Đỗ Doãn Hoàng và những cung bậc của nghiệp viết

NDO -

NDĐT – Nói về nghiệp viết, có lẽ ít ai đa dạng về thể loại, phong phú về đề tài, nội dung trải cả về chiều rộng và chiều sâu, cả sự cao sang lẫn nghèo khổ, cả ánh sáng lẫn bóng tối trong đời sống như nhà báo Đỗ Doãn Hoàng…

Đỗ Doãn Hoàng và những cung bậc của nghiệp viết

1. Tôi quen biết Đỗ Doãn Hoàng vào năm 2008, khi đó cuốn truyện dài “Búi Thông thơ dại” đã xuất bản lần đầu được hai năm. Tôi cũng chưa từng biết về mức độ bán chạy của cuốn sách đó thế nào, chỉ biết lúc đó Hoàng tặng tôi hầu như những cuốn sách anh đã in trước đó, trừ cuốn “Búi Thông thơ dại”, bởi ngay cả tác giả cũng không còn quyển nào.

Hồi đó, Hoàng đã nói về dự định tái bản cuốn sách này, nhưng chờ mãi không thấy nên tôi đành phải vào blog của Hoàng để đọc. “Búi Thông thơ dại” đã cuốn hút tôi bởi câu chuyện sống động và chân thực về tuổi thơ của anh, trên cái xóm núi nghèo mang tên Búi Thông (Ba Trại, Ba Vì, Hà Nội), với mẹ, bà ngoại, hai em. Đỗ Doãn Hoàng tâm sự, đến 90% những gì kể trong quyển sách đó là chuyện có thật, anh chỉ thêm chút “màu” để viết nên tác phẩm truyện dài duy nhất trong 25 năm cầm bút của mình.

Tuổi thơ của anh quá ấn tượng với ba lần chết hụt, với những trò nghịch ngợm quái quỷ của một cậu bé mười tuổi, với tình yêu thương vô bờ bến của một người vốn đa cảm, giàu lòng nhân ái với quê ngoại, với những người thân, đặc biệt là bà ngoại, trong bối cảnh cam khó của một vùng đất, hòa chung với cái khổ thời bao cấp của cả đất nước.

“Búi Thông thơ dại” được kể với chất văn khó lẫn của Hoàng, diễn biến nhanh và hấp dẫn như kiểu phóng sự, lại pha chút tự sự trào dâng từ những cảm xúc có thật. Hoàng đã mào đầu quyển sách đáng đọc ấy bằng đoạn văn hấp dẫn thế này:

“Mẹ tôi vẫn thường ứa nước mắt mỗi lần kể về thời tuổi trẻ quá ư lầm lũi của mẹ, rồi mẹ tỏ ý ái ngại, tủi thân nhìn tôi như… xin lỗi. Cả nhà bốn anh em, chỉ có tôi sinh ra, lớn lên và cam khó với vùng rừng ấy. Bố và mẹ hình như tìm mọi cách để bù đắp cho tuổi thơ còi cọc dăm ba lần chết hụt ở rừng rú của tôi. Lúc ấy, tôi cũng chỉ biết rơm rớm khóc. Tôi muốn nói rằng, tôi tự hào với tuổi thơ ấy, nhưng lại ngại bố mẹ không tin. Cũng lại ngại mẹ sẽ khóc bật ra thành tiếng – mẹ tôi, một công nhân dâu tằm ở cái nông trường tận khổ ấy. Thế là tôi chọn giải pháp: tiếp tục kể về những ký ức “Búi Thông thơ dại” của mình rồi cười thật to. Tôi cười mãi rồi mẹ không ngân ngấn mỗi lần nhắc đến thằng “Hoàng còm đỏ đít đỏ đuôi/ Nhà ai có sắn thì nuôi Hoàng còm” nữa. Tôi ăn sắn rất giỏi”.

Khi quyển sách ra đời, mẹ anh không đọc nổi đến hai trang đã sụt sùi khóc vì thương con. Nhưng nếu không có những tháng ngày gian khó ấy, liệu có kết tinh một Đỗ Doãn Hoàng viết bằng nhiều cung bậc của cảm xúc, cung bậc của thể loại với tất cả 27 đầu sách sau 20 năm chính thức làm báo.

Đỗ Doãn Hoàng và những cung bậc của nghiệp viết ảnh 1

2. Hoàng là người rất thích thiên nhiên, cảnh đẹp và muốn khám phá tận cùng vẻ đẹp của đất trời, cảnh vật. Anh có thói quen chụp ảnh mọi nơi, mọi lúc, bằng tất cả những thiết bị mang theo mình từ máy ảnh chuyên dụng với những loại tele kềnh càng đến máy ảnh du lịch, rồi đến cả điện thoại. Những phóng sự mang tính khám phá của anh với vẻ đẹp thiên nhiên là những áng văn tuyệt mỹ khiến người đọc phải nhâm nhi đọc đi đọc lại đến nhiều lần. Đọc để thấm cảnh sắc ở những nơi mình chẳng có dịp đặt chân đến, đọc để cảm nhận về độ yêu mê đắm của người đàn ông với những vùng đất được anh ta đặt dấu giày.Mỗi nơi Hoàng đến là một nơi được anh tả lại với chất văn đầy thảng thốt như mới yêu lần đầu vậy. Mà suốt 25 năm cầm bút, chẳng thể đếm nổi những vùng đất anh đã trải nghiệm. Và không chỉ viết về cảnh đẹp, anh còn khám phá cả đời sống văn hóa của vùng đất mình đến bằng một góc nhìn riêng, đặc tả không thể lẫn với bất cứ cây viết nào.

Đỗ Doãn Hoàng đã khởi nguồn từ xóm Búi Thông, đi dọc dài cả mọi vùng đất nước và đặt chân đến khắp năm châu bốn biển. Nếu theo dõi cả nghiệp viết của anh mới thấy dạng phóng sự trải nghiệm này chiếm khá nhiều: “Cánh chim rừng không mỏi”, “Lạc lối dưới chân Bù Chồng Cha”, “Dưới gầm trời lưu lạc” và gần nhất là cuốn “Ở lại với ngàn sao”. Nếu như hai cuốn đầu là những ký sự, phóng sự về mọi miền đất nước thì hai cuốn sau là thể loại Du ký kể về những chuyến phiêu lưu đến nhiều vùng đất tận chân trời góc bể.

Hoàng thích ngủ trong túi ngủ giữa thiên nhiên hoang dã. Trong sân vườn nhà anh ở làng cổ Đường Lâm mọc lên một ngôi nhà trên cây cũng là để thỏa mãn sở thích gần thiên nhiên đến tận cùng của anh.Tên cuốn sách “Ở lại với ngàn sao” dường như đã lột tả được tất cả sự đắm đuối, hòa mình với thiên nhiên của nhà báo Đỗ Doãn Hoàng. Cuốn sách là tập hợp những chuyến đi từ châu Á, sang châu Phi rồi châu Âu của anh.

Tuy nhiên, phóng sự của Hoàng không dừng lại ở những chuyến đi chơi ngắm cảnh, thăm thú đó đây, anh viết nhiều về những số phận con người từ khốn khổ cho đến cao sang, từ trí thức cho đến những người không biết chữ, từ những anh hùng cho đến những kẻ bên kia chiến tuyến, từ người lành lặn cho đến những cảnh ngộ tàn phế... Những nhân vật trong tác phẩm của anh nhiều vô kể, nhưng dường như trong quãng thời gian cầm bút của mình, anh chưa từng quên đi một phận người nào.Mỗi lần có dịp quay lại một vùng đất nào đó, anh lại nhắc nhớ những người đã một lần làm nhân vật trong bài viết của mình. Có khi anh bỏ dở hành trình để ghé thăm họ, và bỏ vào phong bì một ít tiền trích từ lộ phí để đỡ đần cho những hoàn cảnh khó khăn.

3. Lúc tôi mới quen Đỗ Doãn Hoàng, anh bắt đầu bước sang viết điều tra sau khi đã thành danh với thể loại phóng sự. Hồi đó người ta chỉ biết đến cây bút phóng sự hiện đại Đỗ Doãn Hoàng mà ít biết đến những bài điều tra vốn chỉ ký bút danh của anh. Hoàng có nhiều bút danh, đôi khi lạ huơ lạ hoắc. Bởi dấn thân vào làm điều tra là nguy hiểm đến tính mạng, đôi khi đánh đổi cả sinh mạng người thân nếu thiếu cẩn trọng. Nhưng chỉ cần ai đọc kỹ là có thể nhận ngay ra anh trong những bài điều tra nóng hổi đó.

Rồi đôi khi mải điều tra theo đuổi những vụ việc, cần nhanh hơn là cần hay, cần thời sự hơn là sự trau chuốt, có thời gian anh đã bị bạn đọc kêu là đánh mất bản sắc của mình. Có lần, anh nhờ tôi tìm lại những bài cũ, đúng chất văn của anh nhất để đọc lại. Anh nói là chính anh phải tìm lại đúng là chính mình. Đỗ Doãn Hoàng là thế đấy!

Hoàng cũng rất hay học hỏi đồng nghiệp, nhưng cách học hỏi của anh lại rất riêng. Đó không phải là sự nhào nặn ý tứ hay rập khuôn một ý tưởng của ai đã viết trước. Đơn giản là anh đọc để cảm nhận cái hay trong văn người khác. Và một ngày nào đó, người đồng nghiệp kia sẽ không khỏi ngạc nhiên khi thấy Hoàng dùng lại một từ đắt nào của họ trong một ngữ cảnh khác, mỹ miều hơn, ấn tượng hơn rất nhiều. Có lẽ Hoàng chuyên đi “nhặt” cái đẹp, “nhặt” câu từ đẹp để có nhiều đoạn văn hay đến run rẩy, “nhặt” những số phận để khắc họa những chân dung không thể sắc nét hơn trong các phóng sự, “nhặt” cả những cảnh đẹp để rồi bằng mọi giá phải đặt chân, phải trải nghiệm. Và cũng không ngạc nhiên khi nhiều cô gái lọt ánh mắt hay ống kính của anh. Đơn giản vì anh đi tìm cái đẹp.

Trở lại cung bậc cuối cùng là thể loại điều tra của anh. Đó là thể loại khiến anh hao tâm tổn trí nhiều nhất. Có những vụ điều tra kéo dài cả năm trời, câu chuyện vẫn còn những góc khuất. Và với chính thể loại này anh mới giúp được nhiều người, làm được nhiều những việc có ích cho đời, góp phần giúp xã hội tốt đẹp hơn. Anh tâm đắc nhất là các bài được Chính phủ, Quốc hội, các bộ trưởng, các nhà làm luật vào cuộc xử lý vấn đề triệt để. Đó là thành quả chỉ có thể mang đến bằng thể loại phóng sự điều tra dày công. “Trong tận cùng hang ổ” chính là cuốn sách “tích cóp” những bài viết được trả bằng máu và nước mắt của anh để mang đến những tác động xã hội rộng lớn. Từ lạm dụng tình dục trẻ em, thực phẩm bẩn, rượu giả, phá rừng, tàn sát rùa biển, đến minh oan cho cựu binh chịu nhiều oan khuất Nguyễn Xước Hiện để sau đó ông được phong anh hùng, đòi lại biên chế cho 80 giáo viên ở Yên Bái… là những đề tài được tập hợp “Trong tận cùng hang ổ”. Đó cũng chỉ là một tập hợp rất ít ỏi những bài điều tra trong suốt nhiều năm viết phóng sự điều tra vốn hàng trăm bài của anh.

Từ những bài phóng sự đầu tiên, cho đến nay dễ hai mươi năm có lẻ đối với Đỗ Doãn Hoàng. Thời gian không phải là thước đo cho một cây bút. Có những người cầm bút hết đời mình nhưng vẫn không có nổi danh phận. Nhưng sự giàu có trong nhiều cung bậc viết, mỗi cung bậc lại để những dấu ấn khó phai như Đỗ Doãn Hoàng thật sự là rất hiếm trong làng báo Việt Nam.

Chiều 6-5, tại Hà Nội, ba cuốn sách thuộc ba thể loại: “Ở lại với ngàn sao” (Du ký), “Trong tận cùng hang ổ” (Phóng sự điều tra), và “Búi Thông thơ dại” (Truyện dài)của cây phóng sự kiêm phóng sự điều tra của báo Lao Động Đỗ Doãn Hoàng ra mắt cùng lúc. Sự kiện này đánh dấu cho 25 năm cầm bút và sau 20 năm chính thức làm báo của anh.