Bình luận quốc tế

Vấn đề sống còn

17 tỷ USD là số tiền mà các đối tác phát triển cam kết tài trợ để bảo đảm an ninh lương thực ở châu Phi, vốn được đánh giá là vấn đề sống còn đối với "lục địa đen".

Ðây cũng là mục tiêu Liên hợp quốc (LHQ) thúc đẩy mạnh mẽ, trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19, biến đổi khí hậu và xung đột khiến tình trạng nghèo đói thêm nghiêm trọng ở châu Phi, ảnh hưởng tiêu cực đến mục tiêu phát triển bền vững trên toàn cầu.

Hội nghị trực tuyến "Ðối thoại cấp cao về lương thực châu Phi", do Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB), Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD), Diễn đàn Nghiên cứu nông nghiệp châu Phi (FARA) và Nhóm tư vấn nghiên cứu nông nghiệp quốc tế (CGIAR) tổ chức, đã thu hút sự tham dự của nhiều nhà lãnh đạo châu Phi. Diễn đàn nhằm thúc đẩy chương trình nghị sự về an ninh lương thực ở châu lục đang có khoảng 246 triệu người rơi vào cảnh đói. Sự lãnh đạo chính trị mạnh mẽ và có trách nhiệm, cải cách chính sách, đầu tư vào nghiên cứu, công nghệ và đổi mới là những yếu tố cần thiết để giúp châu Phi chuyển đổi hệ thống canh tác và tăng năng suất cây trồng, góp phần bảo đảm an ninh lương thực. Thực tế, nền tảng công nghệ chuyển đổi nông nghiệp ở châu Phi ra mắt cách đây hai năm đã giúp chuyển giao các giống lúa mì chịu hạn và tăng sản lượng ở châu Phi, song vẫn còn nhiều người dân thiếu lương thực; châu Phi cần mở rộng quy mô nông nghiệp để nuôi sống 1,4 tỷ người.

Ðể thực hiện các mục tiêu về an ninh lương thực, các nhà lãnh đạo châu Phi cam kết xóa bỏ nạn đói và suy dinh dưỡng, vốn cản trở sự tiến bộ kinh tế - xã hội trên lục địa. AfDB cam kết tài trợ 10,4 tỷ USD trong 5 năm để tăng cường chuỗi giá trị nông nghiệp và sản xuất lương thực. IFAD cam kết cấp 1,5 tỷ USD để hỗ trợ các nỗ lực chuyển đổi hệ thống lương thực và nông nghiệp trong ba năm tới. Ngân hàng Phát triển kinh tế A-rập (Badea) cũng cam kết đầu tư 1,5 tỷ USD vào nông nghiệp trong giai đoạn 2020 - 2024; Ngân hàng Phát triển Hồi giáo cũng hứa tài trợ 3,5 tỷ USD trong ba năm tới. Quỹ Bill & Melinda Gates, là một phần của liên minh các đối tác phát triển, cam kết hỗ trợ 652 triệu USD cho nghiên cứu và phát triển trong nông nghiệp...

Các nhà lãnh đạo châu Phi đã ký cam kết thúc đẩy sản xuất nông nghiệp bằng cách tăng gấp đôi năng suất hiện nay, thông qua mở rộng quy mô công nghệ, đầu tư vào tiếp cận thị trường và đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển nông nghiệp. Các nhà lãnh đạo nhận định rằng, châu Phi có thể xóa bỏ nạn đói nếu các hệ thống nông nghiệp được chuyển đổi thông qua việc tận dụng công nghệ, tài chính, thủy lợi và cải thiện quản lý sau thu hoạch.

Tổng thống Xê-nê-gan M.Xan cho rằng, khả năng đạt mục tiêu về an ninh lương thực và dinh dưỡng của châu Phi phụ thuộc việc mở rộng quy mô nông nghiệp thông minh kết hợp khả năng tiếp cận vốn, thị trường và công nghệ của nông dân sản xuất nhỏ. Tổng thống Ê-ti-ô-pi-a X.Diu-đê nhấn mạnh, đại dịch Covid-19 nhắc nhở về sự cấp thiết phải tăng cường khả năng phục hồi của hệ thống lương thực. Tổng thống Ga-na N.A-đô cho rằng, việc đa dạng hóa, cơ giới hóa và nâng cao nhận thức của nông dân có thể giải phóng tiềm năng của nông nghiệp châu Phi. Trong khi đó, Chủ tịch IFAD kêu gọi các nước châu Phi ưu tiên huy động các nguồn lực trong nước, cải thiện phương thức sử dụng đất và áp dụng các loại cây trồng thích ứng biến đổi khí hậu; khuyến khích khu vực tư nhân phát triển; giúp thu hẹp khoảng cách về tài chính, vốn làm chậm quá trình chuyển đổi nông nghiệp ở châu Phi.

Chương trình Lương thực thế giới (WFP) và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) từng cảnh báo về tình trạng mất an ninh lương thực khẩn cấp ở 20 quốc gia, trong đó có nhiều nước châu Phi. Mới đây, đại diện hơn 260 tổ chức phi chính phủ cùng ký thư ngỏ, kêu gọi chính phủ các nước quyên góp 5,5 tỷ USD để giúp hàng chục triệu người đang đối mặt nạn đói.

Việc các nước châu Phi thúc đẩy chuyển đổi nông nghiệp được xem là chìa khóa để xóa đói, giảm nghèo và cũng nằm trong nỗ lực chung toàn cầu nhằm giúp 34 triệu người trên thế giới thoát khỏi nạn đói trong năm nay. Tình trạng số người đói gia tăng nếu không được ngăn chặn kịp thời sẽ kéo lùi các bước tiến nhằm đạt mục tiêu phát triển bền vững của LHQ.

THÁI THANH