Chuyện cảm động giữa trùng khơi

Phút yếu đuối của người trạm trưởng mạnh mẽ

NDO -

NDĐT - Đảo chìm nhỏ nhoi giữa biển khơi hùng vĩ vẫn không ám ảnh tôi bằng những ngôi nhà giàn treo giữa nước và trời. Cuối hải trình, sau khi đã đi qua năm đảo nổi và bảy đảo chìm, chúng tôi may mắn lên được nhà giàn Huyền Trân DK 1/7 mà không gặp trở ngại nào vì thời tiết…

Trạm trưởng Nguyễn Văn Đồng ghi tặng lá cờ của nhà giàn Huyền Trân cho đoàn công tác.
Trạm trưởng Nguyễn Văn Đồng ghi tặng lá cờ của nhà giàn Huyền Trân cho đoàn công tác.

Thiếu tá, trạm trưởng Nguyễn Văn Đồng thâm trầm và rắn rỏi như một khúc gỗ lim đứng đón chúng tôi ngay dưới chân nhà giàn. Nhìn thấy sự vững chãi ở anh, tôi như vững tin hơn khi bước từng bước dọc cầu thang sắt cheo leo lên nhà giàn. Trong ngôi nhà mà tất cả đều sẵn sàng chấp nhận hy sinh để bảo vệ chủ quyền ấy, anh vừa là chỉ huy, vừa là chỗ dựa tinh thần như người cha, người anh của cán bộ, chiến sĩ. Bản báo cáo trước đoàn công tác của anh cũng khiêm tốn và kiệm lời như con người anh vậy. Cuộc họp nhanh chóng kết thúc, nhường chỗ cho phần giao lưu văn nghệ. Tôi muốn nói chuyện với anh nhiều hơn, nên kéo anh ra đứng ngoài lan can. Nhà giàn Huyền Trân DK 1/7 được xây dựng năm 1991 thì năm 1997 anh bắt đầu làm việc tại đây. Hai phần ba số thời gian trong 16 năm qua anh sống tại nhà giàn này. Ngôi nhà ấy còn thân thiết, gắn bó với anh hơn cả tổ ấm nhỏ của anh ở Bình Dương.

Phút yếu đuối của người trạm trưởng mạnh mẽ ảnh 1

Nhà giàn Huyền Trân DK1.

Khi tôi hỏi về những kỷ niệm của anh trong suốt 16 năm qua, anh bắt đầu kể bằng ký ức đầu tiên không dễ gì quên được khi anh bước chân lên nhà giàn. Đó là cuối tháng 10, đầu tháng 11 năm 1997, cơn bão thế kỷ mang tên Linda đã hình thành ngay tại Huyền Trân trước khi đổ bộ vào đất liền làm chết và mất tích 4.500 người, đa số là ngư dân Cà Mau. Lúc đó, nhà giàn Huyền Trân rung lắc, nghiêng ngả trước sức gió quá lớn của cơn bão khiến anh rất sợ. Nhưng rồi từ bấy đến nay, chứng kiến không biết bao nhiêu cơn bão đi qua, anh không còn cảm giác sợ hãi nữa.

Kỷ niệm nữa là vào năm 2007, lúc vợ anh chuẩn bị sinh cháu thứ hai. Anh hứa sẽ về để chăm vợ, nhưng rồi do yêu cầu nhiệm vụ, phải đến bốn, năm tháng sau anh mới trở về để nhìn mặt đứa con yêu.

Và rồi cách đây hai năm, khi nhận được tin bố ốm liệt giường, một tuần liền không ăn uống, anh đã xin cấp trên cho về để gặp mặt bố lần cuối. Suốt dọc đường về, anh cứ nghĩ không gặp được bố nữa thì lại thấy bố vẫn còn, hai bố con ôm nhau khóc...

Nói đến đây, tự dưng thiếu tá Nguyễn Văn Đồng chạy khỏi chỗ tôi và anh đang đứng. Cả đoàn công tác vẫn đang ở đây, một người trạm trưởng như anh không thể dành quá nhiều thời gian cho một phóng viên như tôi được, tôi nghĩ và chắc mẩm rằng anh đã đi vào trong phòng để tiếp khách. Nhưng câu chuyện dở dang của anh vẫn đang quá cuốn hút tôi, và tôi lại chợt nghĩ sao một người chu đáo như anh lại không hề nói một lời xin lỗi nào với tôi khi bận làm việc khác, nên sau mấy giây ngần ngừ, tôi quyết định đuổi theo anh. Đi dọc lan can nhà giàn khoảng ba, bốn mét, tôi bắt gặp anh đứng một mình quay mặt vào góc khuất. Tôi sững người và hiểu ra tất cả.

Tôi đứng sau lưng anh, và chỉ cảm nhận được tiếng nấc nghẹn của anh mà không nhìn thấy một giọt nước mắt nào trên gương mặt rắn rỏi, nghiêm nghị ấy. Tôi xin lỗi vì đã gợi cho anh những kỷ niệm buồn và đứng im lặng với anh rất lâu, rất lâu...

Khi đã bình tâm lại, anh kéo tôi ra ngồi cạnh gốc chanh mà chính anh chiết trồng, quả to và sai trĩu trịt. Và không cần đến tôi phải hỏi nữa, anh tự kể về cuộc đời mình.

Anh quê ở Hà Tĩnh, cách quê nội của tôi không xa. Kể từ cơn bạo bệnh năm 2011 ấy, bố anh vẫn nằm liệt giường. Anh rất ít khi có dịp về quê thăm bố. Cả tuổi thanh xuân anh gắn với nhà giàn, nên đến năm 34 tuổi anh mới lập gia đình, vợ anh là giáo viên. Gia đình nhỏ của anh hiện đang sống ở Bình Dương. Anh có thói quen ghi nhật ký. 16 năm qua, bao chuyện buồn vui được anh ghi chép đầy chín cuốn nhật ký. Nhưng cách đây khá lâu, một đồng nghiệp của tôi đã mượn anh tám cuốn nhật ký mang về đất liền, giờ anh chỉ còn trong tay cuốn nhật ký thứ chín viết dở...

Phút yếu đuối của người trạm trưởng mạnh mẽ ảnh 2

Thiếu tá Nguyễn Văn Đồng (thứ ba từ phải sang) trong phút chia tay.

Tôi chia tay nhà giàn Huyền Trân với lời hứa sẽ đòi lại cho anh tám cuốn nhật ký và nếu có dịp về quê, tôi sẽ ghé thăm bố anh. Nhưng đến tận lúc này, cả hai lời hứa ấy tôi đều chưa thực hiện được…

Mới đây, thiếu tá Nguyễn Văn Đồng đã quay về đất liền. Anh khoe với tôi anh đã được về quê thăm bố.

Thay vì những lời ca ngợi sáo rỗng dành cho người trạm trưởng 17 năm gắn bó với nhà giàn, tôi xin chép ra đây một bài thơ trong một cuốn nhật ký của anh. Bài thơ có nhan đề “Nỗi nhớ em” anh viết tặng vợ mình, viết ngày 4-3-2013:

“Anh đi rồi mang thương nhớ ngọt ngào

Với cả nỗi khát khao vào nơi xa tắp

Kỷ niệm bên em sẽ là lửa thắp

Thổi bùng lên nung nấu trái tim anh.

Anh đi rồi nhớ lắm những ngày qua

Nhớ em, nhớ con với ngàn nỗi nhớ

Câu thơ anh viết còn dang dở

Gửi lại cho em nỗi nhớ vơi đầy”.