Sa bàn nơi đất Việt: Xưa rồi thứ bóng đá cũ kỹ

NDO -

Kể từ khi giải bóng đá A1 ra đời vào thập niên 80, đã có không ít các câu lạc bộ luôn in hằn trong tâm trí của người hâm mộ. Có thể kể đến như đội Thể Công với thế hệ của những Hồng Sơn, Thạch Bảo Khanh hay đội Công An Hà Nội với rất nhiều cựu danh thủ như Vũ Minh Hiếu, Mai Tiến Dũng. Nhưng đã từ lâu, khán giả phải mòn mỏi chờ đợi một sự thay đổi mang tính cách mạng tới từ các đội bóng cả về chiến thuật lẫn chuyên môn, nhưng không thành. Chỉ còn đó những hoài niệm về lối đá cuốn hút và tinh túy của thế hệ vàng năm xưa, nơi sân cỏ như một sân khấu để Hồng Sơn, Huỳnh Đức và các đồng đội nhảy múa.

Bóng đá chỉ phồn thịnh khi những hàng ghế được lấp đầy. (Ảnh: VPF)
Bóng đá chỉ phồn thịnh khi những hàng ghế được lấp đầy. (Ảnh: VPF)

Chật vật với những vấn đề chung quanh

Khi đội hình vàng son của các CLB có tiếng tăm lần lượt nói lời giã từ sân cỏ, bóng đá Việt Nam loay hoay trong một khoảng thời gian dài. Cùng với đó, chất lượng đào tạo cầu thủ trẻ của những CLB đi xuống thì khiến các nhà làm bóng đá đau đầu. 

Giáo án và cơ sở vật chất không đủ tốt khiến các học viên không thể bộc lộ và phát huy hết tiềm năng vốn có, và việc thiếu kỹ năng cơ bản làm cho các huấn luyện viên lao tâm khổ tứ. Các chiến thuật cũng từ đó mà mất dần đi tính đặc sắc và hấp dẫn trong mỗi trận đấu.

Sự thụt lùi trong đào tạo trẻ khiến cho chất lượng nội binh giảm sút. Nhưng điều đó lại mở ra cánh cửa cho các cầu thủ đến từ nước ngoài có “đất dụng võ”. 

Kể từ thời điểm bóng đá Việt Nam được biến chuyển để trở nên quy củ và chuyên nghiệp từ hơn 20 năm về trước, khắp tứ phía chung quanh khán đài tràn ngập tiếng hò reo bởi những khoảnh khắc Leandro làm người hâm mộ say đắm, với vô số cú sút phạt ngoạn mục bằng cái chân trái khéo léo, điển hình là pha đá phạt uy lực từ khoảng cách hơn 30m vào lưới Sông Lam Nghệ An năm đó.

Cũng chẳng cổ động viên nào có thể quên được chất Samba chảy trong huyết quản của Huỳnh Kesley Alves. Các tình huống tâng bóng ngẫu hứng, làm xiếc trước hậu vệ đối phương ngày nào là những mẩu ký ức còn đọng lại trong tâm trí người dân đất Thủ.

Nhưng dần dà, các CLB cũng lãng quên chất nghệ sĩ của những vũ công Brazil. Thay vào đó, họ lựa chọn ngoại binh tới từ các nền bóng đá kém phát triển ở châu Phi. Cho dù các cầu thủ đến từ nơi đây không có kỹ thuật nổi trội hay kỹ chiến thuật đa dạng, nhưng sức mạnh thể chất và khả năng càn lướt là điều mà các nội binh hay thậm chí là cả ngoại binh đến từ các nền bóng đá châu  u và Nam Mỹ không thể so bì. Không khó để hiểu tại sao các CLB ở Việt Nam lại ưa chuộng những cầu thủ đến từ châu Phi.

Sau sự du nhập của những ngoại binh châu Phi, lối chơi của những huấn luyện viên cầm sa bàn ở V-league đề ra bị chỉnh sửa, nhưng theo cách khá tiêu cực. 

Các đội bóng chỉ trông chờ vào những đường bóng bổng, bóng dài hướng tới cái đầu của những chân sút ngoại quốc cao to. Không còn bóng dáng của những pha bóng “thêu hoa dệt gấm”, cũng chẳng thấy hình ảnh nhảy múa với trái bóng mà chỉ chứng kiến một lối đá rời rạc, thiếu sáng tạo và có cảm giác rằng mọi pha tấn công chỉ hy vọng vào khả năng tự xoay trở và tì đè của các tiền đạo ngoại. 

Đó là nguyên do khiến những người bỏ tiền ra mua vé để một trận đấu trong sự hồi hộp, háo hức để rồi ra về với nét mặt u buồn, thất vọng.

Những thay đổi bước ngoặt

Cuộc cách mạng bắt đầu từ năm 2007, khi bầu Đức đã thành công trong việc thành lập Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal JMG. Cơ sở vật chất hiện đại, giáo án được cung cấp bởi Arsenal, một trong những CLB được yêu thích nhất.

Các lứa trẻ của Hoàng Anh Gia Lai có kỹ thuật điêu luyện, khả năng thích ứng tốt với mọi loại chiến thuật, đội bóng phố Núi thực sự đem lại tia sáng cho viễn tưởng u tối của cả nền bóng đá. Sự quyết tâm đầu tư bài bản cho bóng đá trẻ của bầu Đức đã mở lối cho sự phát triển của bóng đá Việt Nam.

Các đội bóng chuyên tâm trong công tác đào tạo cầu thủ, những học viện bóng đá hiện đại như PVF hay Học viên bóng đá Juventus góp công rất lớn trong công cuộc lấy lại hình ảnh hoa mĩ năm nào.

Trong năm năm trở lại đây, nhịp đập con tim của người người hâm mộ đã hòa quyện với trái bóng lăn trên mặt cỏ. Cổ động viên có cơ hội chứng kiến những CLB như Hà Nội, Hoàng Anh Gia Lai, Than Quảng Ninh,… thi đấu ban bật đẹp như tranh vẽ.

Trước đây, các vị chiến lược gia chủ yếu sử dụng sơ đồ 4-4-2 nhằm tối ưu hóa những tình huống tạt bóng và không chiến tới từ hai tiền đạo ngoại phía trên, nhưng vòng quay của bóng đá càng ngày càng trở nên hiện đại và phong phú nên các sơ đồ như 4-3-3, 4-2-3-1 hay đội hình ba trung vệ được nhiều đội bóng áp dụng.

Những CLB kể trên luôn có thứ hạng cao trên bảng xếp hạng, lực lượng cổ động viên của họ luôn dồi dào và đem lại bầu không khí náo nhiệt trên các khán đài. Hoàng Anh Gia Lai và Hà Nội, cho dù có thi đấu trên sân nhà hay kể cả sân khách thì khán đài nào cũng thường xuyên đông đúc, thu hút con mắt chú ý của dư luận. Đơn giản bởi họ có những ngôi sao do chính họ đào tạo và đưa đến sự vinh quang ngọt ngào.

Ngoài ra, cách tuyển chọn ngoại binh của các đội bóng ở V-league đã khác. Ngoài thể lực và sức mạnh, các ngoại binh phải có kinh nghiệm chinh chiến ở các giải vô địch quốc gia tiên tiến, kỹ thuật bài bản thì mới được lựa chọn. 

Bây giờ, các ngoại binh Brazil chiếm phần nhiều ưu thế vì họ đều có những nét riêng biệt. Một Geovane với những cú cứa lòng nổi bật, một Pedro Paulo dũng mãnh và đầy lạnh lùng hay một Rafaelson với những cú sút xa trái phá. Những con người đó đã tô những gam màu sắc độc lạ cho V-league.

Với tham vọng đưa bóng đá Việt Nam ra sân chơi quốc tế, chính các CLB cần phải làm mới bản thân mình, bắt kịp xu thế của bóng đá châu Á cũng như trên thế giới. Cuối cùng, có một thứ mà các đội bóng không bao giờ được phép đánh mất, người hâm mộ.