Mỹ vật giữa tàng thư

Giữa cái nghề biểu diễn cổ nhạc có thể đem lại cho anh danh tiếng, sự yêu mến của công chúng, tiền bạc và cái nghề ngồi tỉ mẩn tháo từng tay sách, rồi khâu lại, phết keo, đóng bìa, Nguyễn Ðức Khuynh vẫn chọn công việc sau để theo đuổi niềm đam mê vô tận của anh với sách...

 Nguyễn Ðức Khuynh bên chiếc máy kẹp sách.
Nguyễn Ðức Khuynh bên chiếc máy kẹp sách.

Nghệ nhân ở ẩn...

Cứ ngỡ TP Nha Trang (Khánh Hòa) nhỏ nhưng tôi khá vất vả mới tìm được địa chỉ nhà anh Khuynh. Tổ 20, thôn Hòn Nghê, xã Vĩnh Ngọc, nghe thì dễ nhưng con đường dẫn vào thôn càng đi càng nhỏ lại, càng đi càng thấy cao. Vì thế, giữa bao nhiêu là ngã rẽ cứ phải leo lên rồi lại leo xuống, tôi mới gặp được nghệ nhân đóng sách tuổi đời còn rất trẻ này (Khuynh sinh năm 1982) khi anh đứng chờ ở đầu con ngõ.

Vốn đã biết Khuynh qua Facebook cho nên ấn tượng đập vào mắt tôi khi bước vào nhà không phải là dáng vẻ bề ngoài rất nghệ sĩ của anh mà là những tủ sách được bày biện ngay ngắn, gọn gàng ngay căn phòng bên ngoài. Chừng đó đủ cho thấy chủ nhân của ngôi nhà không chỉ là người mê sách, ham đọc sách mà còn rất cẩn thận, kỹ tính. Chính điều này có lẽ đã đưa Khuynh đến cái nghề mà anh sẽ chẳng bao giờ nghĩ tới khi quyết định theo học ở Trường đại học Nha Trang và càng không sau một thời gian anh gắn bó với cổ nhạc, với những cây sáo, cây đàn.

Ðáng nói là những nghề tay trái đã và đang không chỉ mang lại cho Khuynh khoản thu nhập đủ sống mà quan trọng hơn, nó giúp anh được sống theo đam mê của mình, được thỏa sức sáng tạo theo ý thích và say đắm với những tìm tòi, học hỏi. Nói như chàng trai trẻ gốc Hà Nội thì càng học, anh càng thấy mình chẳng hiểu gì hết bởi đóng sách không đơn giản chỉ là việc làm thủ công thuần túy như khâu gáy, đóng bìa mà đây là một nghề hội tụ của rất nhiều nghề, từ việc sử dụng kim chỉ, thêu thùa, hoa văn, thiết kế khuôn cho đến những kiến thức về từng loại da, giấy, hội họa, kim hoàn và thậm chí là hóa chất... Chẳng thế mà trong cuốn Thú chơi sách in năm 1960, nhà văn hóa, học giả, nhà sưu tập đồ cổ nổi tiếng Vương Hồng Sển từng viết: "Nơi phương Tây, thợ đóng sách là nghệ sĩ. Trông người rồi ngẫm đến ta, thử hỏi có thợ đóng sách nào trong xứ làm nên tên tuổi như những đồng nghiệp nước ngoài? May lắm là lập nhà đóng sách nhỏ, cần có nhiều hàng nhiều sách để đóng lấy lãi nuôi sống, hơn là cần người đến đặt hàng khéo nâng cao nghệ thuật"... hay "Sự lựa chọn sách đã là một cái khó, sự lựa chọn một cái bìa cho xứng đáng lại là một sự không phải dễ… Bên Pháp, đóng bìa sách mà như Marius Michel (Ma-ri-uýt Mi-sen), Pierre Legrain (Pi-e Lơ-grên), thì tên tuổi có kém gì tên các họa sĩ, điêu khắc gia nổi tiếng...".

Với Khuynh thì sự nổi tiếng của anh trong giới chơi sách là không có gì phải bàn cãi, từ những ngày đầu người chơi biết đến diễn đàn sachxua.net mà anh là một trong các quản trị viên, người sưu tầm cho đến bây giờ, khi họ và các nhà xuất bản, công ty sách đều nhờ anh phục chế, đóng bìa cho rất nhiều cuốn sách hay, giá trị. Thật ra thì trước đó rất lâu, Khuynh đã có niềm đam mê với sách, lớn đến nỗi khiến anh có thể quyết định bỏ lại sau lưng những gì học được ở Trường đại học Nha Trang, rồi một sự nghiệp âm nhạc mà nhìn vẻ bề ngoài của anh chắc chắn là phù hợp hơn với một nghệ nhân đóng sách, chưa kể khi đó, âm nhạc mang lại cho anh khoản thu nhập rất lớn.

Tôi đã quên hỏi liệu Khuynh có còn chơi nhạc trong những lúc rảnh rỗi hay không nhưng nghe anh nói về sách, về công việc với sự hứng khởi thì có lẽ tôi cũng hiểu được câu trả lời là như thế nào. Bởi có mấy ai đọc sách, thấy sách hư hỏng mà theo đuổi công việc sửa chữa, phục chế những cuốn sách đó, giữa bộn bề lo toan của cuộc sống hằng ngày. Vậy mà từ hồi còn ngồi trên giảng đường Trường đại học Nha Trang, ngày nào Khuynh cũng đảo qua những cửa hàng sách cũ trên đường Hoàng Hoa Thám trước khi khu vực này được quy hoạch dành cho phát triển du lịch, rồi lân la làm quen những người thợ đóng sách nổi tiếng nhất Nha Trang, trong đó có ông Rảnh nay đã qua đời. Ðó là người thầy đầu tiên và duy nhất của Khuynh trong nghề đóng sách, nếu không muốn nói anh đã kế thừa những tinh hoa, kỹ thuật của một nghệ nhân người Pháp truyền cho một sư thầy ở Nha Trang, rồi đến ông Rảnh và giờ là anh. Và như Khuynh thừa nhận, dù ở Việt Nam chẳng còn mấy người đóng sách như anh, anh vẫn không cảm thấy hài lòng với những gì mình đã làm được. Ðây có lẽ là lý do để anh "lên núi ở ẩn" như anh nói, tiếp tục học hỏi, nghiên cứu từng lĩnh vực và áp dụng vào công việc đóng sách của mình cũng như truyền nghề cho một số bạn trẻ cùng đam mê. Họ đang hỗ trợ anh trong những dự án lớn với Công ty cổ phần Văn hóa Ðông A và biết đâu, họ cũng sẽ có ngã rẽ bất ngờ trong cuộc đời như anh sau này.

Mỹ vật giữa tàng thư ảnh 1

Bộ sách Ỷ thiên đồ long ký được đóng bìa da.

... và nghệ thuật đóng sách

Nói là "ở ẩn" vậy nhưng đâu phải Khuynh có thể thong dong ngồi thưởng trà trước hiên nhà, chăm sóc từng cây hoa trước thư phòng hay đơn giản nhất là trông hai cậu con trai bé trong thời gian chúng nghỉ học vì dịch Covid-19. Thay vào đó, anh vẫn bận rộn với những cuốn sách mà bạn bè, khách hàng, các nhà xuất bản và công ty sách đặt đóng bìa hoặc phục chế. Nếu ai đó nói rằng, đừng xét đoán cuốn sách qua cái bìa hoa hòe nhưng thật sự là ngày càng nhiều người thừa nhận rằng, chính hình thức bề ngoài tạo ấn tượng ban đầu mới dọn đường dẫn mình lạc vào một thế giới huyền ảo và thưởng ngoạn văn phẩm hứa hẹn bao điều hấp dẫn ở bên trong. Ở các nước phương Tây, đóng sách là một nghề cao giá đã đành nhưng nó còn là một nghệ thuật nữa. Một số thợ lành nghề được tôn vinh thành nghệ nhân, bản thân họ lại làm nghề này thêm danh giá, tác phẩm của họ rất đáng chiêm ngưỡng.

Tôi đã có dịp nhìn thấy, sờ thấy một sản phẩm sách giá trị như thế khi Khuynh dẫn vào phòng làm việc của anh, một căn phòng nhỏ cũng được sắp xếp gọn gàng như con người anh, với rất nhiều máy móc, dụng cụ tưởng đơn giản nhưng đều khó kiếm và khó thấy hiện nay. Khoan nói về bộ sách thì những chiếc máy ép với đủ kích cỡ dễ đập vào mắt tất cả. Tất cả đều có tuổi đời gần 100 năm, một số được ông Rảnh để lại, một số được anh mua về từ các cửa hàng đồ cũ. Rồi đến những chiếc máy kẹp, với tổng cộng 13 chiếc, máy xén, giá khâu và vô số những dụng cụ tạo hoa văn đơn giản... Tất cả đã giúp Khuynh hoàn thành bộ sách Ỷ thiên đồ long ký của Kim Dung để chuẩn bị gửi cho khách hàng. Sách được đóng bằng da cừu mầu đỏ, gáy gân, chữ và các hoa văn, họa tiết được chạm mầu vàng và sờ rất thật tay. Ðiều đáng nói là bộ sách chỉ có giá bìa vài trăm nghìn đồng nhưng tiền đóng sách đã đắt hơn vài chục lần bởi chỉ riêng việc làm bản khắc kim loại tốn kém hàng triệu đồng do những hoa văn to, sang trọng trên bìa không phải được khắc chạm bằng kỹ thuật thông thường mà được dập chìm, đắp nổi bằng bản khắc. Tuy vậy, mấy ai biết được để hoàn thiện một cuốn sách là như thế nào, mất bao nhiêu công đoạn, khi chính Khuynh nhiều lúc vì sự tự do sáng tạo còn làm đẹp hơn những gì khách hàng yêu cầu hay trong giới hạn số tiền mà họ có thể trả. Và anh chấp nhận điều đó miễn là sản phẩm thật sự ưng ý với anh và với khách hàng.

Ðấy là chưa kể để thiết kế được một cái bìa đẹp, Khuynh phải đọc và hiểu nội dung cuốn sách, nếu không sẽ biến nội dung một đàng, bìa một kiểu. Chẳng hạn như chữ Ỷ thiên đồ long ký được anh thiết kế theo kiểu thư pháp hiện đại, lấy theo ý tưởng từ đoạn Kim Dung mô tả Trương Thúy Sơn viết hai mươi bốn chữ trên vách đá khi tỉ thí với Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn. Về điều này, trong cuốn Thú chơi sách, Vương Hồng Sển cũng đã viết: "Ðến như thơ Xuân Hương, truyện Tiếu Lâm là những bộ chứa đựng những câu mát mẻ bóng gió, những trận cười mỉa mai, mà đem ghép trong hai tấm bìa đen tối thì không khác nào nhốt tiếng vui chuỗi cười trong tù thành hắc ám, cũng lại là một sơ sót lớn tránh được mới sành nghề".

Không có gì ngạc nhiên là trong 10 năm qua, phần lớn các cuốn sách đóng bìa, từ bìa da, bọc gấm, thêu chữ có trong những tủ sách của người chơi đều đã qua tay Khuynh. Và cũng chẳng bất ngờ nếu Thư viện Huệ Quang (TP Hồ Chí Minh) mời anh hướng dẫn cho nhân viên thư viện đóng sách và phục chế; Giám đốc Công ty cổ phần Văn hóa Ðông A Trần Ðại Thắng tìm đến anh để cho ra đời bộ S100 và S100 Art được đóng bìa da công nghiệp cao cấp hay Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ đặt anh làm 20 bản đặc biệt cuốn Tranh dân gian Việt Nam đóng bìa da cừu.

Dẫu rằng chung quanh những bản đặc biệt của Ðông A và Tranh dân gian Việt Nam có nhiều ý kiến khen chê nhưng điều cảm phục ở Khuynh là ý thức trong công việc, ở thái độ tiếp thu, không ngừng học hỏi. Cần khắc phục, tìm hiểu vấn đề gì, anh bỏ thời gian đọc sách, tham khảo trên mạng, mày mò nghiên cứu các loại da, kỹ thuật khâu, những mẫu hoa văn, họa tiết… Nói ngắn gọn thì có làm, có trả giá thì mới vỡ ra được nhiều điều, không đơn giản chỉ là khách hàng thích đóng bìa da nào thì anh làm bìa da đó bởi nếu không học, không làm, anh khó có thể có được những kiến thức tổng hợp về các loại da, từ da lụa, da gấm đến da thuộc; kỹ thuật trang trí trên da để áp dụng vào từng cuốn sách. Hay trong kỹ thuật trang trí trên da có những kiểu như mạ trơn bằng cách dùng dụng cụ kim loại chịu nhiệt chạm khắc hoa văn, họa tiết lên bìa da; mạ vàng có thêm phụ liệu như vàng lá, bột mầu kim loại hay bột mầu hóa học.

Trong cuốn Quyển sách, nghề xuất bản và nghề bán sách in năm 1962 của Lê Thái Bằng dịch từ Bộ bách khoa toàn thư Pháp, có đưa ra quan niệm rất đáng chú ý: "Một cuốn sách vừa ra khỏi nhà in không bao giờ có bìa quý: chín phần mười trước khi được bày vào tủ của một người chơi sách khó tính, sách phải qua tay người đóng bìa lại". Vậy là ngay từ hồi đó, người ta đã không chơi loại bìa có sẵn mà cho đóng bìa khác theo kiểu thức mình chọn. Nghe qua tưởng chừng có vẻ chơi trội nhưng ngẫm lại cũng dễ hiểu vì đóng sách là một nghệ thuật độc đáo của người Pháp có bề dày truyền thống từ thời Trung đại cho đến tận ngày nay.

Dĩ nhiên, giới chơi sách Anh, Mỹ hay Việt Nam, giờ nghĩ khác. Có những người không ưa bản tân trang mà chuộng những gì y như vừa mới ra lò. Một cái bìa xưa lành lặn có lẽ gợi cảm hơn, còn tân trang ngụ ý rằng, sách đã hư hụt chút ít và giá trị giảm đi phần nào. Thế nhưng, theo Khuynh kể, có người chơi sẵn sàng đóng bìa gấm, thêu chữ cho những cuốn Truyện Kiều hay có người chơi đóng bìa da cho cả tủ sách của mình.

Với Khuynh thì cuốn sách nào cũng quý, dù sách cũ, rách nát cần anh dỡ ra, khâu lại và đóng bìa đơn giản; dù sách mới cần anh đóng bìa da, trang trí cầu kỳ. Nói như anh thì mình hết lòng với nghề, nghề sẽ không bạc với mình. Nếu cuốn sách nào cũng được làm thật tốt, thật cẩn thận, khách hàng sẽ trân trọng hơn công sức của người thợ và họ sẽ quay lại với người thợ.

Nhà triết học người Anh Phrăng-xít Bây-cờn có câu châm ngôn rằng "Có loại sách để nếm, có loại để nuốt và chỉ một ít phải nghiền ngẫm, tiêu hóa" nhưng phải nói một cách khách quan là việc chọn sách nào đã là một cái khó, lựa chọn một cái bìa cho xứng đáng lại càng không hề dễ dàng chút nào. Còn đối với quan niệm của nhiều người, bìa đối với sách giống như y phục, trang sức làm tôn lên vẻ đẹp của người phụ nữ; có thể biến sách trở thành mỹ vật giữa tàng thư.