Xu thế tất yếu

Sau 17 năm đàm phán trường kỳ và nhiều gian nan, Khu vực thương mại tự do châu Phi (AfCFTA) đã chính thức ra mắt tại Hội nghị cấp cao Liên minh châu Phi (AU) diễn ra mới đây. Thỏa thuận này được kỳ vọng trở thành cầu nối đưa châu Phi tiến tới giai đoạn hòa bình và thịnh vượng, biến “lục địa đen” trở thành một trong những không gian thương mại lớn nhất thế giới.

Trước sự chứng kiến của khoảng 4.500 đại biểu và khách mời, gồm 32 nguyên thủ quốc gia và hơn 100 bộ trưởng đến từ 54 quốc gia thành viên tham gia Hội nghị cấp cao AU diễn ra tại thủ đô Niamey của Niger vừa qua, AfCFTA đã chính thức được ra mắt. Tổng thống nước chủ nhà Niger M.Issoufou khẳng định, việc AfCFTA có hiệu lực là sự kiện quan trọng nhất đối với châu Phi kể từ khi thành lập Tổ chức thống nhất châu Phi (OAU) vào năm 1963 và sau đó chuyển thành AU ngày nay. Lãnh đạo các nước AU đã thống nhất về công cụ hoạt động của AfCFTA, gồm hệ thống thanh toán kỹ thuật số, cổng thông tin giám sát, quy tắc xuất xứ…

Với cộng đồng dân số khoảng 1,2 tỷ người, ước tính AfCFTA sẽ gia tăng thương mại nội khối châu Phi lên gần 60% vào năm 2022. Kim ngạch thương mại giữa các nước châu Phi hiện chỉ chiếm 16% tổng kim ngạch hàng hóa và dịch vụ, quá thấp so với tỷ lệ 65% trong hợp tác kinh tế - thương mại với các đối tác châu Âu. Con số này cũng thấp hơn so với mức trao đổi thương mại nội khối 19% tại Mỹ latinh, 51% ở châu Á, 54% ở Bắc Mỹ và 70% ở châu Âu. Bởi thế, sau khi có hiệu lực, AfCFTA được hy vọng sẽ tăng cường thương mại nội khối tương xứng tiềm năng, thúc đẩy sự phát triển của tất cả các nền kinh tế châu Phi.

Ủy ban AU cho biết, hầu hết các nước châu Phi đã nhất trí chia sẻ các quy tắc xuất xứ, giám sát và xóa bỏ các rào cản phi thuế quan, áp dụng hệ thống thanh toán kỹ thuật số chung và cổng thông tin giám sát. Các nước tham gia AfCFTA nhất trí khu vực tự do thương mại sẽ đi vào hoạt động từ tháng 7-2020, theo đó cam kết giảm thuế xuất nhập khẩu của 90% hàng hóa và dịch vụ. Ngoài việc loại bỏ thuế đối với hoạt động thương mại nội khối, AfCFTA còn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động trong khu vực và được hưởng lợi từ thị trường châu Phi ngày càng phát triển. AfCFTA sẽ mở đường thúc đẩy cho việc thành lập Liên minh hải quan châu Phi vào năm 2022.

Việc thành lập Khu vực thương mại tự do châu Phi được coi là thành công bước đầu hướng tới một môi trường thương mại mở, giúp châu Phi hội nhập với xu thế tất yếu của tự do hóa thương mại hiện nay. Với việc bốn quốc gia chính thức thông báo vào phút chót việc tham gia AfCFTA, trong đó có Nigeria, nền kinh tế lớn nhất châu Phi, đã nâng tổng số thành viên của thị trường chung này lên 54 trong số 55 quốc gia thành viên AU. Ðây là nỗ lực rất lớn của các nước trong khu vực hành động vì lợi ích chung. Hiện chỉ còn duy nhất Eritrea chưa tham gia AfCFTA, dù quốc gia này tuyên bố “đã sẵn sàng”. Mặc dù AfCFTA được ra mắt, nhưng AU cho biết hiệp định này sẽ chỉ được kích hoạt một cách đầy đủ từ ngày 1-7-2020, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các quốc gia thành viên có thời gian chuẩn bị mọi công việc cần thiết để có thể tham gia một cách hiệu quả. Các cuộc đàm phán còn nhiều khó khăn và vẫn tiếp diễn về kế hoạch triển khai theo lộ trình AfCFTA. Theo các chuyên gia, tự do hóa thương mại phải phù hợp việc cải cách cơ cấu nội bộ. Không một quốc gia nào có thể tự do hóa mọi thứ ngay lập tức. Vì thế, quá trình này sẽ kéo dài trong vài năm. Sự phát triển không đồng đều của các nền kinh tế thành viên kéo theo các điều kiện khác nhau giữa các quốc gia. Các nước phát triển kém hơn được cho là cần 10 năm để loại bỏ thuế quan, thậm chí nhóm sáu nước kém phát triển nhất cần tới 15 năm để chuẩn bị.

Dù “sinh sau đẻ muộn”, song thỏa thuận thương mại có quy mô khắp châu lục đầu tiên này cho thấy một châu Phi đang dịch chuyển, giúp các nước trong khu vực tăng cường tham gia vào dòng chảy thương mại toàn cầu. Một thị trường trị giá tới 2.500 tỷ USD sẽ trở thành khu vực mậu dịch tự do lớn nhất về số nước tham gia, kể từ khi Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) được thành lập. Liên hợp quốc nhận định, AfCFTA là một phần thiết yếu để bắt đầu xây dựng cầu nối tới hòa bình và thịnh vượng ở châu Phi. Tuy nhiên, để hoàn thành cây cầu này, điều quan trọng hiện nay là cần biến những cam kết, thỏa thuận trên giấy tờ thành hành động cụ thể và hiệu quả thiết thực. Với thỏa thuận thương mại tự do này, các nước châu Phi có cơ hội để thực hiện giấc mơ về một “lục địa đen” phát triển thịnh vượng, giảm đói nghèo. Ðó cũng là mục tiêu mà WTO đề ra cho vai trò của thương mại là chất “xúc tác” trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.