Diễn đàn Chủ nhật

Năng lực và uy tín của trọng tài

Tại những vòng đấu vừa qua của Giải bóng đá vô địch quốc gia LS V.League 1-2020, công tác điều hành trận đấu của các trọng tài lại thu hút sự quan tâm của dư luận sau quá nhiều sai phạm, gây bức xúc. Sau khi Ban trọng tài của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đưa ra án kỷ luật dành cho trọng tài điều hành trận Dược Nam Hà Nam Định thua Hải Phòng 0-2 ở vòng 6, đội bóng của Nam Định lại tiếp tục tố tổ trọng tài bỏ qua ba tình huống bóng chạm tay cầu thủ Sài Gòn FC trong khu vực cấm ở trận đấu vòng 10 khiến họ không được hưởng đá phạt 11m.

Gần đây nhất là án phạt dành cho tổ trọng tài điều hành trận đấu trên sân Thống Nhất giữa đội TP Hồ Chí Minh và Hà Nội FC ở vòng 11 do lỗi không xử lý hai tình huống bóng chạm tay cầu thủ đội khách trong vòng cấm, gây bất lợi về tâm lý và phần nào là nguyên nhân khiến đội chủ nhà thua trắng 0-3. Ở trận đấu này, trọng tài cũng hai lần xác định việt vị sai cho các cầu thủ Hà Nội FC, trong đó có một lần khiến họ bị mất bàn thắng cho dù Văn Quyết đã sút tung lưới đội TP Hồ Chí Minh.

Có thể nói, những sai sót trong điều hành, gây nhiều tranh cãi của trọng tài ở các giải đấu chuyên nghiệp Việt Nam dường như đã mang tính hệ thống trong những năm qua với quá nhiều lần kỷ luật, xử phạt mà vẫn chưa thấy giảm bớt. Điều đáng báo động là tỷ lệ sai phạm của các trọng tài ở mùa giải năm nay có chiều hướng tăng vọt nếu nhìn vào thống kê của VFF vừa qua. Theo đó, trong 49 trận đấu ở bảy vòng V-League đầu tiên đã có tám trận trọng tài mắc lỗi làm thay đổi kết quả, chiếm tỷ lệ gần 17%, trong khi ở Giải bóng đá hạng nhất quốc gia là năm trong 24 trận. Bên cạnh đó là nhiều sai phạm khác của trọng tài trong quá trình điều hành, tạo áp lực tâm lý cho các cầu thủ và ảnh hưởng đến quá trình thi đấu cũng như kết quả trận đấu. Nhiều chuyên gia bóng đá cho rằng, nếu không làm tốt công tác trọng tài, các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam sẽ đứng trước nguy cơ giảm sút về chất lượng chuyên môn, không thu hút được khán giả đến sân và làm nản lòng các nhà tài trợ trong thời điểm bóng đá đang gặp khó khăn do dịch Covid-19.

Nguyên nhân chính dẫn đến những sa sút trong công tác trọng tài của bóng đá Việt Nam là năng lực yếu kém của một bộ phận trong lực lượng “cầm cân, nảy mực”. Số lượng các trọng tài chuyên nghiệp hiện khá mỏng do có nhiều người đã quá tuổi ở mùa giải năm nay, trong khi lực lượng trọng tài trẻ chưa nhiều kinh nghiệm và độ dày dạn để chịu đựng áp lực căng thẳng từ các trận đấu, dễ va vấp, phạm sai lầm. Áp lực tâm lý không chỉ từ sự đua tranh khốc liệt trên sân cỏ mà còn từ những thay đổi, điều chỉnh lịch thi đấu, phải đá dồn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến mật độ trận đấu trở nên dày đặc với mỗi vòng đấu cách nhau có năm ngày, không có quãng nghỉ. Trong khi, ở các mùa giải trước chỉ là một trận/tuần với mỗi câu lạc bộ.

Bên cạnh đó cũng còn nguyên nhân từ tinh thần trách nhiệm, sự công tâm và khách quan, của cả các cơ quan quản lý, cụ thể là Ban Trọng tài của VFF. Có huấn luyện viên đã thẳng thắng bày tỏ sự nghi ngờ khi có những sự trùng lặp không hiểu vô tình hay cố ý bởi có những trọng tài được phân công bắt đến sáu trận trong bảy trận sân nhà của một câu lạc bộ ở các vòng đấu vừa qua.

Trước đó, tại một số trận đấu quan trọng, một số câu lạc bộ đã có ý kiến đề nghị phân công những trọng tài có trình độ, kinh nghiệm và uy tín điều hành, nhưng các đề xuất vẫn bị bỏ qua. Cũng chính từ sự áp đặt, bỏ qua ý kiến chính đáng của các câu lạc bộ khiến không ít đội bóng mất dần niềm tin vào các trọng tài và phản ứng có phần thái quá trước các lỗi điều hành. Thậm chí, đã có những lãnh đạo và huấn luyện viên đề nghị mời trọng tài nước ngoài về điều hành các trận đấu ở giai đoạn quan trọng của mùa giải hoặc ở những trận đấu tâm điểm. Có lẽ, việc mời trọng tài ngoại chỉ là liệu pháp về mặt tâm lý để các đội bóng mất đi cảm giác bất an bị thiên vị, song mong muốn đó cũng phần nào cho thấy “bụt chùa nhà không thiêng” bởi thiếu đi cái uy và niềm tin cần thiết.

Chính từ những nghi ngờ này mà các câu lạc bộ thường xuyên có những động thái phản ứng gay gắt, gây áp lực với trọng tài, thậm chí dọa bỏ giải, ảnh hưởng đến hình ảnh của bóng đá Việt Nam và tính chuyên nghiệp của giải đấu. Đã đến lúc lãnh đạo VFF xem xét và có những giải pháp kiên quyết, hiệu quả hơn vì sự thành công của các giải đấu và sự phát triển chuyên nghiệp của bóng đá nước nhà. Bên cạnh việc xử lý nghiêm đối với các vi phạm theo đúng quy chế, điều lệ giải, cần rà soát, nâng cấp chất lượng điều hành của các trọng tài; tăng cường công tác đào tạo, tập huấn trọng tài để xây dựng một lực lượng trọng tài trẻ, đáp ứng các điều kiện về trình độ, thể lực và tâm lý. VFF và ban tổ chức các giải chuyên nghiệp nên có những thay đổi theo hướng điều chỉnh và tổ chức một cách khoa học trong công tác bố trí lực lượng trọng tài điều hành các trận đấu, tránh những dị nghị không cần thiết làm ảnh hưởng tới uy tín của đội ngũ những người “cầm cân, nảy mực” trên sân cỏ.