Vì một nền hòa bình bền vững

Hơn 1.000 nghị sĩ thuộc 25 quốc gia châu Âu đã viết thư gửi bộ trưởng ngoại giao các nước này, bày tỏ “đặc biệt lo ngại” về kế hoạch của I-xra-en sáp nhập các khu vực thuộc Bờ tây, vùng đất bị chiếm đóng của Pa-le-xtin. Các nghị sĩ kêu gọi ngăn chặn ý định của I-xra-en vì nguy cơ tạo tiền lệ xấu trong các mối quan hệ quốc tế, trong bối cảnh giới chức Mỹ đang bàn thảo việc “bật đèn xanh” cho tham vọng của đồng minh I-xra-en.

Lời kêu gọi của các nghị sĩ châu Âu được đưa ra khi đồng hồ đang đếm ngược tới ngày Ten A-víp dự kiến thực hiện kế hoạch sáp nhập khu Bờ tây. Nhằm chứng tỏ trách nhiệm của châu Âu đối với những cam kết dài hạn tìm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột I-xra-en - Pa-le-xtin, các nghị sĩ kêu gọi các nhà lãnh đạo hành động dứt khoát để ứng phó thách thức. Các nhà lập pháp cho rằng, châu Âu cần đi đầu trong việc vận động các nước đoàn kết cùng nhau ngăn chặn kế hoạch của Ten A-víp, trong bối cảnh các bước đi của I-xra-en và Mỹ đang phủ bóng lên triển vọng hòa bình tại Trung Ðông. Nhiều nước châu Âu lên tiếng phản đối mạnh mẽ động thái của I-xra-en đe dọa giải pháp hai nhà nước, trong đó Liên hiệp châu Âu (EU) thảo luận khả năng áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế chống Ten A-víp.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc A.Gu-tê-rét đã đưa ra lời chỉ trích mạnh mẽ đối với I-xra-en khi ông cho rằng kế hoạch sáp nhập ở Bờ tây sẽ là động thái "vi phạm nghiêm trọng nhất" luật pháp quốc tế. Ông cảnh báo hành động này sẽ đe dọa nỗ lực tiến tới hòa bình cho toàn bộ khu vực. Liên đoàn A-rập (AL) phản đối kế hoạch của I-xra-en, khẳng định nếu ý định sáp nhập được thực hiện sẽ làm đổ vỡ hoàn toàn quan hệ giữa I-xra-en với các nước A-rập. Trong chuyến thăm tới Bờ tây gần đây, Bộ trưởng Ngoại giao Gioóc-đa-ni A.Xa-pha-đi cảnh báo rằng, bất kỳ hoạt động sáp nhập nào của I-xra-en cũng sẽ "giết chết" những hy vọng về giải pháp hai nhà nước, hủy hoại tất cả các nền tảng của tiến trình hòa bình cũng như tước đoạt của tất cả người dân trong khu vực quyền được sống trong an toàn, hòa bình và ổn định.

Sự phản đối của cộng đồng quốc tế gia tăng trong bối cảnh I-xra-en đang gấp rút chuẩn bị cho kế hoạch sáp nhập một số khu vực ở Bờ tây vào ngày 1-7 tới. Bất chấp sức ép của dư luận quốc tế, các trợ lý cấp cao Mỹ và Tổng thống Ð.Trăm đã nhóm họp để cân nhắc có "bật đèn xanh" cho kế hoạch của đồng minh I-xra-en thôn tính đất đai của người Pa-le-xtin hay không. Kế hoạch này vốn là một phần trong đề xuất của Tổng thống Mỹ Ð.Trăm về một "Thỏa thuận thế kỷ" cho cuộc xung đột ở Trung Ðông, vốn bị Pa-le-xtin phản đối mạnh mẽ.

Việc Mỹ công khai thể hiện thái độ thiên vị I-xra-en và Oa-sinh-tơn công nhận toàn bộ Giê-ru-xa-lem là thủ đô của I-xra-en đã thổi bùng "lửa giận" ở người Pa-le-xtin. Pa-le-xtin đã đình chỉ mọi hợp tác về an ninh và tình báo với Mỹ và I-xra-en, bác bỏ vai trò trung gian của Oa-sinh-tơn trong tiến trình hòa bình Trung Ðông. Hàng nghìn người dân Pa-le-xtin mới đây tham gia cuộc tuần hành lớn nhất để phản đối "kế hoạch hòa bình" của Tổng thống Mỹ Ð.Trăm, trong đó có nội dung công nhận hành động sáp nhập của I-xra-en đối với các khu vực thuộc Bờ tây. Tham gia sự kiện này còn có giới ngoại giao một số nước như Trung Quốc, Nga, Nhật Bản và EU, thể hiện sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với người Pa-le-xtin. Tại một hội nghị trực tuyến mới đây, cộng đồng quốc tế đã cam kết tài trợ 130 triệu USD cho ngân sách năm 2020 của Cơ quan cứu trợ và hành động của Liên hợp quốc cho người tị nạn Pa-le-xtin ở vùng Cận Ðông (UNRWA) năm 2020. Ðây là hành động thiết thực, bày tỏ tình đoàn kết nhằm giúp người Pa-le-xtin vượt qua khó khăn.

Mặc dù gần đây các nhà lãnh đạo và quan chức cấp cao I-xra-en đề cập khả năng hoãn kế hoạch sáp nhập ở Bờ tây, song những động thái trên thực tế mà I-xra-en đang tiến hành cho thấy "tham vọng" tiếp tục được thúc đẩy. Quân đội I-xra-en đã đặt các khối xi-măng trên đường ở các ngôi làng Bờ tây nối với tuyến đường cao tốc dẫn tới Thung lũng Gioóc-đan, một động thái mà Pa-le-xtin cho là nhằm chặn hoàn toàn đường tiếp cận tới các khu vực này. Phía Pa-le-xtin cáo buộc, người định cư I-xra-en đã san nhiều phần đất của người Pa-le-xtin tại Bờ tây để chuẩn bị cho việc xây dựng một đường vành đai lớn mới tại Ðông Giê-ru-xa-lem, nối các khu định cư Do thái ở phía bắc và nam thành phố này.

Kế hoạch của I-xra-en nhằm thôn tính vùng lãnh thổ bị chiếm đóng của người Pa-le-xtin tiềm ẩn nhiều nguy cơ, đe dọa hòa bình ở khu vực. Việc thúc đẩy những nỗ lực ngăn chặn âm mưu này cho thấy, cộng đồng quốc tế luôn sát cánh cùng người dân Pa-le-xtin trong thực hiện giấc mơ thành lập một nhà nước độc lập với thủ đô Ðông Giê-ru-xa-lem, tiến tới thiết lập một nền hòa bình lâu dài và bền vững ở Trung Ðông.