Vết thương

Trung tuần tháng 7-1972, trong trận phục kích đánh vào tiểu đoàn Bảo an của địch đến cứu viện cho đồn Tô Ma đang bị Tiểu đoàn 309 của ta bao vây, tôi bị thương khá nặng. Hôm đó, tôi vừa cầm khẩu AK bật dậy, thì một quả M79 của địch nổ phía trước tôi chừng chục mét.

Vết thương

Tôi thấy đau nhói và chân bên trái tê dại. Một mảnh đạn đã găm vào háng tôi. Tôi được đưa về bộ phận quân y của tiểu đoàn sơ cứu. Do đơn vị phải cơ động chiến đấu nên một ngày sau đó tôi được gửi vào trạm y tế của địa phương thuộc xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ (nay thuộc tỉnh Hậu Giang). Nói là trạm y tế nhưng nó chỉ là một cái chòi được lợp bằng lá dừa nước, ẩn mình trong đám dừa nước ven sông Nước Ðục, cách Vàm Kinh Hãng chừng một cây số về phía nam. Trạm có hai người, do chị Bảy - y tá phụ trách và một hộ lý tên là Ba Ngọc. Trong trạm có một vài dụng cụ y tế rất đơn giản như: bơm tiêm, panh, kéo, bông băng, vài lọ cồn và một túi thuốc... Trạm còn có hai bộ vạt, một lu nước, vài cái xoong, hũ gạo và một cái bếp dầu.

Chị Bảy vừa phụ trách trạm vừa làm cán bộ phụ nữ ấp nên chỉ khi có thương binh chị mới có mặt, công việc hằng ngày do Ba Ngọc lo toan.

Phần bị mệt và nhớ đơn vị, phần vì rất ngại mỗi lần Ba Ngọc thay băng và rửa vết thương nên tôi không muốn nằm ở đây. Tôi tự than thân trách phận "sao số mình đen thế, không bị thương chỗ nào lại bị ngay vào háng". Mỗi lần rửa vết thương và thay băng, chiếc quần xà lỏn tôi đang mặc vốn đã quá ngắn, vẫn phải vén lên hết cỡ. Mỗi lần như thế, tôi nhắm nghiền mắt lại và giục Ngọc làm nhanh cho. Có lần Ba Ngọc nghiêm giọng nói với tôi: "Anh mắc cỡ cái nỗi gì. Nếu anh không để em bình tĩnh làm, nhỡ bị nhiễm trùng là phải tháo khớp đó nghe". Nói vậy, nhưng khi mở mắt ra thấy Ngọc quay mặt đi cười ranh mãnh, tôi liền gắt "Cô cười cái gì?".

Hằng ngày, khi mặt trời sắp lặn, thấy tình hình trong vùng không có địch, Ngọc dìu tôi lên chiếc xuồng ba lá, đưa về chiếc chòi ở giữa đồng ngay trên bờ kênh Hãng để tránh phi pháo địch bắn ban đêm. Dìu tôi lên chòi, Ngọc đi lo cơm nước cho hai anh em. Mối quan hệ giữa tôi và Ngọc dần được cải thiện. Chúng tôi nói chuyện với nhau nhiều hơn. Ngọc kể: Quê em ở Rạch Lùm, huyện Mười Tế (Cà Mau). Má sinh được hai anh em. Anh Hai theo ba tập kết ra bắc. Má em bị bom địch sát hại năm 1969 trong một trận càn. Em được chú Bảy Quân - chính trị viên đại đội đóng quân tại Rạch Lùm khi đó đưa theo đơn vị và gửi em về đây. Nghe Ngọc kể tôi thấy ân hận về thái độ đối xử với cô trước đó. Công bằng mà nói, Ngọc khá xinh. Ðôi mắt đen láy của cô như biết cười. Chiếc răng khểnh càng khiến cô có duyên hơn mỗi khi nói chuyện.

Ðêm đêm, tôi kể cho Ngọc nghe về quê hương miền bắc và tuổi học trò của mình cũng như những ngày tháng gian khổ vượt Trường Sơn vào nam chiến đấu. Ngọc chăm chú lắng nghe, thi thoảng thốt lên: "đẹp quá heng anh" hoặc "thật tội nghiệp anh à".

Sáu ngày, kể từ lúc về đến trạm y tế, tôi có thể chủ động đi lại được, nhưng vẫn còn đau nhức. Một buổi tối, tôi bị lên cơn sốt. Toàn thân tôi run bắn lên. Ngọc thật sự lo lắng. Cô tháo băng, lấy đèn pin kiểm tra vết thương của tôi, thảng thốt: "Trời đất, mảnh đạn đang trồi ra đây nè!". Nói rồi Ngọc rửa panh và mấy chiếc lưỡi dao lam để xử lý vết thương cho tôi. Ngọc lấy lưỡi dao lam rạch một đoạn ngắn rồi dùng panh cặp vào mảnh đạn từ từ lôi ra. "Sắp xong rồi, anh giỏi lắm, cố chịu chút xíu nữa nghe". Ngọc luôn miệng động viên tôi như thế. Vì không có thuốc tê nên tôi thấy đau nhức lên tận óc, nhưng nghiến răng chịu đựng. Ngọc rửa vết thương, sát trùng rồi cẩn thận băng lại cho tôi.

Tôi thấy dễ chịu và ngủ thiếp đi sau đó vài giờ. Sáng hôm sau, tuy vẫn còn hâm hấp sốt, nhưng tôi đỡ đau và dễ chịu hơn nhiều. Tối đến, sau khi ăn xong bát cháo, tôi giăng võng, leo lên nằm và ngủ thiếp đi. Tiếng nổ đầu nòng của pháo địch từ chi khu Vị Thanh bắn ra làm tôi giật mình tỉnh giấc. Tôi mở mắt thì thấy mái tóc của Ngọc đang phủ kín mặt tôi. Mùi thơm ngầy ngậy từ mái tóc Ngọc tỏa ra. Ngọc gục đầu và áp má vào ngực tôi... Hơi thở của em gấp gáp, đứt quãng. Tôi chợt nghĩ, do nhiều đêm thiếu ngủ để chăm lo vết thương cho tôi nên Ngọc quá mệt, thiếp đi. Tôi khẽ lay vai em rồi bảo: "Này, em về sạp ngủ đi cho đỡ mệt, nếu không ngày mai giặc càn vùng này mà bị ốm là gay đấy!". Ngọc nói tỉnh bơ: "Em có ngủ đâu...!". Rồi Ngọc nắm chặt tay tôi đưa lên ngực em. Tay còn lại ôm ghì lấy tôi. Ngọc nói trong hơi thở gấp "Anh...". Tôi vội rút tay lại rồi ngồi dậy. "Thôi em ngủ đi, đêm nay pháo địch bắn nhiều thế này thì mai nó sẽ đổ quân càn vùng này đấy". Ngọc đứng dậy thút thít khóc. Một quả pháo bay ràn rạt qua đầu chúng tôi rồi nổ chát chúa ngoài vàm kênh Hãng khiến đàn chim ăn đêm đồng loạt kêu râm ran cả cánh đồng.

Sang ngày thứ chín, vết thương của tôi đã ổn định, tôi xin chị Bảy và Ngọc trở về đơn vị. Ðó là những ngày cuối tháng 7-1972. Chiều hôm đó, Ngọc đưa tôi xuống mé sông, nơi có chiếc xuồng giao liên đang chờ sẵn ở đó. Trước khi đi Ngọc giúi vào bồng của tôi một lọ dầu gió, một chiếc khăn rằn... Dọc đường Ngọc không nói gì, lúc sắp đến bến, em nắm tay tôi rồi bảo: "Anh đi mạnh giỏi, đừng quên trạm y tế này nghen... Hòa bình nhớ về Rạch Lùm tìm em nhé. Em trông anh nhiều đó nghe!". Rồi Ngọc bật khóc. Cô nói trong tiếng nấc nghẹn ngào: "Anh ác lắm. Người đâu mà trơ như gỗ đá?". Nói xong, Ngọc chạy ngược lại, bỏ tôi một mình trên bến sông đang dào dạt sóng buổi hoàng hôn.

Miền nam hoàn toàn giải phóng, tôi trở ra bắc nên không có dịp về thăm Ngọc và bà con vùng kháng chiến cũ. Tôi thi vào đại học báo chí. Ra trường, tôi xin về công tác ở một tờ báo ngành. Năm 1982, trong một đợt vào Cần Thơ công tác, tình cờ tôi gặp chị Bảy. Khi ấy chị đang công tác ở Hội Phụ nữ tỉnh Cần Thơ. Chị cho hay, Ba Ngọc giờ làm ở phòng y tế của huyện Long Mỹ. Ngay hôm sau, tôi bắt xe đò về huyện Long Mỹ và đến thẳng phòng y tế. Nhận ra tôi, Ngọc từ trong phòng khám lao ra ôm chặt lấy cổ tôi: "Trời đất, anh Út vô hồi nào, mà sao biết em ở đây hay vậy?". Ngọc nói cười ríu rít. Trong đôi mắt của cô gái gần ba mươi tuổi ánh lên niềm hạnh phúc và tự hào. Ngọc kéo tôi về phòng, vừa pha nước vừa hỏi đủ thứ về tôi. Ngọc cho biết, anh Hai của Ngọc đã về đến quê, anh em đã gặp nhau sau bao năm xa cách, hiện giờ anh Hai là cán bộ tham mưu Sư đoàn 4, đóng quân mãi tận Chi Lăng (An Giang). Ngọc nói tiếp, sau giải phóng, em được các bác, các chú ở tỉnh cho lên thành phố học trường y, giờ về làm ở đây. "Thế còn ba?" - Tôi hỏi. Giọng Ngọc trầm hẳn xuống: "Ba em đã hy sinh ở vùng Bảy Núi (An Giang) năm 1974 khi đang trên đường về miền Tây Nam Bộ". Ngừng một lát tôi hỏi Ngọc: "Thế cuộc sống của em thế nào? Ông xã làm gì?". Tôi cứ vô tư hỏi mà không để ý đến thái độ của Ngọc. Yên lặng hồi lâu, Ngọc nghẹn ngào nói với tôi: "Anh đi được khoảng một năm thì giặc càn vào ấp. Ðợt ấy em bị thương vào bụng rất nặng". Ngọc nấc lên, đứng dậy tiến lại ôm chầm lấy tôi: "Em không còn khả năng làm mẹ nữa".

Tôi không tin vào tai mình: "Em nói sao?"

Ngọc không nói gì, em gục đầu vào ngực tôi, khóc không thành tiếng. Tim tôi như bị ai bóp mạnh. Cảnh vật chung quanh tôi bỗng chốc như bị nhòe đi. Tôi nắm bàn tay Ngọc để an ủi em. Bàn tay mềm mại và ấm áp. Chính bàn tay này đã nắm tay tôi đưa lên ngực em dưới tiếng rít của đạn pháo và tiếng kêu râm ran của bầy chim ăn đêm...

Tôi như người mắc nợ Ngọc, một món nợ mà cả cuộc đời tôi sẽ không bao giờ trả được cho em. Giá như...

Sau này, tôi được biết, khi ra trường về phòng y tế huyện công tác, Ngọc đã kết hôn với một sĩ quan quân đội thuộc Trung đoàn 10, Sư đoàn 4, Quân khu 9. Và năm 1984, anh ấy đã hy sinh trên đất bạn Campuchia. Hai năm sau - 1986, Ngọc cũng đổ bệnh và qua đời trong sự tiếc thương của đồng chí, đồng đội, bạn bè và bà con quê hương.

Bao năm tháng đã qua, nhưng quãng đời chiến trận trên mảnh đất cực nam Tổ quốc ấy, khốc liệt, đạn bom, hiểm nguy mà cũng thấm đẫm ân tình, yêu thương ấy vẫn luôn nhắc nhớ, khắc khoải trong tâm trí tôi. Có những đau thương, mất mát đã ghi vào sử sách. Nhưng còn rất nhiều những nỗi đau thầm lặng, những dâng hiến không lời của rất nhiều những người con trung nghĩa của vùng đất Nam Bộ ấy, để Tổ quốc có ngày hôm nay, như Ngọc yêu quý của tôi.