Một lần thăm chú Mười Hương

Sau khi nghỉ công việc, dịp vào nam của tôi cũng thưa thớt. Phải tới hai năm, tôi lại mới vào TP Hồ Chí Minh và đến nhà thăm chú Mười Hương.
Một lần thăm chú Mười Hương

Chú đã ngồi từ lúc nào ở ngay cửa phòng khách để chờ chúng tôi. Thấy mọi người vào, chú lăn chiếc xe đẩy lùi vào một chỗ, chỉ ghế cho chúng tôi và nói: “Ngồi đi, không phải ngồi đất đâu!”. Chú vẫn hóm như mỗi lần tôi gặp chú nhiều năm trước. Mọi người chào hỏi xong, kiếm chỗ ngồi quây quần bên chú. Nói chuyện một lúc, cô Thu, vợ chú, từ trên gác xuống tham gia. Cả cô và chú đều cởi mở, gần gũi với gia đình chúng tôi mỗi lần gặp gỡ như vậy.

Chú gầy đi nhiều so với hai năm trước, nhưng nước da vẫn sáng đẹp, đặc biệt mọi vẻ tinh anh vẫn thể hiện trên đôi mắt như ngày nào. Năm nay chú đã 96 rồi! Chú có chậm chạp hơn, nhưng cũng thỉnh thoảng đột nhiên bật nhanh từ khóe mắt mỗi khi cố nhớ việc gì và hỏi chúng tôi. Quên và lẫn đôi chút, nhưng mọi nhận biết của chú vẫn tinh tường, lời nói vẫn thật hóm hỉnh. Qua câu chuyện, chú vẫn nhắc nhiều tới thời làm việc với ông Trường-Chinh, rồi nhắc lại rằng, rất nể phục ông ấy. Chú nói, sau Bác Hồ, chú quý ông Trường - Chinh lắm. Những chuyện đó thì tôi cũng đã hiểu với rất nhiều điều mà chú kể cho tôi về nhiều chục năm qua từ thời trước Cách mạng Tháng Tám, rồi thời ở Nhà công vụ 32 Hàng Vôi cùng bác Tạ Quang Bửu và cha tôi (nhà báo Quang Đạm) đến những ngày kháng chiến chống Pháp trên Việt Bắc, trong chống Mỹ, rồi sau giải phóng miền nam, những khi chú ở trong tù cả nhà tù Pháp và các nhà tù chế độ Ngô Đình Diệm, rồi ra tù…

Chú cũng có lúc chuyện vui với tôi, nhưng là những bài học bổ ích về những điều chú biết, do làm việc với các ông lãnh đạo, cũng như phong cách, cư xử của từng ông. Tôn trọng, phục tùng lãnh đạo là một lẽ, nhưng tình cảm riêng tư, chỗ ít chỗ nhiều, thì đó là ở mỗi con người. Cái tính trung thực và nhân bản ở chú rõ ràng là vậy. Tôi lại nhớ đến một cuốn bản thảo hồi ký của chú với nhan đề “Trần Quốc Hương, Nhân cách và kỳ tích” do nhà sử học Trần Giang chấp bút mà chú đưa tôi hơn 10 năm trước. Cuốn bản thảo ấy sau này sửa sang in thành sách (*), toát ra những nét đậm nhất mang tư chất Mười Hương, và cũng đã nằm trong kho tư liệu có thể gọi là bất hủ về chú, với nhiều sự việc chẳng khác gì giai thoại được viết trong nhiều báo, in trong sách, hòa trong không ít con người hoạt động nội thành, các nhà tình báo có cỡ.

Lại có cuốn “Trần Quốc Hương, người thầy của những nhà tình báo huyền thoại” của chị Nguyễn Thị Ngọc Hải do Nhà xuất bản Công an nhân dân ấn hành năm 2004. Tôi nhớ câu kết của cuốn sách (trang 213) như sau:

“Song, một điều không phải ai trong ngày hôm nay cũng nhận ra. Mười Hương, người chiến sĩ cách mạng khi về già, ngồi soát xét lại toàn bộ hành trang cuộc đời của mình đã tìm ra một báu vật với nụ cười thanh thản: Đó chính là niềm tin yêu mãnh liệt vào con người và lòng trung thực. Và ngẫm cho cùng, đây cũng chính là khía cạnh nhân bản lấp lánh, bất diệt của cách mạng”.

Hương sự thật như người ta nói về chú. Ngay lúc khó khăn nhất, chú vẫn theo một triết lý, phương châm sống: Chịu đựng, rồi sự thật sẽ chiến thắng. Thật hệt như cha tôi khi gặp cảnh ngộ!

Nhắc đến bác Trường - Chinh trong câu chuyện với chú, tôi lại nhớ đến quan hệ của bác ấy với chú và cha tôi, nhớ cái thời các cụ cùng công tác tại Văn phòng Trung ương Đảng xa xưa, và nhớ đến Tòa soạn báo Sự Thật trên Việt Bắc.

Hình bóng của chú và của bác Trường - Chinh gắn với cha tôi cũng được in đậm nét trong một cuốn sách tôi đã biên soạn, tập hợp từ các mảng bài viết của cha tôi, của anh em tôi, và đã xuất bản cuối năm 2018 vừa qua.

Về chú, chắc tôi phải viết nhiều hơn, vì trong suốt hai chục năm qua, mỗi lần chú cháu gặp nhau, ngoài chuyện liên quan cha tôi, chú còn kể nhiều chuyện, cho tôi biết những đánh giá của chú qua những câu chuyện ấy. Tôi không hiểu sao, chú lại có trí nhớ tuyệt vời và tài nhận xét tinh tế vậy khi kể những câu chuyện này. Chú là một cuốn từ điển nhân vật với nhiều góc tế nhị tại những thời điểm nhạy cảm, chú cũng có cách nhìn thấu đáo về những sự kiện thời ta đang sống. Chắc cái công việc có tính chất “chiếc máy cái” của tình báo chiến lược đã đòi hỏi chú như vậy, và có như vậy, chú mới có công to lớn đóng góp cho cách mạng, được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng.

Có một chuyện, chú nhắc lại với tôi không ít lần từ những buổi đầu gặp gỡ. Đó là chuyện về Nhan Hồi, một học trò mà Khổng Tử quý nhất, tin nhất. Cái mà Khổng Tử tin, quý Nhan Hồi là ở chỗ, ông luôn soi lại mình, không khác gì rửa mặt hằng ngày, để lúc nào cũng sạch sẽ, để bớt sai lầm, tu dưỡng tốt hơn. Bác Hồ hay lấy tích này kể cho chú và các chú trong cơ quan trên Việt Bắc, lấy làm gương cho tự phê bình trong cán bộ lúc đó. Chuyện Bác Hồ với chú Mười Hương thì chú kể cho tôi khá nhiều. Cách đối nhân xử thế của Bác Hồ với người đời, kể cả với đồng chí mình hay thậm chí với kẻ thù mà chú kể, thật rất đáng để học tập.

Con người oanh liệt vậy, bây giờ ngồi với anh em tôi thật hiền lành, nhã nhặn. Dù thỉnh thoảng trong câu chuyện vẫn đá vào chút gì dí dỏm, nhưng 96 tuổi rồi, chú cũng đã có đôi chút dị thường trong trí nhớ (tương tự cha tôi một thời). Đang những câu chuyện đầy súc tích, chú quay sang hỏi thăm “sức khỏe” cha tôi như hồi nào ông còn sống! Nuốt thở dài, tôi động viên chú. Thở dài vì thương chú, thở dài vì nghĩ: Rồi mình cũng thế, như thế hệ cha, chú mình lúc về già…

Ra về, cô Thu tiễn chúng tôi đến tận ngoài đường, lại chuyện về chú, về căn nhà góc phố trong khi chờ xe tới, nhưng trong lòng tôi nghĩ về chú, khâm phục chú và thương chú. Thương một thế hệ vàng những con người nhiệt huyết, trung thực và tài năng của bảy, tám mươi năm trước, thế hệ của cha tôi, chú và đồng chí của các ông. Chia tay, cô lại chỉ hai cây ngọc lan vươn cao xanh tốt trước ngõ và nhắc lại ý ông: Một cây là cô, một cây là chú.


(*) Cuốn này sau này được Tỉnh ủy Hà Nam, quê chú, cho in với cùng tên sách, Nhà Xuất bản Văn hóa Thông tin, 2012.