Thương vụ mua Newcastle:

Sự lo lắng từ những người bé họng

NDO -

NDĐT - Thương vụ mua câu lạc bộ Newcastle của Thái tử Mohammed bin Salman thuộc Hoàng gia A-rập Xê-út tiếp tục gặp trở ngại khi có thêm tình huống mới phát sinh, đó là có ít nhất 10 câu lạc bộ ở Premier League đang cố gắng ngăn chặn thương vụ đắt đỏ này thành hiện thực.

Thái tử Mohammad bin Salman đang gặp khó trong thương vụ mua Newcastle.
Thái tử Mohammad bin Salman đang gặp khó trong thương vụ mua Newcastle.

Theo truyền thông xứ sở sương mù, những lo ngại về thương mại và sự áp đảo về tài chính sẽ tạo ra sự chênh lệch lớn về tính cạnh tranh, nên nhóm các câu lạc bộ này đã yêu cầu ban tổ chức giải Ngoại hạng Anh điều tra về mối liên hệ giữa đơn vị truyền hình Beout Q và chính phủ A-rập Xê-út.

Theo Daily Mail, trong các tài liệu pháp lý mà 10 câu lạc bộ đệ lên Premier League đã cung cấp các bằng chứng về mối liên hệ giữa chính phủ với các hoạt động phát sóng thể thao không hợp pháp tại quốc gia này. Nếu các tài liệu chứng minh mối liên hệ giữa chính phủ A-rập Xê-út và nền tảng phát trực tuyến Beout tồn tại, sẽ khiến thương vụ của thái tử Bin Salmal thất bại trong bài kiểm tra về sự hợp pháp của chủ sở hữu.

Sự lo lắng từ những người bé họng ảnh 1

Nếu Newcastle được mua lại, họ sẽ trở thành đội bóng có chủ sở hữu giàu nhất Premier League.

Trong khi tờ Sportsmail tiết lộ đầu tháng này rằng, hai đơn vị truyền hình là BT và Sky đã vận động chính phủ Hoa Kỳ trừng phạt Vương quốc A-rập Xê-út vì vi phạm bản quyền truyền hình vào tháng 1-2020.

“Các tỷ phú A-rập vẫn tin rằng việc mua lại Newcastle sẽ được hoàn tất dù nó đã gặp trở ngại lần thứ hai, sau khi thương vụ bị trì hoãn cách đây không lâu vì những lo ngại tương tự”, ký giả Craig Hope viết trên Daily Mail.

Nhưng truyền thông Anh cũng cho thấy chưa có bất cứ phản hồi nào từ phía Liên đoàn bóng đá Anh, cũng như Ban tổ chức Premier League về các vấn đề về tính hợp pháp liên quan các tỷ phú tới từ A-rập Xê-út.

Trước đó nữa, tỷ phú Mohammed bin Salman đã phải nhận rất nhiều những cáo buộc về sự không trung thực, vì việc mua lại câu lạc bộ Newcastle được thực hiện thông qua Quỹ đầu tư công của A-rập Xê-út do thái tử Bin Salman làm chủ tịch, mà quỹ này và chính ông đã bị các tổ chức nhân quyền lên án vì những hành động can thiệp vào Yemen hồi tháng 3-2015 (theo middleeasteye đã dẫn).

Tuy nhiên, các quy tắc thương mại không ngăn chặn những người bị coi là vi phạm nhân quyền trở thành chủ sở hữu hoặc giám đốc của các câu lạc bộ bóng đá Anh. Và ông Bin Salman thì vẫn tự tin vào thương vụ mua 80% cổ phần của Newcastle trị giá 310 triệu bảng để tiếp quản câu lạc bộ từ Mike Ashley, người đang tha thiết tìm được đối tác mua lại câu lạc bộ mà ông đã điều hành 13 năm qua.

Nhưng có lẽ, Mohammed bin Salman là lựa chọn tốt nhất với Mike Ashley, người có tài sản riêng ước tính tổng cộng tới 7 tỷ bảng, trong đó 2,4 tỷ bảng nằm sẵn trong các ngân hàng và quản lý khối tài sản chung của hoàng tộc trị giá 1,3 nghìn tỷ bảng.

Chỉ tính dựa trên giá trị của Quỹ đầu tư công A-rập Xê-út mà ông Mohammed bin Salman đang nắm quyền điều hành và thực hiện thương vụ mua Newcastle đã có tới 260 tỷ bảng, so với tập đoàn Abu Dhabi United Group của tỷ phú Sheikh Mansour (UAE) sở hữu Manchester City giàu nhất Ngoại hạng Anh hiện nay chỉ có 17,7 tỷ bảng.

Và theo kế hoạch, nếu mua lại thành công Newcastle, ông Bin Salman sẽ cấp ngân sách khoảng 300 triệu bảng để tạo ra cuộc cách mạng tại sân St James’ Park, trong đó, chiến lược gia tài năng Mauricio Pochettino là lựa chọn đầu tiên, cùng với những ngôi sao đang xuất hiện trong danh sách chuyển nhượng như Edison Cavani, Gareth Bale hay Philippe Coutinho được nhắc đến như những sự bổ sung chất lượng cao cho đội bóng có biệt danh Chích chòe.

Điều này khiến các câu lạc bộ thua kém về tài chính ở xứ sở sương mù lo ngại. Một khi thương vụ này thành công, họ sẽ bị chèn ép và không thể cạnh tranh với một người khổng lồ về tài chính nữa sau khi phải đối mặt với các tỷ phú đầu tư vào Manchester United, Chelsea, Manchester City, Arsenal hay Liverpool.

Sự bất bình đẳng và tính khốc liệt ở Ngoại hạng Anh sẽ càng lớn hơn, dù cho về mặt lý thuyết, Ban tổ chức giải đấu và có thể là cả FA hay chính phủ Anh sẽ luôn hoan nghênh những nguồn đầu tư tài chính vào bóng đá nói riêng và thể thao nói chung. Nó không chỉ giúp cho giải đấu trở nên giàu có hơn mà còn giúp cho nền kinh tế phát triển hơn, nhất là khi Anh đang trong tình trạng trì trệ vì dịch Covid-19.

Không chỉ những câu lạc bộ có nguồn tài chính nhỏ bé ở nước Anh lo ngại, mà chính những câu lạc bộ lớn ở châu Âu như Barcelona, Real Madrid hay Bayern Munich cũng phải lo ngại nếu như thương vụ này hoàn thành.

Các câu lạc bộ được đầu tư bởi các tập đoàn giàu có có mối quan hệ với nhà nước đã làm biến dạng bóng đá, điển hình là trường hợp của Paris St Germain và Manchester City. Họ không chỉ trở thành những hiện tượng đơn lẻ mà thật sự đã tạo ra mối nguy hiểm chưa từng thấy cho bóng đá trước đó.

Các đội bóng này hoạt động hoàn toàn vượt ra ngoài các quy tắc, không sợ sự ràng buộc của Luật công bằng tài chính FFF và khiến thị trường chuyển nhượng lạm phát đến mức khủng khiếp thông qua những khoản tiền khổng lồ để mua cầu thủ, như thương vụ mua Neymar của Paris St Germain cách đây ba năm, hay án phạt cấm thi đấu ở Champions League trong hai mùa dành cho Manchester City đã cho thấy tính nghiêm trọng của vấn đề.

Và liệu những trở ngại về pháp lý hoặc sự phản đối của các câu lạc bộ Anh có thể ngăn tỷ phú Mohammed bin Salman ngồi trong phòng làm việc của Newcastle hay không vẫn là một câu hỏi mở ở phía trước.