Tình cảnh phức tạp

Tiến trình Brexit (Anh rời Liên hiệp châu Âu-EU) đã đạt được bước tiến quan trọng sau khi EU thông qua thỏa thuận Brexit mới với Chính phủ của Thủ tướng B.Johnson. Tuy nhiên, một lần nữa, thỏa thuận Brexit lại “mắc kẹt” tại Quốc hội Anh khi đa số các nghị sĩ quyết định không bỏ phiếu về thỏa thuận Brexit mới cho đến khi toàn bộ dự luật về Brexit được chính thức thông qua.

(Ảnh: Express.co.uk)
(Ảnh: Express.co.uk)

Ngay sau khi EU thông qua thỏa thuận Brexit mới với Chính phủ của Thủ tướng B.Johnson, Quốc hội Anh đã triệu tập phiên họp trong ngày 19-10 để thảo luận về thỏa thuận mới này. Đây là lần đầu tiên trong 37 năm qua Quốc hội Anh triệu tập họp vào ngày thứ bảy. Cuộc họp này có ý nghĩa hết sức quan trọng, bởi nó quyết định việc tiến trình Brexit liệu có qua được “cửa ải” Quốc hội hay không. Trước đó, một thỏa thuận giữa Chính phủ Anh và EU, do cựu Thủ tướng Anh T.May thúc đẩy cũng đã không được thông qua tại Quốc hội Anh do những bất đồng nội bộ.

Phát biểu ý kiến tại Quốc hội Anh, Thủ tướng B.Johnson cảnh báo rằng, tiếp tục trì hoãn Brexit sẽ là “vô nghĩa, tốn kém và làm xói mòn sâu sắc lòng tin của công chúng”. Ông đánh giá thỏa thuận mới này sẽ là “một lối đi mới tiến về phía trước và là thỏa thuận tốt hơn cho cả Anh và EU”. Tuy nhiên, trái với mong đợi của ông và những người ủng hộ Brexit, đa số các nghị sĩ đã “quay lưng” với đề nghị. Cuộc bỏ phiếu vì thế đã không diễn ra. Với tỷ lệ 322 phiếu thuận và 306 phiếu chống, Quốc hội Anh đã ủng hộ một đề xuất do cựu nghị sĩ đảng Bảo thủ O.Letwin soạn thảo, theo đó không tiến hành bỏ phiếu trong ngày 19-10 về thỏa thuận Brexit mới cho đến khi toàn bộ dự luật chính thức về Brexit được chính thức thông qua. Theo luật của Anh, nếu Quốc hội không thông qua thỏa thuận Brexit mới trong ngày 19-10, Thủ tướng B.Johnson sẽ phải đề nghị EU hoãn Brexit đến cuối tháng 1-2020. Tuy nhiên, nếu toàn bộ dự luật chính thức về Brexit được Quốc hội thông qua, Anh vẫn có thể thực hiện Brexit đúng hạn chót là vào ngày 31-10.

Quyết định nêu trên của Quốc hội Anh một lần nữa đẩy thỏa thuận Brexit của Chính phủ Anh với EU đến bên bờ vực phá sản và tiến trình Brexit lại đứng trước tương lai mờ mịt. Nguy cơ xảy ra kịch bản “Brexit cứng” không có thỏa thuận lại gia tăng khi Thủ tướng B.Johnson khẳng định rằng, ông vẫn theo đuổi hạn chót Anh rời EU vào ngày 31-10, bất chấp việc các nghị sĩ Anh vừa bỏ phiếu hoãn quyết định về thỏa thuận Brexit mới.

Trên thực tế, việc Quốc hội Anh một lần nữa “cản bước” thỏa thuận Brexit mới không quá bất ngờ, bởi trước đó, Hãng tin Roi-tơ và Ngân hàng Deutsche đã ước tính 55% khả năng Quốc hội sẽ bác thỏa thuận của Thủ tướng B.Johnson. Tuy nhiên, bi kịch với nước Anh hiện nay là sau khi lần lượt bác bỏ các thỏa thuận Brexit của cựu Thủ tướng T.May và Thủ tướng B.Johnson, họ không đưa ra được lựa chọn nào khả dĩ hơn. Tổ chức “Nước Anh trong một châu Âu đang thay đổi” vừa đưa ra tính toán rằng, nếu thực hiện Brexit theo thỏa thuận mà bà T.May ký với EU trước đây sẽ khiến thu nhập bình quân đầu người của người dân Anh giảm 5% so với Anh ở lại EU. Theo thỏa thuận Brexit mà ông B.Johnson vừa đạt được với EU, mức giảm nêu trên là 6%. Trong trường hợp xảy ra kịch bản Brexit không thỏa thuận, mức giảm sẽ là 8%. Thực tế cho thấy, với những bất đồng nội bộ tại Anh hiện nay, nhiều khả năng Anh sẽ phải gánh chịu thiệt hại lớn do rời EU mà không đạt được thỏa thuận.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) J.Juncker trước đó nhận định rằng, trường hợp các nghị sĩ Anh không bỏ phiếu thông qua thỏa thuận Brexit mà Anh và EU vừa mới vất vả đạt được, “tình hình sẽ hết sức phức tạp”. Các nghị sĩ Anh vừa quyết định không bỏ phiếu để thông qua thỏa thuận Brexit mới cho thấy nỗi lo của Chủ tịch EC đã thành hiện thực và hàng loạt thách thức lớn đang chờ đợi nước Anh ở phía trước.