật, tôi chưa thấy Trường triển lãm lần nào. Lâu nay, Trần Thị Trường nổi tiếng ở khâu tổ chức biểu diễn cho các ngôi sao ca nhạc và đã thu được nhiều thành công đáng nể.

Trong lao động nghệ thuật, nhiều người cứ hay gọi làm thơ, vẽ tranh là một cuộc chơi. Tôi không thích gọi thế và hẳn Trần Thị Trường có lẽ cũng không thích thế. Tôi biết tính Trường là người không ưa lối sống lấy lòng nhau hay khéo léo đưa đẩy. Trường vốn dĩ là người ưa nói thẳng, nói thật mọi vấn đề. Trộm vía, lâu nay tôi không mấy khi quan tâm đến cái sự vẽ của Trường. Tệ quá. Tệ quá!

Tôi sững người khi đứng ở giữa phòng tranh. Sơn dầu và sơn dầu, Tĩnh vật và tĩnh vật. Tranh phong cảnh, tranh các đồ vật thường ngày. Này là ô cửa sổ ngôi nhà phố cổ. Này là một bình hoa. Này là một bông hoa. Kia là một vệt nắng. Đây là một khoảng không. Đằng kia là rực rỡ của hoa trái mùa Thu. Trần Thị Trường thật giỏi khi tả cái “chất” của ánh sáng trong ánh sáng. Nó rất rõ ràng đấy mà sao ta cứ thấy như mờ mờ đâu đó. Tôi đảo qua, đảo lại xem hết lượt, xem từng cái. Tôi ca ngợi các nét vẽ êm dịu và khe khẽ, nhẹ nhàng, không có dấu vết, kể cả cái bóng của hình cũng lẹ làng lẩn khuất đi đâu. Xem cả phòng tranh tôi không thấy tác giả lúc nào vội vã, hớt hải, thậm chí không có chút trạng thái bối rối ngập ngừng như của một số cây cọ là nhà thơ vẽ tranh. Trần Thị Trường tự tin vẽ với một tình cảm sâu và chín. Xem tranh của Trần Thị Trường vừa cho ta tâm trạng yên ả, lắng đọng như nghe một bản nhạc nhẹ với những giai điệu dịu dàng, thư thả. Nó rất khác với cá tính xởi lởi, ồn ã, hay nói và hay chia sẻ ngoài đời của tác giả.

Nhà văn Trần Thị Trường viết và vẽ ảnh 5

Tôi có cả một tháng trời rong ruổi cùng Trần Thị Trường đi thăm các di tích lịch sử, tôn giáo của đất nước Ấn Độ bí ẩn và giàu bản sắc văn hóa. Một tháng ấy như là một khoảnh khắc trong cuộc sống, nhưng cũng giúp tôi nhận ra ở Trần Thị Trường một người nhanh nhậy, thông minh và ham học. Bây giờ tôi không còn e dè cân nhắc gì khi gọi Trần Thị Trường là nhà văn - họa sĩ. Một nhà văn đĩnh đạc với nhiều truyện ngắn tiểu thuyết hay viết về tình yêu cuộc sống của người Hà Nội. Và một nữ họa sĩ tài hoa, dễ thương, dịu dàng yêu quý của đất kinh kỳ Thăng Long văn hiến. Rất chư là Tràng An. Rất chư là Hà Nội.

28-12-2019