Lữ Mai: Viết từ những màn sương của hoài niệm

NDO -

NDĐT – Với tác giả trẻ Lữ Mai, thành công không chỉ là ra mắt ba cuốn sách liền trong một năm, mà còn là chuyển tải được những ký ức từ thời thơ dại ở vùng quê Thanh Hóa đồi núi bảng lảng khói sương huyền ảo vào những dòng viết của mình. Với Lữ Mai, văn chương là sự ẩn dụ, dưới những con chữ là những lớp ý nghĩa khác nhau mà chị gửi gắm từ sâu thẳm tâm hồn mình vào trang viết.

Tác giả Lữ Mai trong chuyến đi công tác Trường Sa. Ảnh: Lữ Mai cung cấp.
Tác giả Lữ Mai trong chuyến đi công tác Trường Sa. Ảnh: Lữ Mai cung cấp.

Năm 2019 có thể nói là một năm thành công đối với Lữ Mai, nhà thơ, nhà văn và hiện đang là nhà báo, công tác tại Báo Nhân Dân. Chỉ trong nửa đầu năm 2019, ba đầu sách liên tiếp được phát hành, vừa là bất ngờ, nhưng cũng là sự tình cờ đối với chị. “Đầu năm 2019, NXB Văn học tái bản cuốn Hà Nội không vội được đâu in từ năm 2014, khi đó, các BTV sực nhớ ra là tôi còn một kho truyện ngắn nữa và họ rất muốn in luôn trong năm nay. Thế là Linh Hồ ra đời. Cùng thời gian này tôi cũng ra mắt tập thơ Thời cách ngăn trống rỗng. Đây là những niềm vui rất bất ngờ và rất tình cờ, vì lâu nay người viết thường chỉ viết thôi, rất ít khi có sự tính toán nào đó để ra sách” – Lữ Mai chia sẻ.

Linh Hồ gồm 16 truyện ngắn đã từng được in ở các báo như Văn Nghệ, tạp chí Văn nghệ Quân đội, tạp chí Sông Hương, báo Văn nghệ Công an – những tờ báo có các chuyên mục về văn chương và cũng được lựa chọn khá cẩn trọng. Trong 16 truyện này, thân phận của người phụ nữ được khắc họa khá rõ. Họ có thể là người phụ nữ ở thành thị, ở nông thôn, có thể là người có học, đủ đầy về vật chất nhưng trong cuộc sống vẫn phải chịu những sự thiệt thòi hay khuyết thiếu nhất định nào đó. Lữ Mai cho biết, tư tưởng về nữ quyền, đứng về phái yếu của chị trong 16 tác phẩm này rất rõ. Linh Hồ cũng là một tác phẩm như thế.

Cái tên Linh Hồ được rút ra từ một truyện trong tập truyện ngắn và cũng chính là chủ đề khá xuyên suốt trong toàn bộ tập truyện. Linh Hồ viết về một hồ nước ở rất gần nơi tác giả ở và cũng được hư cấu rất nhiều. Nếu độc giả đọc truyện ngắn này sẽ thấy được cái không khí bảng lảng của đời sống, những nỗi buồn vui trộn lẫn vào với nhau, giống như một hồ nước, bên ngoài vẻ mà ai cũng nhìn thấy, ẩn sâu bên dưới bao giờ cũng có những linh khí riêng, những câu chuyện riêng và những niềm vui nỗi buồn riêng.

Đúng như cái tên, toàn bộ tập truyện được bao phủ bởi một bầu không khí khá ám ảnh và ma mị. Lữ Mai kể, từ bé, ở làng, chị đã đã nghe đủ các chuyện ly kỳ của một làng quê Việt Nam. Đó là những câu chuyện ma mị nhưng lại xuất phát từ một thực tế là cuộc sống thiếu thốn đau thương trước và sau chiến tranh. “Bất cứ một sự tưởng tượng nào thường cũng vỡ ra từ trong những mất mát, khuyết thiếu của đời sống. Ngay ngọn đồi nơi gia đình tôi sinh sống, rất gần đó là vùng mà nhà thơ Hữu Loan viết bài thơ “Màu tím hoa sim” “tím chiều hoang biền biệt”, những ngọn đồi trải dài toàn một màu tím, bên cạnh là những ngôi mộ liệt sĩ mà do dân chôn cất và hương khói, bao năm rồi vẫn còn nguyên vì rất ít người tìm đến đưa về quê. Cảnh sắc đó ám ảnh lên tôi từ khi còn rất bé, và tôi tưởng tượng rất nhiều. Đôi khi sự ma mị, ám ảnh là do chính mình tưởng tượng chứ không phải do thực tế”. Bầu không khí ma mị, huyền ảo đó đã lan vào hầu hết các truyện ngắn của chị.

Một trong những chủ đề của Linh Hồ là những câu chuyện về người lính thời hậu chiến. Lữ Mai kể: “Bố tôi là thương binh và sau khi trở về từ chiến trường, vẫn chịu những dư chấn thời hậu chiến. Ông chứng kiến chiến tranh tàn phá quá nhiều, từ những cánh rừng, những ngôi nhà cho đến sinh mạng của con người. Suốt từ khi ông về cho đến bây giờ, chỉ làm hai công việc chính là trồng rất nhiều cây và liên tục xây nhà, hết nhà lớn đến nhà nhỏ, rồi chuyển sang xây cổng, xây ngõ, ao… Và ông cũng viết nhật ký tất cả những điều gì mình đã làm và đang muốn làm. Điều đó ám ảnh gia đình tôi và cuốn cả nhà vào công cuộc trồng cây, xây nhà, viết nhật ký của ông”.

Lữ Mai tự nhận, văn chương của chị có nhiều ẩn dụ. Trong tập truyện ngắn có những câu chuyện về phố thị và về nông thôn, có rất nhiều ẩn dụ mà chị muốn gửi gắm vào đó, từ những người lính trở về sau chiến tranh, từ những người phụ nữ dù ở thành thị hay nông thôn vẫn cố gắng vẹn tròn trách nhiệm đối với gia đình mà gần như không bao giờ vẹn tròn được. Kể cả những đề tà khá nhạy cảm như đồng giới hay mại dâm hay ngoại cảm, con đường cố gắng tìm kiếm một ngôi mộ liệt sĩ nào đó. Nhưng mong muốn là một chuyện mà kết quả trả lại lại là sự sai lệch, và sự sai lệch này lại tiếp nối sự thất vọng, tuyệt vọng.

Lữ Mai cho biết, không chỉ ở nông thôn, đời sống phố thị cũng có những nguyên mẫu đã trở thành nhân vật trong truyện ngắn của chị. “Có những người cứ ám ảnh mãi về việc đời sống này cứ chật hẹp, cứ bộn bề mãi như thế. Họ sợ đến một lúc nào đó không còn giữ được những giấc mơ của mình, và họ muốn tôi giúp họ ghi lại những giấc mơ của mình. Khi đó tôi đã quá ngạc nhiên. Có bao nhiêu điều cần ghi lại, những gì cá nhân đạt được, tình yêu của họ, hay gia đình… sao không sợ mất thực tại mà lại sợ mất giấc mơ? Đấy là một câu chuyện rất thú vị mà thực ra không hiếm hoi ngoài đời sống”.

Với Lữ Mai, chị cho rằng chỉ cần lắng lại một chút sẽ thấy được, những giấc mơ không phải cái gì đó xa vời, không nắm bắt được, mà giấc mơ nào dường như cũng bắt nguồn từ thực tại, từ những nỗi đau, niềm vui đã qua đi và có thể là những dự cảm chưa chạm tới. Đôi khi bắt đầu từ những giấc mơ cũng là cách chúng ta lý giải về hiện tại. Và Lữ Mai đã chọn những giấc mơ để đi tìm cho mình những lý giải về thực tại, thông qua những con chữ.