Bình luận quốc tế

Tình hình rối ren

Căng thẳng ở Iraq đang có những dấu hiệu leo thang khi liên tiếp những ngày gần đây xảy ra các cuộc tiến công bằng tên lửa vào khu vực gần sân bay quốc tế Baghdad. Trong bối cảnh làn sóng biểu tình tiếp tục đẩy Iraq vào cuộc khủng hoảng trầm trọng, những diễn biến an ninh mới khiến quốc gia Trung Đông này đứng trước nguy cơ bất ổn và bùng phát thành một “điểm nóng” ở khu vực.

Một tổ hợp quân sự Iraq, nơi có lực lượng Mỹ triển khai ở khu vực gần sân bay quốc tế Baghdad, đã bị trúng tên lửa, khiến ít nhất sáu quân nhân Iraq bị thương. Lực lượng an ninh Iraq đã tìm thấy các bệ phóng cùng nhiều tên lửa bị bỏ lại, cho thấy đây có thể là một cuộc tiến công quy mô lớn đã được lên kế hoạch. Sau vụ việc, khu vực này tiếp tục hứng chịu những vụ phóng tên lửa bất chấp nỗ lực siết chặt an ninh của các lực lượng Iraq và Mỹ. Đáng chú ý, lực lượng bị tiến công thuộc đội chống khủng bố của Iraq, đơn vị đặc nhiệm được Mỹ thành lập và trực tiếp huấn luyện. Đây cũng là nơi đồn trú của các binh sĩ và một số nhân viên ngoại giao Mỹ.

Diễn biến nêu trên xảy ra trong bối cảnh Chính phủ Iraq phải đối mặt cuộc khủng hoảng nghiêm trọng bởi làn sóng biểu tình đòi cải thiện đời sống người dân, chống tham nhũng và nâng cao chất lượng các dịch vụ cơ bản. Quốc hội Iraq đứng trước sự lựa chọn không dễ dàng cho vị trí người đứng đầu Chính phủ, thay thế cựu Thủ tướng A.Ma-đi, người đã từ chức trước sức ép của làn sóng biểu tình. Giáo sĩ hàng đầu theo dòng Hồi giáo Si-ít A.Xi-xta-ni, nhân vật có ảnh hưởng lớn ở Iraq, đã yêu cầu tiến trình lựa chọn thủ tướng mới cần được thực hiện mà không có sự can thiệp của nước ngoài.

Cuộc khủng hoảng hiện nay ở Iraq diễn biến phức tạp bởi bị cáo buộc “có bàn tay can thiệp” từ bên ngoài, khiến tình hình thêm rối ren. Bộ Ngoại giao Iraq mới đây đã triệu bốn đại diện ngoại giao của các nước phương Tây, gồm Đức, Anh, Pháp, Ca-na-đa, vì cáo buộc có “sự can thiệp không thể chấp nhận được” vào công việc nội bộ của Iraq. Chính quyền Baghdad phản đối phát biểu của đại sứ các nước này sau khi xảy ra cuộc tiến công tại Baghdad khiến khoảng 20 người biểu tình chống chính phủ và bốn cảnh sát chết.

Quân đội Mỹ cáo buộc các nhóm được Iran hậu thuẫn ở Iraq là thủ phạm tiến hành các vụ tiến công nhằm vào các căn cứ quân sự tại Baghdad, nơi có các lực lượng Mỹ đang đồn trú. Bộ Tài chính Mỹ đã công bố lệnh trừng phạt nhằm vào lãnh đạo một số phong trào bán quân sự ở Iraq. Washington cáo buộc các nhóm dân quân này “có vai trò” trong các vụ đụng độ biểu tình chống chính phủ tại Iraq. Trong khi đó, các lực lượng bán quân sự ở Iraq cáo buộc Mỹ và Israel đã thực hiện các vụ tiến công nhằm vào kho vũ khí và căn cứ của họ.

Bất ổn ở Iraq có thể tác động tới tính toán chiến lược của Mỹ ở Trung Đông, bởi hiện các lực lượng Mỹ đồn trú ở Iraq là nhằm trợ giúp quân đội nước này chống tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS). Trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Iran leo thang, đã có những đồn đoán về khả năng Mỹ điều thêm quân tới Trung Đông, dù Lầu năm góc bác bỏ. Nhật báo phố Uôn dẫn nguồn tin giới chức Mỹ cho biết, chính quyền Tổng thống Mỹ D.Trump đang xem xét mở rộng sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Trung Đông. Theo đó, Mỹ sẽ triển khai thêm hàng chục tàu chiến, vũ khí hạng nặng và khoảng 14 nghìn binh sĩ, nhằm đối phó mối đe dọa từ Iran. Hoạt động triển khai này có thể tăng gấp hai lần số binh sĩ Mỹ đã được điều động tới khu vực kể từ thời điểm bắt đầu đợt tăng quân hồi tháng 5 vừa qua. Tổng thống D.Trump sẽ đưa ra quyết định trong tháng 12 này.

Trong khi phải vật lộn với nhiều khó khăn “thời hậu IS”, chính quyền Iraq cũng chật vật đối phó cuộc khủng hoảng mới bùng phát từ làn sóng biểu tình. Các giải pháp khả thi nhằm bảo đảm an ninh và ổn định đất nước, cũng như tôn trọng khát vọng cải cách của người dân đã được đưa ra. Tuy nhiên, trước những diễn biến phức tạp hiện nay, chính quyền Iraq vẫn đối mặt nhiều thách thức trong nỗ lực hòa giải dân tộc và chống lại sự can thiệp của bên ngoài đang khiến tình hình trong nước rối ren.