Bình luận quốc tế

Trở ngại trên chặng đường mới

Giành được đa số ủng hộ trong cuộc bỏ phiếu của Nghị viện châu Âu (EP) tối 16-7, nghị sĩ thuộc nhóm đảng Nhân dân châu Âu trong EP, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Đức U.Leyen đã trở thành nữ Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) đầu tiên trong lịch sử. Sự kiện này cũng đánh dấu bước chuyển của Liên hiệp châu Âu (EU) sang thời kỳ phát triển mới, cải cách mạnh mẽ hơn, nhằm đương đầu những thách thức của “lục địa già”.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Đức U.Leyen đã tiến một bước dài trong sự nghiệp chính trị, khi trở thành người Đức đầu tiên và cũng là phụ nữ đầu tiên ngồi vào chiếc ghế Chủ tịch EC. Bà Leyen sẽ chính thức thay người tiền nhiệm G.Giăng-cơ lãnh đạo cơ quan hành pháp quyền lực nhất trong cơ cấu tổ chức của EU, trong nhiệm kỳ 5 năm, từ ngày 1-11 tới. Đây cũng được xem là thời điểm khởi đầu giai đoạn phát triển mới của EU, với các dự án cải cách đầy tham vọng, song cũng đương đầu nhiều thách thức.

Nhiệm kỳ Chủ tịch EC sắp tới song hành cùng chặng đường mới của EU, bởi nữ chính khách Đức chính thức tiếp quản chức vụ lãnh đạo quan trọng nhất của EU chỉ một ngày sau khi nước Anh rời “mái nhà chung EU” (theo kế hoạch vào ngày 31-10). Một EU thiếu nước Anh không phải là mong muốn của bà Leyen, người luôn giữ quan điểm “hướng về châu Âu”, ủng hộ và thúc đẩy hội nhập EU; vì thế đây sẽ là thách thức đầu tiên đối với tân lãnh đạo EC. Tuyên bố trước thềm cuộc bỏ phiếu của giới nghị sĩ châu Âu, bà Leyen cho rằng, thời điểm Brexit có thể được gia hạn nếu có lý do chính đáng, nhằm bảo đảm nước Anh rời đi trong trật tự, không gây xáo trộn nguy hiểm. Tuy nhiên, đến nay Brexit vẫn được đánh giá là tiến trình khó đảo ngược, chỉ con đường đến đích khác nhau mà thôi. Bởi thế, đề xuất của lãnh đạo EC tương lai ngay lập tức tạo xung đột nội bộ EU, vấp phải “cơn sóng dữ” từ những nhân vật có quan điểm cứng rắn về Brexit, không nhượng bộ với đề nghị đàm phán lại thỏa thuận, hay kéo dài tiến trình này.

Brexit rõ ràng là một thách thức lớn, càng nghiêm trọng hơn trong bối cảnh EU đang ở tình trạng chia rẽ và tâm lý hoài nghi hội nhập châu Âu vẫn là nguy cơ rõ rệt. Thực tế chia rẽ đã bộc lộ rõ trong kết quả cuộc bỏ phiếu bầu nhà lãnh đạo mới của EC, khi bà Leyen được 383 nghị sĩ ủng hộ, thì cũng phải nhận 327 phiếu phản đối. Điều này đồng nghĩa nhà lãnh đạo mới của EC thiếu sự hậu thuẫn của một lực lượng tập trung và có ảnh hưởng mạnh mẽ tại EP, báo trước những khó khăn đối với cơ quan đầu não EU trong các bước đi và chính sách quan trọng cần có sự ủng hộ của các nhà lập pháp châu Âu tới đây.

Nguyên do dẫn đến sự chia rẽ, thậm chí mâu thuẫn nội bộ, xuất phát từ một loạt bất đồng về chính sách và tiếp tục đặt ra thách thức với giới lãnh đạo mới của EU. Trước hết, về kinh tế, đó là khoảng cách về tốc độ, trình độ phát triển giữa các thành viên ngày càng bị nới rộng, khi các nền kinh tế đầu tàu, như Đức và Pháp, luôn giữ vị thế vượt trội, bỏ xa phần còn lại của khối, nhất là các thành viên ở Đông Âu gia nhập EU chưa lâu. Nhiệm vụ giữ vững tốc độ tăng trưởng kinh tế của toàn khối càng trở nên nặng nề hơn, trong bối cảnh vấn đề phát triển không đồng đều khó có thể sớm được giải quyết và nguy cơ bất ổn, suy thoái kinh tế vẫn cận kề.

Trong khi đó, sau thời kỳ đỉnh điểm, khủng hoảng người di cư vào châu Âu tạm lắng dịu, song vẫn tạo ra những hệ lụy về an ninh và xã hội cho châu lục, ít nhiều góp phần vào sự trỗi dậy của các phong trào dân túy, cực hữu, bài nhập cư, xa rời hội nhập. Đặc biệt, tranh cãi đang nổi lên gay gắt chung quanh những quy định mới của EU về phân bổ tiếp nhận người di cư, hay chính phủ dân túy ở một số nước từ chối cho các tàu cứu hộ người di cư cập bờ. Một loạt “vấn đề cố hữu” của EU vẫn còn nguyên trên bàn nghị sự, trong đó có nỗ lực giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính và thúc đẩy “nền kinh tế phi các-bon”, hay thúc đẩy tự chủ quốc phòng, hình thành một lực lượng quân sự riêng của EU.

Trong lĩnh vực đối ngoại, ưu tiên hàng đầu vẫn là bảo vệ và thúc đẩy các lợi ích của EU. Song, trước sự thay đổi chính sách của Mỹ, lại đi kèm xu hướng chia tách nội khối EU, nhiệm vụ đối ngoại ấy không hề dễ dàng. Ít nhất, xử lý êm xuôi những khúc mắc và giữ cân bằng trong các mối quan hệ với các đồng minh và đối tác, như Mỹ, Nga và Trung Quốc, sẽ là thách thức không hề nhỏ trên chặng đường mới của EU.