Gỡ nút thắt quy hoạch, xử lý rác thải ở Hà Nội

Kỳ 2: Rà soát năng lực, đẩy nhanh tiến độ thực hiện

(Tiếp theo và hết)

Trong Quy hoạch quản lý chất thải rắn vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đến năm 2030 được Chính phủ phê duyệt từ tháng 10-2016, đã tính đến sự phối hợp vùng trong xử lý rác thải một số tỉnh chung quanh Thủ đô. Vấn đề quan trọng nhất là sự đồng thuận của nhân dân, nỗ lực của các cơ quan chức năng, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện dự án.

Công suất các khu xử lý rác hiện nay chưa đáp ứng để thu gom và xử lý triệt để rác thải trên địa bàn thành phố.
Công suất các khu xử lý rác hiện nay chưa đáp ứng để thu gom và xử lý triệt để rác thải trên địa bàn thành phố.

Sự đồng thuận - nút thắt lớn với các dự án

Thực tế, từ nhiều năm qua, việc đi tìm sự đồng thuận của người dân trong triển khai các dự án xây dựng khu xử lý rác thải chưa bao giờ là việc dễ dàng. Bởi như lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội chia sẻ, người dân ở bất cứ khu vực nào cũng đều không hào hứng với các dự án liên quan đến xử lý rác thải, do lo ngại vấn đề ô nhiễm môi trường. Cách đây chục năm, một doanh nghiệp đã về huyện Thường Tín để khảo sát, lấy ý kiến để triển khai đầu tư xây dựng khu xử lý rác thải. Do người dân phản đối, doanh nghiệp này đành… rút lui. Ở huyện Chương Mỹ có hai dự án, trong đó Dự án Nhà máy xử lý rác thải Núi Thoong (xã Tân Tiến) cũng chưa nhận được sự đồng tình của đa số người dân. Khi triển khai dự án từ năm 2015 đã có không ít công dân làm đơn khiếu nại, phản ánh về việc thu hồi đất của một số hộ gia đình; đơn thư về việc khi sự cố xảy ra thì toàn bộ nước rò rỉ, nước thải sẽ chảy vào khu dân cư...

Dự án Nhà máy xử lý rác thải Lại Thượng (huyện Thạch Thất) cũng gặp tình trạng tương tự. Mặc dù dự án được phê duyệt từ năm 2011, song do lựa chọn vị trí chưa phù hợp, từ bốn năm qua người dân khiếu kiện, không đồng thuận nên vẫn chưa triển khai xây dựng được. Ðơn vị làm chủ đầu tư là Hợp tác xã (HTX) Thành Công đến nay chưa thể giải phóng mặt bằng, và công nghệ ở thời điểm được chấp thuận đầu tư cũng không còn phù hợp thời điểm hiện tại, đang được yêu cầu phải thay đổi công nghệ khi đầu tư xây dựng.

Việc người dân ở Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (Sóc Sơn) từng nhiều lần chặn xe chở rác là bài học nhãn tiền. Lần gần đây nhất là tháng 12-2019, lãnh đạo TP Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tiến hành di dân ra ngoài vùng ảnh hưởng Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (bán kính 500 m tính từ hàng rào), đồng thời nhanh chóng chi trả tiền đền bù đất nông nghiệp, đất thổ cư cho người dân di dời theo quy định của pháp luật.

Ðể nhận được sự đồng thuận của người dân, theo GS Phạm Ngọc Ðăng, nguyên Hiệu trưởng Trường ÐH Xây dựng Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, ngoài việc bố trí khu vực xử lý, dự án nhà máy ở địa điểm hợp lý, thì phải tìm kiếm công nghệ xử lý phù hợp.

Hiện nay, ở khu vực II, phía nam Hà Nội chưa có khu xử lý hay nhà máy nào hoạt động. Thành phố kỳ vọng vào Dự án Nhà máy điện rác Châu Can (thuộc xã Châu Can, huyện Phú Xuyên), nhưng hiện mới triển khai lập quy hoạch chi tiết 1/500, chưa đến bước đền bù giải phóng mặt bằng. Ông Dư Anh Hào, Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Phú Xuyên cho biết: "Lúc đầu một số hộ dân chưa đồng thuận. UBND huyện Phú Xuyên, UBND xã Châu Can đã thường xuyên tuyên truyền cho người dân được biết về chủ trương và những mặt tích cực của dự án. Ðồng thời tổ chức đưa đại diện người dân đi tham quan Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ để được trực tiếp nhìn thấy và đánh giá về một dự án đốt rác phát điện rất thân thiện môi trường. Từ đó người dân ủng hộ, đồng thuận cao".

Kiểm soát tốt năng lực nhà thầu

Còn có một nguyên nhân không kém phần quan trọng khiến cho tiến độ triển khai các dự án xử lý rác thải rất ì ạch, chính là năng lực của các nhà thầu. Một trong số đó là dự án Khu xử lý rác thải đặt tại xã Tả Thanh Oai (huyện Thanh Trì) đã lập dự án từ năm 2002 nhưng đến nay vẫn chưa lập được quy hoạch chi tiết và giải phóng mặt bằng, song phải dừng lại vì không phù hợp quy hoạch vùng. Hay Dự án Nhà máy xử lý rác thải Lại Thượng, do HTX Thành Công làm chủ đầu tư. Quá sốt ruột vì dự án chậm, UBND huyện Thạch Thất đề nghị UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo các sở, ngành rà soát quy hoạch của dự án, xem xét báo cáo Chính phủ đưa dự án ra khỏi danh mục đầu tư vì chủ đầu tư kéo dài thời gian thực hiện. Trường hợp tiếp tục đầu tư Dự án Nhà máy xử lý rác thải Lại Thượng, yêu cầu HTX Thành Công sớm trình và phê duyệt công nghệ, hoàn thiện các thủ tục pháp lý thực hiện dự án. Nếu HTX Thành Công không đủ năng lực đề nghị thu hồi dự án, giao đơn vị có đủ năng lực thực hiện.

Không chỉ chậm trễ trong việc triển khai, Công ty CP Ðầu tư Thành Quang, đơn vị thực hiện dự án Khu xử lý rác huyện Ðông Anh còn vi phạm nhiều quy định trong thực hiện. Tại Kết luận thanh tra số 6644/KL-KH&ÐT, ngày 29-1-2019 của Sở Kế hoạch và Ðầu tư Hà Nội đã chỉ ra nhiều sai phạm, yếu kém của Công ty CP Ðầu tư Thành Quang. Theo kế hoạch, thời gian xây dựng cơ bản thực hiện từ tháng 12-2011 đến tháng 3-2017, đưa công trình vào hoạt động là tháng 4-2017. Tuy nhiên, tính đến thời điểm thanh tra (từ ngày 17-10 đến ngày 17-11-2019), tổng giá trị các hạng mục, công trình và dây chuyền công nghệ lắp đặt ước đạt 78,3% tổng mức đầu tư. Ðánh giá về những tồn tại, hạn chế của dự án, Kết luận thanh tra nêu rõ: Nhà đầu tư còn hạn chế, lúng túng về lựa chọn công nghệ, cân đối nguồn vốn, hoàn thiện các thủ tục đầu tư, xây dựng, đất đai và môi trường. Nhà đầu tư còn để xảy ra một số thiếu sót, vi phạm quy định của Luật Ðầu tư, Luật Ðất đai, Luật Xây dựng... Ðoàn thanh tra đã xử phạt nhà đầu tư 35 triệu đồng. Sở Kế hoạch và Ðầu tư kiến nghị UBND thành phố Hà Nội phê bình và yêu cầu nhà đầu tư nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật; khẩn trương lập hồ sơ đề nghị điều chỉnh dự án về tiến độ và một số nội dung dự án; cam kết rõ tiến độ thực hiện và sớm hoàn thành để đưa dự án vào khai thác hiệu quả...

Hội đồng Nhân dân TP Hà Nội đề nghị UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo Sở Quy hoạch kiến trúc, UBND các quận, huyện, thị xã khi thực hiện việc rà soát quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch nông thôn mới, phải bảo đảm xác định vị trí, bố trí đầy đủ các điểm tập kết, trạm trung chuyển rác thải đáp ứng yêu cầu về số lượng, tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định. Ðồng thời đẩy nhanh tiến độ rà soát, cập nhật, bổ sung điều chỉnh quy hoạch chất thải rắn Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050, báo cáo Hội đồng Nhân dân TP Hà Nội, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt làm cơ sở tổ chức triển khai thực hiện.

Xác định việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng các nhà máy xử lý rác thải là nhiệm vụ cấp bách, mới đây UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tập trung triển khai quyết liệt các nhiệm vụ: Sở Xây dựng chủ trì tăng cường kiểm tra, rà soát các dự án chậm tiến độ gồm: Dự án Nhà máy xử lý rác thải Núi Thoong (huyện Chương Mỹ); Dự án Nhà máy xử lý rác thải Ðông Lỗ (huyện Ứng Hòa); Dự án Nhà máy xử lý rác thải Lại Thượng (huyện Thạch Thất); Dự án Nhà máy xử lý rác thải Hợp Thanh (huyện Mỹ Ðức)... Các cơ quan cần làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của từng chủ đầu tư ở mỗi dự án, đồng thời đề xuất biện pháp chỉ đạo cụ thể đối với từng dự án. Sở Công thương phối hợp Sở Kế hoạch và Ðầu tư, các nhà đầu tư báo cáo các thủ tục có liên quan đến quy hoạch phát triển lên lưới điện quốc gia, trình Bộ Công thương bổ sung quy hoạch lưới điện theo quy định... Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Ðồng Phước An cho biết, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo TP Hà Nội, các chủ đầu tư đang cố gắng đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các dự án. Các sở, ngành cũng quyết liệt thực hiện nhiệm vụ thành phố giao, thường xuyên tổ chức họp nhằm giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ xây dựng và đưa các dự án đi vào vận hành.

Với tốc độ phát triển như hiện nay, xử lý rác thải sẽ ngày càng trở thành một vấn đề gây ảnh hưởng lớn tới chất lượng sống cũng như sự phát triển bền vững của một đô thị đặc biệt như Thủ đô Hà Nội. Chính vì vậy, gỡ nút thắt và quyết liệt thực thi các giải pháp để sớm đưa các nhà máy xử lý rác thải có công nghệ hiện đại vào hoạt động cần được xem là ưu tiên hàng đầu đối với các cơ quan chức năng của thành phố trong thời gian tới.