Bình luận quốc tế

Tránh "thêm dầu vào lửa"

Sự cố một tàu chở dầu của Na Uy và tàu của Nhật Bản bị tiến công tại Vịnh Oman đang làm dấy lên những hoài nghi, trong bối cảnh vùng Vịnh chứng kiến mối quan hệ căng thẳng giữa Iran với các đồng minh của Mỹ ở khu vực. Cộng đồng quốc tế kêu gọi tránh các hành động gây kích động một cuộc chiến tranh "nóng" ở Trung Ðông.

Sự cố đã xảy ra với tàu Front Altair của hãng tàu biển Frontline của Na Uy và tàu Kokuka Courageous do Công ty Kokuka Sangyo có trụ sở tại Tokyo (Nhật Bản) vận hành, khi hai tàu này bị tiến công, có thể bằng ngư lôi hoặc mìn từ tính. Sau khi tiến hành nỗ lực giải cứu các thuyền viên trên tàu, Chính phủ Iran cho rằng, các sự cố này rất "khả nghi" vì diễn ra đúng vào thời điểm Thủ tướng Nhật Bản S.Abe đang thăm chính thức Iran. Tehran khẳng định sẵn sàng hợp tác để bảo vệ các hải trình chiến lược.

Ðáng chú ý, vụ việc xảy ra một tháng sau sự cố tương tự cũng tại vùng biển này nhằm vào bốn tàu chở dầu, trong đó có hai tàu treo cờ của A-rập Xê-út, một tàu treo cờ Na Uy, một tàu treo cờ Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE). Khu vực xảy ra các vụ tiến công nằm ngay bên ngoài eo biển Hormuz, tuyến đường vận chuyển dầu mỏ và khí đốt quan trọng của thế giới, chia tách các nước vùng Vịnh và Iran. A-rập Xê-út và Mỹ đã đổ lỗi cho Iran thực hiện các vụ tiến công.

Bác bỏ sự đổ lỗi từ Mỹ và đồng minh, Iran cho rằng các cáo buộc là "vô căn cứ". Nước này khẳng định trách nhiệm duy trì an ninh tại eo biển Hormuz. Tuy nhiên, trong bối cảnh căng thẳng leo thang ở vùng Vịnh hiện nay, bất kỳ một động thái nào đều gây nguy hiểm và đe dọa an ninh khu vực. Nga cảnh báo có hành động quy chụp trong việc chỉ trích sự cố "khả nghi" ở Vịnh Oman, gần bờ biển của Iran; đồng thời cho rằng không nên lợi dụng vụ việc để gia tăng áp lực với Tehran. Moscow cảnh báo về những kết luận vội vã, các nỗ lực muốn đổ lỗi và cho rằng khu vực Trung Ðông đang chứng kiến một chiến dịch gây áp lực về chính trị, tâm lý và quân sự chống Iran. Trong khi đó, chuyên gia A-rập Xê-út, ông H.al-Hezam cáo buộc Cơ quan Tình báo UAE thực hiện các vụ tiến công vào các tàu chở dầu nhằm kích động cuộc chiến chống Iran. Giới phân tích cũng không loại trừ khả năng các cuộc tiến công nhằm mục đích chính trị và có thể là một nỗ lực phá vỡ chuyến thăm tới Tehran của Thủ tướng Nhật Bản S.Abe, đồng thời cảnh báo có khả năng tiếp tục xảy ra các vụ tiến công tương tự. Nhiều nước lên tiếng kêu gọi điều tra rõ ràng và tránh đưa ra các kết luận vội vã và vô căn cứ.

Trước những thông tin về việc tàu khu trục USS Mason của Mỹ được đưa tới hiện trường xảy ra các sự cố ở vùng Vịnh Oman, người phát ngôn Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ, Trung tá Ơn Brao nhấn mạnh, các vụ việc nêu trên "là một mối đe dọa rõ ràng đối với tự do hàng hải và tự do thương mại quốc tế". Trong khi đó, tàu khu trục USS Bainbridge vẫn duy trì liên lạc chặt chẽ với tàu chở dầu M/V Kokuka Courageous bị tiến công. Mỹ tuyên bố sẽ không làm ngơ trước mọi hành động can thiệp, đồng thời nhấn mạnh rằng các đối tác trong khu vực sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để tự vệ và bảo vệ các lợi ích của Mỹ. Tuy nhiên, Washington vẫn khẳng định một cuộc chiến với Iran không nằm trong lợi ích chiến lược của Mỹ cũng như lợi ích của cộng đồng quốc tế. Quân đội Mỹ không muốn dính líu vào một cuộc xung đột mới tại Trung Ðông, song sẽ bảo vệ các lợi ích quốc gia, trong đó có hoạt động tự do hàng hải. Các quan chức cấp cao của chính quyền Tổng thống Mỹ D.Trump tiết lộ rằng, nước này hiện đang thảo luận với các đồng minh về một loạt lựa chọn đối với việc bảo vệ các tàu vận chuyển quốc tế ở Vịnh Oman sau các vụ tiến công tàu chở dầu ở vùng biển này.

Các vụ tiến công ở vùng Vịnh như "thêm dầu vào lửa" khi quan hệ giữa Iran với Mỹ và các đồng minh ở khu vực leo thang căng thẳng. Nhiều nước cảnh báo không nên lợi dụng sự cố nói trên để làm trầm trọng thêm diễn biến tâm lý chống Iran. Vấn đề an ninh tại vùng Vịnh quyết định sự ổn định của khu vực Trung Ðông. Bởi thế, trong tình huống "nước sôi lửa bỏng" hiện nay, các bên liên quan cần tránh đưa ra các cáo buộc lẫn nhau làm gia tăng căng thẳng. "Rút củi đáy nồi" là biện pháp cần thiết trong ứng xử ngoại giao hiện nay giữa các bên để tránh cho vùng Vịnh nguy cơ xảy ra một cuộc chiến mới.