Kỷ niệm với nhà văn Tô Hoài và Hồ Gươm - Hà Nội

NDO -

NDĐT – Nhân kỷ niệm năm năm ngày mất của nhà văn Tô Hoài (6-7-2014 – 6-7-2019), chúng tôi xin giới thiệu bài viết của nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn về những kỷ niệm với nhà văn những năm 1970.

Kỷ niệm với nhà văn Tô Hoài và Hồ Gươm - Hà Nội

Những năm 1972 -1979, là phóng viên báo Hà Nội Mới, có ông xã công tác trên Tây Bắc cũng mới chuyển về Viện Khoa học Xã hội tại thủ đô, tôi vẫn ở nhà chồng chỉ 30m2, nhà lá mà cả bố mẹ, các em trai em gái và vợ chồng tôi, là bảy người. Bốn chiếc giường kê sát nhau, ai đến chơi cũng cảm thương là quá chật. Dạo đó Tổng biên tập báo là anh Hồng Lĩnh, đến nhà thăm, đã thông cảm và cho vợ chồng tôi được ở nhờ trên tầng thượng - gác 4 của báo. Ở đây, tôi đã viết bài thơ “Gác tư”:

Phòng tôi ở gác tư

Cầu thang bảy mươi bậc

Mở cửa sổ nhìn ra

Một vùng trời đầy ắp

Sông Hồng trôi trước mặt

Hồ Gươm nằm dưới chân

Đêm giao thừa nhìn xuống

Như xem đèn kéo quân…

(Trích đoạn)

Báo Hà Nội Mới nằm ở vị trí trung tâm thủ đô - số 44 Lê Thái Tổ bên Hồ Gươm. Có lẽ vì thế, ở đây, tôi đã được đón một số nhà văn nhà thơ nổi tiếng đến thăm. Đó là các nhà văn, nhà thơ Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài, Việt Phương, Nguyễn Khoa Điềm… và các bạn gái thân thiết Nguyễn Thị Ngọc Tú, Xuân Quỳnh, Ý Nhi, Hoàng Thị Minh Khanh…

Sắp tới, ngày giỗ nhà văn Tô Hoài – 10-6 âm lịch - bác mất năm 2014. Trước hết, tôi xin kể những kỷ niệm với nhà văn và Hồ Gươm.

Nhà bác ở ngõ Đoàn Nhữ Hài, lên Hồ Gươm nơi chúng tôi ở chỉ mất chừng 10-15 phút nên buổi tối bác thường đi bộ thủng thẳng đến báo Hà Nội Mới rồi leo bảy mươi bậc cầu thang lên phòng chúng tôi. Chồng tôi cũng công tác trên Tây Bắc nhiều năm nên hai người thường trò chuyện về Tú Lệ, Mường Giơn, Sơn La, Mèo Vạc… và các câu ca, các điệu hát cuả đồng bào dân tộc ít người cùng nhiều phong tục tập quán của họ khiến tôi chỉ biết ngồi nghe im lặng - có khi còn lấy sổ ghi chép ra ghi lại nữa!

Nhưng cũng có hôm, nhà văn nói với ông xã tôi: "Hai cô cậu và bé có muốn xuống đi bộ quanh Hồ Gươm không? Tôi có thể kể nhiều chuyện hay về nó đấy”. Tôi hào hứng nói với chồng:

- Ui, thích quá, đi đi anh.

Ông xã tôi mỉm cười:

- Em cứ xuống đi một vòng Hồ Gươm với bác, để bé ở nhà anh dỗ con ngủ cho.

Xuống đến đường, bác Tô Hoài và tôi đi sang phía bên hồ, nơi có các hàng cây nghiêng mình xuống mặt nước thì thầm điều gì không rõ, nhìn thật thanh bình và yên ả. Năm đó con gái tôi đã khoảng lên ba lên bốn, tức là đã sau ngày giải phóng Sài Gòn ít lâu. Nhà văn Tô Hoài đố:

- Cô ở ngay bên Hồ Gươm nhưng đã biết hết tên các loài cây trước cửa tòa báo của cô chưa?

Tôi lắc đầu:

- Em chỉ biết cây bàng, cây xà cừ, cây phượng, với lại em cứ nghe mọi người gọi Hồ Gươm là hồ Liễu, mà chỉ thấy mỗi một cây phía đền Ngọc Sơn thôi.

Nhà văn đưa tôi đến dưới tán một cây ngay trước cửa tòa soạn báo,gốc cây nằm ngay bên hồ, tán lá nghiêng mình xòa xuống nước, cười mỉm:

- Cô đã để ý hoa của nó bao giờ chưa? Hoa màu hồng nhạt, cánh mỏng và tươi. Đây là cây Ô Môi!

Tôi thích thú vít một cành lá để tìm hoa, thú thật:

- Em cũng bận túi bụi, báo hàng ngày, viết bài, làm tin, rồi chợ búa cơm nước, đưa con đi gửi,rồi về thăm mẹ em và mẹ chồng. Ôi, em cũng chỉ tìm cây liễu mà thấy mỗi một cây thôi...

Hôm ấy, lần đầu tiên tôi biết cây Ô Môi. Và ngay hôm sau, tôi đã chỉ cho ông xã và con gái thấy cây Lộc Vừng độc đáo mà chúng tôi đã không hề ý đến màu lá xanh tươi cũng như tháng nào là tháng Lộc Vừng nở hoa ...

Dạo đó, tôi đã tham gia Ban Chấp hành Hội Văn nghệ Hà Nội, trụ sở ở phố Hàng Dầu, bên kia Hồ Gươm. Đôi lần họp xong, vì cùng đi bộ, nhà văn rủ tôi ăn bát phở Thìn ở ngay gần trụ sở Hội rồi lững thững đi qua đền Ngọc Sơn, qua cây Lộc Vừng lúc đó mới có bảy gốc - nay đã là chín gốc - và nhặt dưới gốc một cây to gần đó một quả khô, tròn và nâu nâu đưa cho tôi và nói:

-Chắc cô lại không biết đây là quả gì phải không? Quả có cái tên rất gợi, quả Mõ cô ạ.

Tôi nâng niu quả nhỏ không thơm nhưng vô cùng thích thú. Và ngẩng nhìn lên tán cây cao lúc lỉu những quả Mõ tròn trĩnh, đu đưa vô cùng ngộ nghĩnh đáng yêu. Và bỗng môt quả rơi xuống chân tôi như một lời thăm hỏi ân cần...

Khi hai anh em ngồi uống nước bên hồ, nhà văn Tô Hoài chỉ tay xuống bên cầu vào đền Ngọc Sơn:

- Cô có biết không, hồi tôi còn nhỏ, tức là những năm 20 đầu thế kỷ, chỗ này và vài chỗ nữa quanh hồ còn có cầu ao để người đi đường và bà con hàng phố xuống rửa tay chân, có khi giặt quần áo nữa cơ. Y như cái ao làng, giản dị mà nước xanh trong chứ không phải là “như nước rau muống luộc” như cô viết đâu nhé!

Có hôm, họp ở Hàng Dầu xong, bác rủ tôi đi bộ ra hiệu kem Tràng Tiền và tâm sự: “Hồi tôi còn nhỏ, đi học ở trường tiểu học phố Phó Đức Chính , gần Yên Phụ nhà cô ấy, cứ học xong là rủ nhau nhảy tàu điện xuống Bờ Hồ ăn kem, mà kem Tràng Tiền mới đúng là kem của tuổi thơ Hà Nội, vừa rẻ vừa ngon cô ạ. Giờ mà ra Bốn Mùa cạnh tòa báo của cô, ngồi ghế đệm, ngắm Hồ Gươm rồi chờ nhân viên phục vụ mang kem sô cô la , kem cốc ra, trịnh trọng đặt xuống bàn và mình ngồi quạt điện nhâm nhi từng thìa nhỏ, tôi cứ thấy nó cảnh vẻ, xa lạ sao đó. Hôm nay cô thử ăn kem Tràng Tiền xem sao”.

Tôi cười:

- Bọn em của em, chúng nó cũng hay rủ bạn bè xuống tòa báo gặp chị đòi sang Tràng Tiền ăn kem mà anh. Em có cô em út rất nhanh nhẹn, toàn chen hàng vào mua ra cả năm cái theo “tiêu chuẩn' sao đó, mấy chị em vừa ăn vừa cười vui lắm ạ. Anh đứng đợi, để em xếp hàng nha.

Và tôi xếp hàng - kem Tràng Tiền đến hôm nay vẫn xếp hàng và đứng ăn như ngày xưa - và các bạn ở xa về cũng thường bắt tôi đưa ra Tràng Tiền ăn. .. kiểu trẻ con như vậy. Hai chúng tôi đứng vào một góc mát trước cửa hiệu kem, mỗi người ăn hai chiếc kem que đậu xanh dừa và kem cốm, ngon ơi là ngon. Sau đó, hai anh em lại lững thững đi bộ sang Hồ Gươm, nhà văn Tô Hoài nhẩn nha chuyện trò:

- Cô có thấy Hà Nội bây giờ luộm thuộm lộn xộn, không có một quy hoạch chỉn chu nào cho 50 năm - 100 năm - 200 năm sau cả! Tôi rất phục cụ Chủ tịch thành phố Trần Duy Hưng xưa, cụ đã ra lệnh là quanh Hồ Gươm khoảng 2-3km không được xây nhà cao hơn nóc Bưu điện thành phố. Vậy mà giờ ngay phố Lý Thường Kiệt đã có khách sạn cao tầng. Cuối đường Lê Thái Tổ của cô, khách sạn Phú Gia giờ cũng cao hơn trước, rồi UBND TP cũng có cái nóc cao... như cái cần cẩu ấy! Buồn cô ạ...

Đó là bác chưa sống đến năm mà thành phố ra lệnh chặt hàng nghìn cây xanh, thay cây mới. Và năm sau vì nắng nóng, có cụ bà đi xe máy đã ngã ra đường không cứu được, qua đời ngay! Và mùa hè năm nay, Hà Nội cũng có hôm nóng hơn 40 độ, nghe nói ở sân bay Nội Bài có hôm lên tới 49-50 độ C. Và các nhà cao tầng mọc lên vô tội vạ, lộn xộn, kiểu dáng chả ai giống ai, cái thì nóc tròn như ở Nga, cái thì mái đá đen như Pháp, cái thì nhọn hoắt như nhà thờ...

Sau này, khi Hồ Gươm đã trồng thêm nhiều cây liễu, và ông xã tôi đã mất, nhà văn Tô Hoài chỉ những cành liễu rủ xuống mặt nước, thương cảm:

- Người buồn và cô đơn nhìn liễu sẽ thấy như cành lá đều rũ xuống vì đau thương. Nhưng liễu cũng mang vẻ đẹp rất phụ nữ, rất dịu dàng phải không cô?.

Với những cây phượng bên Hồ Gươm, nhà văn nhận xét: “Đây là cây của mùa hè, cây của tuổi học trò, rực rỡ, tươi vui và hớn hở như không biết buồn là gì. Tôi không biết cô thích loài cây nào bên Hồ Gươm nhất, vì cô ở bên hồ cũng năm, sáu năm rồi. Nhưng tôi thì yêu nhất cây Lộc Vừng. Để hôm nào mùa hoa, tôi sẽ đưa cô đến dưới gốc cây xem cô nói gì về nó nhé”.

Hôm ấy là cuối hè, đầu thu. Cây Lộc Vừng cổ thụ buông những chùm hoa mơ màng xuống mặt hồ khiến làn nước đục ngầu như trong hơn, run rẩy lao xao. Mặt nước Hồ Gươm ửng lên màu hồng dịu êm của những cánh hoa khiến tôi rùng mình xúc động. Hôm ấy tôi không nói gì. Và nhà văn cũng không hỏi tôi nghĩ thế nào. Nhưng hôm sau, sang Hội Văn nghệ Hà Nội, tôi đưa bác bài thơ “Cây lộc vừng bên Hồ Gươm”

Cây Lộc vừng hoa đỏ

Viết một bài thơ tình

Thả xuống vùng nước đục

Khiến mặt hồ rung rinh

Và không gian lặng yên

Mặt Hồ Gươm hồng lại

Sóng dường như trong hơn

Soi vòm hoa từng trải

Cây Lộc Vừng bao tuổi

Mà màu hoa trẻ trung

Cánh dịu dàng rơi xuống

Phủ mặt hồ ung dung

Cây Lộc vừng bình tĩnh

Cây Lộc vừng thản nhiên

Chỉ Hồ Gươm hồi hộp

Sóng dịu dàng run lên

Ôi- Chiếc hôn dịu ngọt

Của vĩnh hằng thiên nhiên...

Nhà văn Tô Hoài đi xa đã 5 năm. Nhưng những kỷ niệm về Ông trong tôi sẽ còn mãi mãi. Một người sống ở Hà Nội trọn đời, một nhà văn giản dị, khôn ngoan, đầy bản lĩnh và hóm hỉnh như chúng ta đã biết.