Tổ quốc nơi đầu sóng: Tết nhà giàn

NDO -

NDĐT- Nhà giàn dù vất vả nhưng ai ở nhiều rồi khi trở về sẽ thấy nhớ. Có những năm được đón xuân ở nhà, quây quần bên người thân, nhưng người lính đảo cứ bần thần nhớ tiếng sóng vỗ nhà giàn, nhớ đồng đội đến trào nước mắt.

Ấm áp nhà giàn
Ấm áp nhà giàn

Những người đồng hành thân thiết

Được hai hôm hiền hòa, biển lại nổi sóng. Gió giật cấp 6 cấp 7 làm tàu lắc lư như quả lắc đồng hồ. Hầu hết mọi người hạn chế đi lại, chỉ có các thủy thủ đoàn là bình thản như không có chuyện gì xảy ra, vẫn thoăn thoắt đi lại trên boong. Chúng tôi gọi các thủ thủy trên tàu là “những người đồng hành thân thiết” vì các anh không chỉ lo công tác vận chuyển an toàn mà còn rất quan tâm chăm lo sức khỏe của đoàn chúng tôi. Các anh mắc võng ngủ để nhường giường cho chúng tôi, ai mệt bỏ bữa là đường sữa thay thế. Ấn tượng nhất là dù tàu luôn trong tình trạng chao nghiêng nhưng hôm nào chúng tôi cũng được “tiếp đãi” những bữa cơm đầy đủ thịt cá, rau xanh.

Muốn tìm hiểu chuyện bếp núc, tôi tìm xuống bếp ăn, đúng lúc bếp trưởng Võ Tá Linh và nuôi quân Phạm Văn Hãn đang “trổ tài” dao thớt. Quả là bái phục khi tận mắt chứng kiến động tác thái rau, băm thịt, nấu cơm rất chính xác trong lúc tàu hết nghiêng bên này, lại ngả bên kia. Các anh cho biết, làm bếp dưới tàu khác trên bờ ở chỗ phải giữ cơ thể đứng vững và các động tác băm, thái thuận theo chiều sóng đánh; nếu không sẽ thái vào tay ngay. Để cho dụng cụ trong bếp không bị xô đẩy, các bếp đều có vòng sắt tròn gắn định vị dưới đáy xoong, chảo. Ấy thế nhưng, có hôm sóng đánh mạnh quá nấu cơm xong rồi không chia được, anh em đành phải mỗi người một bát vào lấy.

Theo bếp trưởng Võ Tá Linh, chuyện nấu nướng đối với các anh không khó, nhưng bảo đảm bữa ăn trên tàu lúc nào cũng có món tươi mới là chuyện khó. Có những chuyến công tác trên biển đến gần một trăm ngày. “Bí quyết”” của các anh là chọn các loại củ quả như bí xanh, bí ngô, đậu lạc. Rau xanh thì “bó tay” vì chỉ để được dài nhất là một tuần.

Gần đây các anh tìm cách trồng rau xanh trên nóc tàu với cách dùng hộp xốp, đổ đất trồng rau. Tôi đã leo lên nóc tàu và để ngắm vườn rau “đặc biệt” ấy. Dù sóng đánh mạnh nhưng những thùng trồng rau được chen chắn kỹ nên đám rau đủ loại vẫn xanh tươi mơn mởn. Tôi hiểu ra vì sao chúng tôi luôn có rau xanh trong bữa ăn trên tàu là nhờ vậy.

Ngày thứ năm, Tàu 621 đi qua khu vực nhà giàn Tư Chính, nhưng cũng vì sóng gió quá lớn, không thể tiếp cận nên Ban chỉ huy tàu phải quyết định giử hàng tết bằng dây. Thế là đã quá nửa quãng đường, đi qua hai khu vực nhà giàn nhưng chúng tôi vẫn chưa lên được vì thời tiết xấu.

Cũng có thể do đó mà chúng tôi có dịp trò chuyện với những người đồng hành khá đặc biệt. Đó là các đồng chí thuộc Tiểu đoàn nhà giàn DK1 ra làm nhiệm vụ thay thế cho các đồng chí đang ở nhà giàn sẽ về nghỉ phép đón tết đất liền. Tôi nhận thấy hầu hết đây là chiến sĩ trẻ.

Thiếu úy, Chính trị viên Nguyễn Duy Khánh, lần thứ hai anh đón tết ở nhà giàn. Năm ngoái anh đón tết tại nhà giàn DK1/12. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ về nghỉ phép tại T.P Vũng Tàu đã làm quen được một cô giáo trẻ. Tình yêu vừa mới chớm nở thì anh lại chia tay người yêu nên đường nhận nhiệm mới. Anh tâm sự, ra đi cũng nhiều nhớ nhung lắm, nhưng vì nhiệm vụ nên động viên người yêu gác lại chuyện riêng tư.

Người thứ hai là Thiếu tá quân y Hoàng Văn Thảnh, đón tết ở nhà giàn không còn mới mẻ với anh vì đây đã là lần thứ 20 anh đón tết ở các đảo trên quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1. Anh tâm sự, nhà giàn dù vất vả nhưng ai ở nhiều rồi khi trở về sẽ thấy nhớ. Có những năm được đón xuân ở nhà, quây quần bên người thân, nhưng lòng anh cứ bần thần nhớ tiếng sóng vỗ nhà giàn, nhớ đồng đội đến trào nước mắt.

Trẻ nhất trong số các anh là Binh nhất Nguyễn Văn Lượm, vừa tuổi đôi mươi. Lượm mới hoàn thành khóa huấn luyện chiến sĩ mới đợt đầu năm và đây là lần đầu tiên nhận nhiệm vụ tại nhà giàn. Anh lính trẻ rụt rè tâm sự, vừa mừng vừa lo lắng. Mừng vì đã thỏa ước nguyện trở thành người chiến sĩ hải quân, niềm mơ ước từ thưở học trò khi đọc những trang sách ghi chép những chiến công anh dũng của các chiến sĩ quân đội Việt Nam. Nhưng lo, vì không biết có vượt qua được khó khăn thử thách không vì anh mới xuống tàu thôi mà đã say sóng. Thấy vậy, mấy đồng chí sĩ quan có tuổi động viên rằng đi sóng lần đầu ai cũng vậy nhưng sẽ sớm quen thôi, muốn làm lính hải quân thì phải rèn luyện.

Tết Nhà giàn

Con tàu của chúng tôi cứ thế tiến thẳng trong thời tiết lúc bão tố. Sang ngày thứ mười, thì tàu đến bãi cạn Cà Mau. Đó là một ngày nắng đẹp, biển trong vắt, mây trắng bao la. Chỉ một thoáng, chúng tôi đã nhìn thấy và tiếp cận được với nhà giàn DK1/10. Thuyền trưởng thông báo sóng cấp 3, cấp 4, chúng tôi có thể lên nhà giàn bằng ca-nô. Cả đoàn phấn chấn, náo nức chuẩn bị tinh thần rời tàu.

Thế nhưng sóng dù không lớn, nhưng để bảo đảm an toàn cũng không hề dễ dàng. Các đồng chí hải quân Tàu 621 phải rất cẩn thận, tính toán hướng gió, luồng nước, rồi chia làm nhiều nhóm nhỏ để đưa đón chúng tôi. Khó nhất là lúc bước từ ca-nô lên cầu thang sắt nhà giàn. Nếu không phối hợp tốt rất dễ bị sóng xô ngã xuống biển hoặc va đập gây tai nạn. Nhiều phóng viên, đến bước đó là hoảng hốt. Nhưng với sự hướng dẫn thành thục của các chiến sĩ Tàu 261 và sự cổ vũ của anh em chiến sĩ, đoàn công tác chúng tôi đã lên nhà giàn an toàn.

Từ xa nhìn nhà giàn DK1/10 như một pháo đài thép, nhưng khi tiếp cận chúng tôi lại thấy giống như một ngôi nhà ấm cúng, mát mẻ với sự bao quanh của cây lá và rau xanh.

Nơi ở, làm việc của các chiến sĩ ngăn nắp, khá đầy đủ trang thiết bị. Quanh nhà có những “vườn rau” độc đáo, có lúc nằm ngay trên những sàn thép dày, lúc trong thùng xốp. Một giàn mùng tơi, lá mơ leo che kín góc sân.

Chính trị viên, Trung úy Nguyễn Văn Cường cho biết, cứ có điều kiện là các anh vận chuyển đất từ đất liền ra để trồng rau. Chúng tôi đếm được không dưới 20 loại cây. Thiếu úy quân y Lê Văn Phương cho biết, giữa biển khơi việc chữa bệnh khó khăn, nên các anh chọn các loại cây vừa là rau xanh nhưng cũng vừa là vị thuốc hữu dụng như lá mơ, xả, húng, chanh... Giữa biển mênh mông, để có nước ngọt cho rau là một khó khăn. Có những thời điểm tàu chậm ra, anh em mỗi ngày “tiêu chuẩn” một xô nước. Phải dùng thế nào thật khéo để có thể tận dụng nước tưới rau.

Trên Nhà giàn cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ còn nhiều khó khăn, đặc biệt là mối liên lạc với đất liền. Trước kia chưa có sóng điện thoại, các chiến sĩ thường viết sẵn thư, khi tàu ra đính chính lại nội dung cho phù hợp rồi mới gửi vào. Do mấy tháng mới có lần tàu ra nên anh em “thèm” sách, báo. Có nhiều cuốn sách truyền tay nhau đọc cũ mèm. Hiện nhà giàn đã được trang bị ti vi, sóng điện thoại, lại cả bộ karaoke.

Thiếu tá chuyên nghiệp Trịnh Văn Sơn, quê Quảng Xương, Thanh Hóa tâm sự, từ khi có sóng điện thoại hầu như ngày nào cậu con trai nhỏ cũng gọi điện ra bắt bố chỉ cách giải bài tập, dù vợ anh là giáo viên. Hôm nào mất sóng là cháu lại chờ đến đêm để gọi… Được liên lạc thường xuyên với gia đình, tinh thần anh em ai cũng phấn chấn, yên tâm hơn… Dù khó khăn, thiếu thốn nhưng các chiến sĩ vẫn vững vàng, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Trung úy Lê Thành Lực, Phó chỉ huy Nhà giàn DK1/10 cho biết, là đơn vị hoạt động độc lập, xa Ban Chỉ huy nhưng các chiến sĩ luôn thực hiện nghiêm các mặt công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, các chế độ trực gác, báo hằng ngày. Bên cạnh đó, các chiến sĩ nhà giàn còn trực tiếp giúp hàng trăm ngư dân bị thương, ốm đau và tiếp nhiên liệu cho các thuyền đánh cá.

Đón chúng tôi, anh em nhà giàn tổ chức gói bánh chưng. Mùi gạo nếp, đỗ xanh tỏa hương bay ngào ngạt. Không có nồi chuyên dụng, các chiến sĩ “sáng tạo” dùng bình đựng nước quốc phòng luộc bánh chưng. Mâm “cỗ” ngày tết được các chiến sĩ trổ tài nấu nướng tươm tất với đầy đủ thịt mỡ, dưa hành, giò lụa. Bên mân cỗ đón xuân, chúng tôi cùng nhau chia sẻ chuyện bạn bè, đồng chí, gia đình; cùng nắm tay nhau hát vang những bài ca về quê hương đất nước và không quên những bài ca ngợi Đảng, Bác Hồ và những người lính anh hùng.

Nhà thơ Lý Hữu Lương, đi cùng đoàn đã sáng tác những vần thơ viết về các chiến sĩ Nhà giàn thật cảm động, mà tôi còn nhớ mãi:

...Sàn thì nhỏ bơi trên mặt sóng
Đi vài bước đã mấy vòng nhà
Con sóng bạc đầu ngày ngày đi qua cũng thành bạn
Xoa ngàn mắt đắng trăm phương
Lính trải xuống lòng mình thêm muối mặn
Mà thương nhau đến cạn cùng gừng cay…
Bạn lính biển của tôi ơi!
Dưới trụ Nhà giàn nào cũng có một bông hoa
Biển dành tặng anh một chân mây phủ mãi với bầu trời...

Cùng trò chuyện với các chiến sĩ, chúng tôi thấy thời gian trôi đi nhanh quá, đêm đã qua từ lúc nào. Vừng đông dần hé rạng. Mặt trời tỏa nắng ấm áp, chiếu xuống nước biển xanh lấp lánh. Cả vùng biển như được phủ muôn ngàn bông hoa đào đỏ thắm. Chúng tôi cùng Hạ sĩ Nguyễn Văn Lượm thực hiện một nhiệm vụ tự hào. Đó là thay cờ Tổ quốc. Nhà giàn, một mình giữa bốn bề sóng gió, nên lá cờ Tổ quốc treo một thời gian ngắn là bạc màu.

Thay cờ Tổ quốc là nhiệm vụ thiêng liêng thường được giao cho chiến sĩ mới lần đầu công tác tại nhà giàn. Lúc này, chúng tôi nhận thấy Hạ sĩ Nguyễn Văn Lượm đã thay đổi hẳn. Vẻ mệt mỏi trong những ngày đầu say sóng đã biến mất, thay vào đó là một chiến sĩ hải quân rắn rỏi, nhanh nhẹn. Giữa khung cảnh biển mênh mông, rộng lớn. Hạ sĩ Nguyễn Văn Lượm nghiêm trang, thành thục từng động tác. Là cờ Tổ quốc đỏ tươi được người lính trẻ thay mới đứng uy nghi và phần phật bay trên nóc nhà giàn. Ngắm nhìn khuôn mặt sáng bừng của người lính trẻ tuổi 20 hòa quyện với lá cờ Tổ quốc trong sắc biển mùa xuân, chúng tôi trào dâng một niềm tin mãnh liệt rằng vùng biển, đảo của Tổ quốc thân yêu sẽ mãi mãi được bảo vệ vững chắc bởi những chiến sĩ nhà giàn hôm nay.

Tổ quốc nơi đầu sóng: Tết nhà giàn ảnh 1

Đoàn công tác giao lưu cùng CBCS nhà giàn.