Người nghệ sĩ cống hiến tuổi thanh xuân cho đất nước

Trong danh sách phong danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) lần thứ 9 mới đây, có tên Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Tô Lan Phương. Bà là nghệ sĩ được rất nhiều thế hệ người nghe nhớ đến bởi giọng hát đẹp và tinh thần quả cảm, đã cống hiến tuổi trẻ của mình phục vụ đồng bào, chiến sĩ trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc.

Nghệ sĩ Tô Lan Phương khi còn trẻ.
Nghệ sĩ Tô Lan Phương khi còn trẻ.

Những người lính có mặt trong đoàn quân tiến về Sài Gòn mùa xuân năm 1968 còn nhắc mãi câu chuyện một đại đội, vì yêu mến giọng hát Tô Lan Phương đã lấy tên của bà để đặt tên cho đại đội mình trước giờ xung trận. Tiếng hát Tô Lan Phương có sức cổ vũ rất lớn đối với những người chiến sĩ trên đường Trường Sơn và chiến trường miền đông, miền tây Nam Bộ, góp phần tạo nên những chiến công vang dội. Bà trở thành biểu tượng về tinh thần yêu nước của những người nghệ sĩ trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh. Không chỉ với người cùng thời, mà cả đối với thế hệ trẻ hôm nay, câu chuyện về nghệ sĩ Tô Lan Phương còn mang bóng dáng của một huyền thoại.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng, chú ruột của Tô Lan Phương là nhà cách mạng Tô Hiệu, người tù cộng sản đã trồng cây đào giữa nhà ngục Sơn La. Thấm nhuần tinh thần yêu nước của gia đình, năm 19 tuổi, Tô Lan Phương tình nguyện gia nhập Đoàn văn công Giải Phóng đi vào chiến trường Nam Bộ, quyết mang tài năng và tuổi trẻ của mình cống hiến cho cách mạng. Khi đó, bà vừa học xong hệ trung cấp thanh nhạc Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia), được nhà trường cử đi học bảy năm ở Nhạc viện quốc gia Bình Nhưỡng (Triều Tiên). Thế nhưng, cô gái Hà Nội chân yếu tay mềm có giọng hát hay nổi tiếng từ những năm còn học Trường Chu Văn An đã bỏ lại cơ hội đó, để khoác ba-lô và bộ quân phục mầu xanh lá úa, hòa vào đoàn quân “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Tô Lan Phương thường hồi tưởng những năm tháng tuổi trẻ gắn liền với bom đạn khốc liệt; những đêm biểu diễn trên các đỉnh dốc cao hay mô đất ven đường làm sân khấu; phông màn là những mảnh dù pháo sáng, ánh đèn sân khấu có khi là ánh sáng của những chiếc xe ô-tô chở lương thực, vũ khí. Người ca sĩ không son phấn, không thiết bị âm thanh hỗ trợ, chỉ có tiếng hát bay lên từ trái tim thiết tha yêu quê hương và khát khao một ngày hòa bình trở lại. Cô gái Sài Gòn đi tải đạn, Tiếng đàn ta-lư, Câu hát bông sen, Qua sông… là những bài hát gắn với tên tuổi nữ ca sĩ Hà thành một thời. Là một người nghệ sĩ - chiến sĩ nơi chiến trường, Tô Lan Phương không nề hà, chùn bước. Sau Chiến thắng mùa xuân năm 1975, Tô Lan Phương trở về với cuộc sống đời thường, kết hôn cùng nghệ sĩ vi-ô-lông Trần Mùi, người đồng chí, đồng đội và cũng là một nghệ sĩ từng chia ngọt sẻ bùi trong những năm chiến tranh ở Đoàn văn công Giải Phóng. Bà không tham gia một cách sôi động vào đời sống biểu diễn ở TP Hồ Chí Minh; chỉ nhận lời biểu diễn trong các chương trình kỷ niệm những ngày lễ trọng đại của dân tộc, như một cách hồi tưởng về tuổi trẻ của mình; đồng thời tri ân những người lính, những đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại trên khắp các chiến trường.

Trong sự nghiệp của mình, nghệ sĩ Tô Lan Phương đã giành nhiều giải thưởng như: Giải đặc biệt cuộc thi nhạc nhẹ quốc tế Bratislavski năm 1981 tại Tiệp Khắc, Giải thưởng nghệ sĩ ấn tượng nhất của Gala Festival Habana Cuba năm 1984, Huy chương vàng Hội diễn Ca Múa Nhạc toàn quốc lần thứ nhất tại Hà Nội năm 1976, cùng nhiều huân chương, huy chương cao quý. Năm 1984, bà được phong tặng danh hiệu NSƯT đợt đầu tiên.

Những năm tháng sau này, Tô Lan Phương chọn cách sống tĩnh tại, có phần khép kín, đây có lẽ là lý do bà bị “bỏ quên” trong danh sách đề nghị phong tặng NSND trong suốt hơn 30 năm vừa qua. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam là người trực tiếp đưa tên tuổi Tô Lan Phương vào danh sách những nghệ sĩ được đề nghị phong tặng lần này.