Họa sĩ Đinh Thị Thắm Poong:

“Nghệ thuật, nếu nệ nguyên tắc thì cằn cỗi lắm!”

“Nghệ thuật, nếu nệ nguyên tắc thì cằn cỗi lắm!”
“Nghệ thuật, nếu nệ nguyên tắc thì cằn cỗi lắm!” -0

Đinh Thị Thắm Poong là gương mặt nữ họa sĩ xuất sắc, độc đáo của hội họa đương đại Việt Nam. Tranh của chị có mặt trong các bảo tàng nghệ thuật thế giới, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và trong nhiều bộ sưu tập cá nhân trong nước và nước ngoài. Là nghệ sĩ thành danh, có tranh bán chạy nhưng họa sĩ Đinh Thị Thắm Poong luôn khắc kỷ trong nghề, đề cao sự tìm tòi cái đẹp, cái mới trong từng tác phẩm.

Chị có cuộc trò chuyện chia sẻ với phóng viên Báo Nhân Dân chung quanh công việc sáng tạo.

Nhà báo Phan Thanh Phong (PTP): Mỗi họa sĩ thường thuộc về một vùng đất, Đinh Thị Thắm Poong thuộc về nơi nào?

Họa sĩ Đinh Thị Thắm Poong (ĐTTP): Tôi sinh ra ở vùng miền núi, tỉnh Lai Châu, cha mẹ thuộc dân tộc ít người. May mắn cho tôi là được lớn lên trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật. Cha tôi là cán bộ sưu tầm văn hóa dân gian, mẹ là diễn viên múa của Đoàn Văn công khu Tây Bắc. Cha mẹ là người truyền cảm hứng nghệ thuật cho tôi từ bé. Suốt những năm tháng tuổi thơ, tuổi trẻ, tôi sống cùng gia đình tại thị xã Lai Châu. Dù ở phố thị nhưng cha mẹ tôi vẫn giữ mối liên lạc mật thiết với họ hàng, bà con nơi quê gốc. Các tập quán, lối sống, sinh hoạt của dân tộc ít người trong gia đình chúng tôi luôn được duy trì gần như đầy đủ. Bởi vậy, dù không còn sống ở quê nhà, nhưng với tôi, những gì đã thấm từ thơ trẻ, cho đến nay không phai lạt. Tôi là người con của vùng văn hóa Tây Bắc!

PTP: Rời miền núi về sống, làm việc tại thủ đô đã lâu năm, cái nhìn về cuộc sống, văn hóa nơi cội nguồn trong chị có đổi thay nhiều không?

ĐTTP: Hồi trẻ, phải chuyển môi trường sống, sự khác nhau giữa các vùng văn hóa cũng có nhiều rào cản. Khó khăn lớn nhất khi đó với chúng tôi là sự hòa nhập và tiếp thu lối sống, văn hóa ở thành phố lớn. Nhưng khi đã trưởng thành, tôi lại nhận thấy sự khác biệt ấy cũng chính là một cơ hội để mình phát triển công việc. Di dời nơi sinh sống, tôi phải trải qua nhiều va đập, học hỏi, thay đổi để thích nghi, phát triển. Trong quá trình ấy, tôi nhận thấy có những ưu việt trong văn hóa người vùng cao chúng tôi, nó như giá trị cốt lõi của sinh tồn, đó là: coi thiên nhiên và con người là một tổng hoà và cố gắng giữ sự hài hoà để cùng nhau phát triển!

Bây giờ, thỉnh thoảng về quê tôi cũng hơi nuối tiếc vì có những điều bị thay đổi và mất đi do cuộc sống phát triển ồ ạt quá. Nông thôn miền núi giờ đã có nhiều tiện nghi vật chất. Đường xá được mở mang đến từng thôn bản. Mỗi gia đình đều có xe máy đi làm, đi chợ. Ngựa không còn được nuôi để chở người, thồ hàng nữa. Phụ nữ không còn phải thêu thùa, may vá. Điện thoại, mạng xã hội có mặt khắp nơi, thanh niên chẳng cần kèn, sáo gọi tìm nhau. Mất dần các câu chuyện kể, các lời ca, âm nhạc trong ngày lễ, ngày hội... Phong tục, tập quán, lối sống cứ thế bị biến đổi. Có những thứ thì mất hẳn!

“Nghệ thuật, nếu nệ nguyên tắc thì cằn cỗi lắm!” -0
 Họa sĩ Đinh Thị Thắm Poong trò chuyện với nhà báo Phan Thanh Phong

PTP: Có phải vì vậy nên những nuối tiếc ấy luôn xuất hiện đâu đó, dù có thế chỉ là bề ngoài hình thức, trong các tác phẩm của chị?

ĐTTP: Thật ra thì trong những gì tôi vẽ, điều muốn sắp đặt, chuyển tải nhiều lắm, không chỉ chuyện ký ức, hoài niệm. Mỗi người xem tranh sẽ nhìn vào nó với một tâm thế, tâm tư khác nhau. Chứ nếu bảo luôn vẽ những hoài ức ấy, sự tiếc nuối ấy thì không hẳn, cũng cần thay đổi. Giống như cuộc sống này luôn đổi thay và con người vẫn phải đi tiếp. Có điều, mình trên cái gốc đấy, trên thân cây đấy thì nó lại sẽ ra cái lá tương tự kiểu đấy thôi.

PTP: Cảm hứng vẽ của chị được bắt đầu từ khi nào và sự hình thành phong cách nghệ thuật của chị bắt nguồn từ đâu?

ĐTTP: Là từ khi tôi tham khảo tranh của các họa sĩ bậc thầy Châu Âu qua các giai đoạn. Điều quan trọng nhất mà tôi học hỏi được từ họ, đó là: quan niệm về nghệ thuật hiện đại, tư duy cho mục đích để vẽ tranh. 

PTP: Dễ thấy đề tài xuyên suốt trong tranh chị là con người và thiên nhiên; sự kết nối, liên lạc, sự giao thoa, hòa trộn mạnh mẽ giữa con người với tự nhiên. Chị có thể chia sẻ về điều này?

ĐTTP: Đúng vậy, tranh tôi lấy con người làm một nhân vật và có các hình ảnh thiên nhiên, tự nhiên làm chủ đạo, trong mối giao hòa, liên kết mạnh, mang ý nghĩa biểu trưng. Con người trong đó chiếm quá lớn về hình, có vẻ mạnh mẽ, nhưng lại cũng rất mong manh. Họ chỉ đẹp đẽ và mạnh mẽ khi có thiên nhiên bao bọc và trang điểm, nhưng thiên nhiên cũng có thể xâm lấn con người. Vậy nên sự liên lạc, sự kết nối ấy đặt ra, khơi gợi nhiều suy ngẫm.

Tôi nhớ hồi nhỏ, chúng tôi luôn ao ước có một mái nhà yên ấm, an toàn. Điều đó đi theo suốt đời và tôi thường nhớ tới mỗi khi vẽ. Ngôi nhà ấy tôi tự đặt vào đó những thứ mình ước muốn, tưởng tượng. Nó có cái gì đấy rất giống với tự nhiên, hang đá nhìn ra không gian rộng lớn, thiên nhiên phía xung quanh, có nước, có vách rất cao. Đại khái thế. Tất cả gần gũi và tôi nhận ra tự nhiên chính là một ngôi nhà lớn nhất, phóng khóang nhất. Con người và các yếu tố chính yếu để sống giữa tự nhiên là những thứ tôi muốn vẽ ra. Các nhân vật của tôi thường là những nhân vật trong các câu chuyện dân gian, tôi mô tả họ trong sắc thái của tự nhiên, hòa quyện trộn lẫn với thiên nhiên như mây, núi, cây cối, bầu trời, vật dụng... Nó có cái gì đó vừa hiện thực nhưng cũng vừa ảo, khó nắm bắt.

“Nghệ thuật, nếu nệ nguyên tắc thì cằn cỗi lắm!” -0

PTP: Tranh của chị đậm bản sắc truyền thống nhưng cách vẽ, tạo hình lại khá hiện đại, đổi mới. Các yếu tố ấy được kết nối trong tác phẩm của chị như thế nào?

ĐTTP: Lối vẽ của tôi sử dụng nhiều hình ảo cắt ghép giao thoa nhau, thậm chí nhiều hình tái lặp, chồng lên nhau. Đó là lối đồng hình, đồng hiện. Tôi thích thủ pháp này.Trước mỗi bức vẽ tôi đều tự hỏi: điều sắp vẽ này có gì mới? Vì nếu mới mẻ nó mới cuốn hút tôi, cho tôi sự đắm mình, không muốn nghỉ, không thấy mệt. Nhân vật của tôi có khởi nguồn, gốc gác từ dân gian, nhưng tôi muốn xây dựng, bồi đắp cho nó những câu chuyện, những ý tưởng và tinh thần mới, hiện đại. Tôi không muốn bị gò theo những chuẩn mực.Ví dụ, hình ảnh con người trong tranh tôi nó không đơn giản theo cách xây dựng, cấu trúc nữa, mà có khi do tôi ảo tưởng, tưởng tượng ra. Tôi cố tình phá lề lối, phá cách, làm cho nó khác đi.Tôi muốn thử sức, muốn tìm cái đẹp ở những sự thử sức ấy. Tôi biết những điều ấy không thuộc nguyên tắc bài bản nào. Nhưng tôi nghĩ, nghệ thuật nếu nệ nguyên tắc thì cằn cỗi lắm ! Phải thay đổi, phải làm mới nó!

“Nghệ thuật, nếu nệ nguyên tắc thì cằn cỗi lắm!” -0
 Nghỉ ngơi trên đường xuống chợ - 2020

PTP: Bắt đầu cho một bức tranh, chị thường nghĩ về ý tưởng trước hay hình họa trước?

ĐTTP: Bao giờ tôi cũng nghĩ đến ý tưởng trước và sau đó mới tạo hình, làm sao cho phù hợp với ý tưởng. Tôi không dựa trên những hình họa để tạo ra ý tưởng.

PTP: Có bức tranh nào mà ý tưởng không thể biểu đạt được bằng hình?

ĐTTP: Có chứ!
PTP: Chị cảm thấy bất lực không?

ĐTTP: Không. Nó có sự bí ẩn riêng, khi chưa tìm được cách biểu đạt thì tôi sẽ lùi lại, nghĩ thêm.Thường những bức tranh như vậy rất “thách thức” và kích thích trí não tôi!

PTP: Vì sao chị luôn dùng chất liệu giấy dó mà không phải các chất chất liệu khác?

ĐTTP: Đơn giản chỉ là sự tình cờ rồi bị thu hút. Thoạt đầu cũng nhiều khó khăn vì giấy dó là vật liệu dễ thủng, dễ rách và loang hình, khó sửa. Nhưng khi đã bắt tay vào, nó hấp dẫn tôi và tôi theo nó từ buổi đầu cho đến nay. Tôi cố gắng tạo cho giấy dó một sự tiện lợi trong việc vẽ và tạo hình. Tôi cũng đã thử với sơn dầu, sơn mài nhưng cuối cùng nhận thấy giấy dó vẫn phù hợp hơn cả!

PTP: Người sưu tập, người mua tranh của chị là những giới nào, ở đâu?

ĐTTP: Trước tới giờ tôi chủ yếu bán tranh cho người nước ngoài, họ đủ cả văn nghệ sĩ, doanh nhân, người bình thường... Đợt dịch Covid vừa qua thì chủ yếu khách hàng trong nước và người nước ngoài sống và làm việc ở Việt Nam.

  • “Nghệ thuật, nếu nệ nguyên tắc thì cằn cỗi lắm!” - 0
  • “Nghệ thuật, nếu nệ nguyên tắc thì cằn cỗi lắm!” - 1
  • “Nghệ thuật, nếu nệ nguyên tắc thì cằn cỗi lắm!” - 2
  • “Nghệ thuật, nếu nệ nguyên tắc thì cằn cỗi lắm!” - 3
  • “Nghệ thuật, nếu nệ nguyên tắc thì cằn cỗi lắm!” - 4
  • “Nghệ thuật, nếu nệ nguyên tắc thì cằn cỗi lắm!” - 5

Tranh của hoạ sĩ Đinh Thị Thắm Poong trong không gian shoroom Osho Living  

 PTP: Họ thích ở tranh chị điều gì, chị có nắm bắt được không?

ĐTTP: Tôi không hỏi họ về điều đó. Người ta cũng ít giãi bày. Nhưng những gì họ giãi bày thì thường không giống điều tôi nghĩ.

PTP: Vậy chị có băn khoăn là hóa ra người sở hữu tranh, người xem tranh chưa hiểu điều mình muốn thể hiện, gửi gắm?

ĐTTP: Không, tôi lại thấy điều đó khá đặc biệt, nó động viên tôi rất nhiều. Bởi tôi nhận ra rằng mỗi người giao lưu với tác phẩm của tôi bằng một lý do rất riêng. Và không cần thiết người xem tranh phải cảm đúng những điều họa sĩ nghĩ và vẽ. Nghệ thuật cần sự khác biệt ấy và nó phát triển bởi thế, bởi người này nghĩ khác với người kia.

PTP: Đinh Thị Thắm Poong của 20 năm trước và bây giờ có thay đổi, có khác mình trước nhiều không?

ĐTTP: Thay đổi tức làm mới mình ư? Tôi tự đánh giá mình ở mức độ vừa phải. Và tôi cũng không nghĩ sẽ có nhiều họa sĩ làm được điều đấy. Làm nghệ thuật ai chẳng muốn đột phá, thay đổi mạnh mẽ. Nhưng dường như khó. Cho dù tôi làm việc luôn trong tâm thế trăn trở, tư duy, khai thác cái mới trong mình, nhưng tôi luôn thấy chưa đã!

PTP: Nói tới điều này bởi có một thực tế, trong hội họa, thường thấy một người khi đã tìm được đường đi ổn, tranh có công chúng,có người mua ổn rồi, thì họ không muốn, không dám thay đổi nữa. Vì sự thay đổi ấy dễ thành mạo hiểm, có khi đánh mất người mua tranh. Vậy, liệu cái sự “chắc cú” ấy có làm cho nghệ thuật bị cũ mòn đi, thậm chí thụt lùi không?

ĐTTP: Tôi nghĩ khi nói điều này thì chúng ta phải nghiên cứu một cách chính xác và đầy đủ về một họa sĩ nào đấy và mặt bằng chung của giới, tức là cả xã hội nghệ thuật thì mới kết luận được. Còn nói sơ sơ e là không công bằng và thỏa đáng.

Còn qua quan sát và cảm nhận của riêng tôi thì tôi cũng thấy có những người đang đi trên lối mòn, thậm chí vẽ lại chính tranh mình. Nhưng, như đã nói trên, để thay đổi hoàn toàn thì thật sự rất khó. Họa sĩ ở nước mình ít ai sống được bằng những công việc khác. Giá tranh nhìn chung còn thấp. Bán một cái tranh người ta có thể chỉ sống được trong thời gian ngắn. Nó không đủ thời gian, không đủ trữ lượng để thay đổi. Mà sự thay đổi đấy nếu làm cho cuộc sống đình trệ, khó khăn thì ít ai dám hy sinh. Thêm nữa, cái gọi là tình yêu với nghệ thuật, trọng trách, sự khắc kỷ trong nghề của một số người chưa đến được mức độ sâu nặng, nghiêm túc.

“Nghệ thuật, nếu nệ nguyên tắc thì cằn cỗi lắm!” -0

PTP: Chị có đón thị hiếu và chiều khách hàng của mình không?

ĐTTP: Chắc chắn là không! Tôi vẽ chiều theo tôi. Tôi làm mọi thứ chậm rãi, kỹ lưỡng nên không thể chạy theo cái gọi là thị hiếu được. Tôi không chiều khách hàng kiểu dễ dãi. Ngay với cả những người môi giới tranh của tôi ở New York cũng thế, tôi có cái gì thì họ đến lấy cái đó, tôi không làm theo “đơn đặt hàng”. Đôi khi họ cũng có trao đổi với tôi về việc khách hàng thích tranh nọ tranh kia của tôi và muốn tôi có thêm những bức kiểu ấy nữa, nhưng tôi từ chối việc ấy!

PTP: Chị có cảm thấy nếu vậy cũng khiến mình thiệt và thu hẹp khách hàng của mình không?

ĐTTP: Không. Tôi có thiệt gì đâu. Nguyên tắc lao động của tôi là thế, tác phẩm của tôi là thế. Và tôi vẫn bán được đều đều.Tôi làm công việc sáng tạo chứ không phải sản xuất! Tôi không thể vẽ ào ào và bán ào ào. Nhu cầu tiêu tiền của tôi cũng mức độ. Tôi không thể tiêu quá nhiều tiền. Mà làm gì có thời gian để tiêu nhiều tiền cơ chứ (cười). Tôi như thế này ổn rồi ! Cái quan trọng nhất là tôi được làm công việc của mình, được tâm tưởng đúng cái mình mong muốn, được hoạt động cái mình thích và phát triển nó từng ngày.Tôi chỉ mong sao sắp xếp được thời gian nhiều hơn để làm được nhiều công việc sáng tác mới hơn, hay hơn!

PTP: Ngày nay mạng xã hội là một kênh quảng bá hữu hiệu, thậm chí họa sĩ bán tranh trên đấy rất tốt, giao lưu với công chúng, tạo sự lan tỏa cho tác giả, tác phẩm. Chị có vẻ không mặn mà với điều này?

ĐTTP: Đơn giản là vì tôi muốn tập trung cho sáng tác. Còn quảng bá, tôi nghĩ là việc của người khác, thí dụ như gallery hay là người môi giới. Chứ nếu tôi tự quảng bá về mình thì có vẻ không công bằng lắm. Tự quảng bá kiểu gì chả có chút nói dối. Mà với nghệ thuật thì luôn cần sự chính trực, sự đối mặt. Tôi nghĩ, đuổi theo một cái gì đấy ảo nó bối rối lắm, nó không có gốc gác, không có bến. Giống như đi đường ấy, lúc nào chẳng có người phía trước mình, làm sao mà vượt được hết tất thảy. Mình đi đúng tốc độ của mình thôi!

PTP: Chị nghĩ thế nào về đời sống sáng tạo hiện nay?

ĐTTP: Đời sống sáng tạo dường như đang buồn tẻ quá, nhạt quá. Tôi mong được nhìn thấy các họa sĩ lao động nhiều hơn, tư duy nhiều hơn, mở mang thêm kiến thức xã hội cho công việc sáng tác. Môi trường mỹ thuật cần sự xáo động trong sáng tạo, trong vẽ, chứ không chỉ trong giá cả tranh!

PTP: Một năm chị vẽ khoảng bao nhiêu bức tranh?

ĐTTP: Tôi đang cố gắng 20 bức mỗi năm.

PTP: Ít so với nhiều họa sĩ hiện nay, đúng không?

ĐTTP: Ít hơn nhiều, nhưng tôi hài lòng, vì thật ra tôi đã làm hết sức mình!

PTP: Trân trọng cảm ơn những chia sẻ tâm huyết của chị!

“Nghệ thuật, nếu nệ nguyên tắc thì cằn cỗi lắm!” -0

“Nghệ thuật, nếu nệ nguyên tắc thì cằn cỗi lắm!” ảnh 13

Ngày xuất bản: 29-12-2020

Tổ chức thực hiện: HỒNG MINH

Nội dung: PHAN THANH PHONG

Ảnh: TRẦN HẢI

Trình bày: ĐĂNG PHI