Nhà văn Bình Ca:

Người thuộc về những cơn sốt sách

NDO -

Bình Ca - cái tên lạ lẫm xuất hiện cách đây 5 năm bằng tác phẩm Quân khu Nam Đồng (QKNĐ) gây bão ngay khi vừa ra mắt. Năm năm qua, với 15 lần tái bản, cơn sốt QKND chưa có dấu hiệu nguội thì bất ngờ tác giả của nó lại vừa tiếp tục gây sốt làng xuất bản bằng cuốn tiểu thuyết mới có tên Đi trốn, với sức nóng không kém sự kiện đầu: 13 nghìn bản sách trong vòng một tháng. Điều gì ở một tác giả tay ngang làm nên những sự kiện ngoạn mục như vậy?

Nhà văn Bình Ca.
Nhà văn Bình Ca.

Nhà văn Bình Ca có cuộc trò chuyện chia sẻ với phóng viên Báo Nhân Dân chung quanh tác phẩm mới và những câu chuyện nghề.

Nhà báo Phan Thanh Phong (PTP): Năm năm qua, với lượng độc giả khủng cho cuốn sách đầu tay Quân Khu Nam Đồng, chắc họ, những bạn đọc, fan hâm mộ của ông đã làm nên kỳ tích cho cuốn sách mới này, hay bản thân Đi trốn đã tìm ngay được độc giả riêng của nó?

Nhà văn Bình Ca (BC): Đương nhiên cuốn sách mới này được hưởng lợi khá nhiều từ hiệu ứng của QKNĐ. Tuy nhiên không hẳn chỉ thế! Tôi chưa thống kê nhưng cũng đã kịp nhận ra đã có những độc giả mới. Và không phải độc giả nào của QKNĐ cũng đều thích Đi trốn. Không ít trong số họ chờ ở Đi trốn một QKNĐ tập 2. Thí dụ, có một cô gái, tôi cho là fan cuồng nhất của QKNĐ, cô ấy từng mua rất nhiều QKNĐ tặng bạn bè, cũng là người vận chuyển miễn phí sách của tôi đi khắp châu Âu, châu Mỹ, vì cô ấy làm du lịch, thế nhưng với cuốn này cô ấy nói "nó chán đến mức không thể chấp nhận được!" (cười). Tuy nhiên, số độc giả như thế chỉ cá biệt. Đại đa số thích cả hai cuốn. Với độc giả mới, nhiều người trong họ sau khi đọc Đi trốn thì tìm mua QKNĐ, kiểu combo. Tiếc là hai cuốn sách do hai nhà xuất bản khác nhau. Hôm ra mắt Đi trốn ở Nhã Nam nhiều người hỏi mua QKNĐ nhưng không có.

Bản thân Nhã Nam thời gian đầu đánh giá Đi trốn có thể sẽ long seller hơn QKNĐ, bán dài hơn, vì nó có "độ sâu" hơn QKNĐ, nó trải rộng. Họ cũng cho rằng Đi trốn không best seller như QKNĐ. Thế nhưng chỉ 20 ngày sau khi ra mắt, các kho của Nhã Nam đã hết sách. Hiện nay, sau một tháng Đi trốn đã tái bản hai lần. Tổng in và phát hành là 13 nghìn cuốn.

PTP: Là tác giả của các tác phẩm bán chạy, theo ông, một cuốn sách hấp dẫn cần những yếu tố gì?

BC: Trước hết nó phải được viết bằng tất cả tâm huyết và tình yêu của người viết đối với câu chuyện mình kể. Nếu không có tình yêu mãnh liệt vào điều đó thì không viết được. Cái thứ hai là phải có đủ sự trải nghiệm.

Người thuộc về những cơn sốt sách -0
Nhà văn Bình Ca và nhà báo Phan Thanh Phong. 

PTP: Hiện nay có xu hướng các tác phẩm phái sinh của sách (thí dụ chuyển thể sang điện ảnh) làm cho nó có sự lan tỏa hơn, cũng khiến thu nhập của nhà văn tốt hơn, tác phẩm của ông có đi theo hướng ấy không?

BC: Thật ra, nếu sách được làm phim thì nó sẽ tạo cho nhà văn thu nhập gấp mười lần hoặc hơn thế nữa so với thu nhập từ bán sách. Kể cả sách best seller cũng chẳng nghĩa lý gì so với lợi nhuận của một bộ phim ăn khách. Nhưng muốn để cuốn sách được làm phim thì nên tính từ đầu. Thí dụ, QKNĐ, nếu làm phim nhựa sẽ gặp khó trong khâu chuyển thể kịch bản điện ảnh. Nó thích hợp với phim truyền hình hơn phim nhựa, vì câu chuyện có nhiều tuyến nhân vật, trải dài trong một không gian và thời gian rộng. Gom lại thì khó, kể một tuyến lại không đủ. Tới Đi trốn, nếu làm phim sẽ thuận lợi. Lần này tôi viết một tuyến, nhân vật có tính điện ảnh hơn. Cũng đã có người đặt vấn đề làm phim.

PTP: Bối cảnh của Đi trốn lộ khá rõ địa danh vùng núi non, hang động Tràng An (Ninh Bình). Ông có chủ định dùng tác phẩm văn học này để quảng bá cho việc phát triển du lịch vùng đất mà ông từng gắn bó và có nhiều duyên nợ trong quãng thời gian dài làm lãnh đạo tỉnh?

BC: Nếu nói về quảng bá du lịch thì chủ đích của tôi rộng hơn, đó là quảng bá cho các vùng núi đá vôi của Việt Nam, với các dải núi sừng sững, vách đá dựng đứng và hiểm trở, hệ thống hang động, hồ nước và cảnh quan đẹp mê hồn mà nhiều nơi đã được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới, là công viên địa chất toàn cầu. Các vùng đá vôi chủ yếu tập trung ở miền Bắc, gồm ba cụm chính là Tây Bắc (trong đó Tràng An - Ninh Bình ở chót đuôi, Đông Bắc (Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh...) và hoành tráng nhất là Quảng Bình. Vì câu chuyện của tôi viết về một vùng núi đá vôi nên mọi người nghĩ đó là vùng Tràng An - Ninh Bình, do tôi đã có một thời gian dài sống và công tác ở đây. Tuy vậy, cũng có bạn đọc phản hồi là cảm thấy như đang được phiêu lưu ở vùng hang động của Quảng Bình, lạc vào Hang Én, hoặc vùng rừng núi nguyên sinh phía Bắc trong thời kháng chiến. Mỗi người sẽ có những cảm nhận khác nhau.

PTP: Với mỗi cuốn sách của mình hình như ông có một cách truyền thông khác nhau để tạo sự hấp dẫn, thu hút độc giả. Cuốn QKNĐ là cách xuất hiện bằng sự bí ẩn, không cho biết tên thật, hình ảnh thật, khiến bạn đọc tò mò, sục sạo tìm xem tác giả là ai... Nhưng ở cuốn này, ngược lại, thấy ông chủ động ra mặt, tương tác khá nhiều trên mạng xã hội?

BC: Thật ra, nếu trốn được tôi đi trốn ngay. Nhưng lộ rồi, không trốn được, thì cách tốt nhất đối mặt... (cười).

PTP: Đối mặt trên mạng xã hội với nhiều người là một thách thức, còn ông có vẻ như khá tự tin, thậm chí có duyên, có sức hút, tạo được lượng fan khá lớn. Ông có cho rằng, trong thời buổi này, ngay cả khi cả khi viết ra được một tác phẩm hay rồi thì bản thân người viết cũng nên chủ động tương tác với độc giả để tác phẩm được lan tỏa hơn thay vì trông đợi vào nhà xuất bản hay các đơn vị phát hành?

BC: Rất nên, nhưng cũng cần phải có kỹ năng tương tác qua mạng xã hội. Thời đại này, nếu làm truyền thông không tốt thì tác phẩm vô cùng thiệt thòi. Nhưng điều quan trọng nhất là tác phẩm mình viết phải tốt đã. Thêm nữa, mình phải là một con người tử tế, đàng hoàng. Nếu như ta không sống tốt, không bao giờ những người có ảnh hưởng trên mạng (KOL), những người có đông người tương tác... kết bạn và giao tiếp với mình.

PTP: Cách đây 5 năm, trong một lần trả lời phỏng vấn, tôi nhớ ông từng nói không bao giờ muốn trở thành nhà văn chuyên nghiệp, và bây giờ?

BC: Bây giờ vẫn thế. Tôi không coi viết là bổn phận, là nghề nghiệp. Tôi chỉ viết khi thích. Nếu không có cảm hứng, tôi sẽ không bao giờ viết.

PTP: Với Đi trốn, ông có thỏa mãn nó đã là một cuốn tiểu thuyết như ông suy nghĩ, hình dung về thể loại này?

BC: Tôi nghĩ mình đã viết ra tất cả những gì mình muốn viết. Còn đánh giá như thế nào phụ thuộc vào bạn đọc. Cái đấy mới quan trọng. Nếu bạn đọc đánh giá nó thành công thì mình thành công, mà bạn đọc không thích là mình thất bại.

PTP: Khi viết ông có nghĩ đây là thể loại “khó nhằn” cho một người tay ngang và luôn không bao giờ muốn trở thành chuyên nghiệp?

BC: Tôi nghĩ nó bình thường, dễ hơn viết hồi ký. Hồi ký phải viết về những người trong cuộc một cách trung thực, nhưng lại không được làm cho họ cảm thấy bị tổn thương. Còn tiểu thuyết rất thoải mái, mình có thể tung hứng, có thể sáng tác theo ý của mình. Chuyện viết lách của tôi hoàn toàn theo bản năng. Là một người bắt đầu muộn, tôi chả hiểu là phải học những gì nữa, và học chắc sẽ lâu lắm... Mà hình như người ta bảo là càng học càng không ra nhà văn! (cười)

PTP: Điều gì ở Đi trốn ông chưa hài lòng. Thí dụ được viết lại thì ông sẽ chỉnh sửa hoặc thay đổi thế nào?

BC: Tôi nghĩ nó đã đủ hợp lý.

Người thuộc về những cơn sốt sách -0
  Nhà văn Bình Ca ký tặng sách cho bạn đọc trong buổi ra mắt sách Đi trốn.

PTP: Trong thực tế, với những người viết tay ngang thường viết những điều họ thích và là vốn sống, khi viết hết vốn rồi, chuyển sang những đề tài khác thì thường khó thành công. Là người trong cuộc ông có sợ đến một lúc nào đấy, hết vốn, mình cũng dừng lại, không tiếp tục được nữa nếu không xác định một con đường chuyên nghiệp?

BC: Thực lòng, tôi viết QKNĐ và Đi trốn với một tâm thế giống nhau, đâu có biết thế nào là nghiệp dư, thế nào là chuyên nghiệp. Nếu như có ai đó đó nhận xét cuốn thứ hai "chuyên nghiệp" hơn cuốn thứ nhất chắc cũng là do thương nên khen thế thôi.

Tôi nghĩ điều quan trọng nhất đối với người cầm bút làm sao để điều mình viết tới được trái tim của người đọc, để bạn bè và những người cùng thế hệ mình vui, và nhớ lại những gì họ đã trải qua. Tôi đã và sẽ chỉ viết những điều mình thích, viết những gì trong lòng mình thôi thúc, viết những gì bạn bè mình muốn gửi gắm... Nói thật, tôi chỉ sợ mình lười, mình ham chơi hay không còn cảm xúc để viết thôi, chứ không qua tâm đến chuyện phải trở thành chuyên nghiệp để viết được. Nghĩ cho cùng thì "Tay ngang" nó cũng có cái lợi và cái hay của nó. (cười).

PTP: Ông từng nói "văn chương là một cuộc chơi, đã chơi thì phải chơi đẹp". Theo ông, chơi đẹp là chơi như thế nào?

BC: Chơi đẹp là nói hết, nói một cách trung thực những điều mình nghĩ, nói bằng cả trái tim, bằng tình cảm của mình; là nói một cách nghiêm túc, có trách nhiệm. Tôi luôn viết một cách cẩn trọng, trung thực, không xuyên tạc, không nói xấu, cố gắng không làm tổn thương ai nếu có thể. Văn nó giống như người. Bạn đọc tinh lắm. Nếu không tử tế họ nhận ra ngay.

PTP: Tuyên ngôn đấy của ông có thể sẽ khiến người ta nghĩ là một sự kiêu ngạo, vì có thể ông chưa trải qua những đau đớn, bầm dập của nghề văn thì ông nói thế...

BC: Vì bạn hỏi nên tôi trả lời, và trả lời thật. Nếu sợ ai đó tổn thương hay nghĩ không đúng về mình mà nói khác đi thì mình sẽ trở nên giả dối. Tôi không làm thế được.

PTP: Thật ra, nhiều nhà văn nói "văn chương là một cuộc chơi", là cách họ nói vậy thôi nhưng họ không nghĩ thế, bởi văn chương là một lao động hoàn toàn nghiêm túc .Vậy, ông nói câu đấy là ông nghĩ thật thế hay ông cũng nói theo cách của các nhà văn?

BC: Tôi nói thật đấy. Trước trang giấy, tôi hoàn toàn nghiêm túc, nhưng với tôi văn chương là cuộc chơi. Nếu mất cảm hứng tôi không chơi nữa. Ở đời quan trọng nhất mình phải là chính mình!

PTP: Trân trọng cảm ơn cuộc trò chuyện cởi mở, thẳng thắn của ông!

Người thuộc về những cơn sốt sách -0

Tiểu thuyết Đi trốn, Nhà xuất bản Hội Nhà văn và Công ty CP Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam phát hành 2020.

Sách kể câu chuyện một nhóm thiếu nhi vì lý do nhỏ trốn khỏi trại sơ tán, lạc vào chốn núi non, hang động sông nước nguyên sơ hoang dã. Trong hành trình ấy chúng được thiên nhiên kỳ thú tưởng thưởng hào phòng, nhưng cũng phải vật lộn để sống sót, mà nhiều lúc tưởng chừng đã tuyệt vọng.

Câu chuyện chân thực, lôi cuốn, đồng thời gợi nhiều suy ngẫm về cuộc sống và số phận những đứa trẻ lớn lên giữa cuộc chiến tranh: thường xuyên sống xa bố mẹ, thấy súng đạn như đồ chơi, chứng kiến những cái chết xung quanh mình... Nhưng đọng lại sau tất cả, bên cạnh vẻ đẹp của thiên nhiên, Đi trốn cũng làm sáng lên vẻ đẹp của tinh thần tự lực, của tình bạn, và những rung động tình yêu thuở ban đầu.

(Giới thiệu sách của Nhã Nam)