Tín hiệu khả quan

Dẫu kinh tế thế giới vẫn đang chìm trong mây đen khủng hoảng do đại dịch Covid-19, nhưng những tuần gần đây, một số tín hiệu khả quan đã le lói ở các nền kinh tế lớn từ khắp các châu lục.

Tại châu Âu, nơi các nền kinh tế lao dốc mạnh trong quý II vừa qua, nay đã le lói hy vọng phục hồi từ nền kinh tế hàng đầu khu vực là Pháp. Việc buộc phải đóng cửa hầu hết các cửa hàng, văn phòng và quán cà-phê trong gần hai tháng (cho đến ngày 11-5) đã khiến Pháp trở thành “tâm bão” suy thoái kinh tế nghiêm trọng nhất ở châu Âu, với mức sụt giảm tới 13,8% trong quý II, so với quý trước đó. Tuy nhiên, trong báo cáo về triển vọng hằng quý, Ngân hàng trung ương Pháp đánh giá các hoạt động kinh tế của nước này nay gần như đã trở lại bình thường. Theo đó Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý III dự báo tăng 16% so với quý trước đó. Giới chuyên gia nhận định, kinh tế Pháp sẽ phục hồi vào năm 2021 với mức tăng trưởng 7,4%, và tiếp đó là 3% vào năm 2022.
 
 Ở châu Á, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc đã phục hồi khả quan. Theo số liệu thống kê chính thức, doanh số bán lẻ của Trung Quốc trong tháng 8 đã lần đầu tăng trở lại kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Thống kê cho thấy, doanh số bán lẻ của Trung Quốc tăng 0,5% trong tháng 8, cao hơn nhiều so với mức giảm 1,1% trong tháng 7. Cũng trong tháng 8, sản lượng công nghiệp của Trung Quốc cũng tăng cao hơn, với 5,6%. Chỉ số này cao hơn 0,8% so với tháng trước và “đánh bại” các dự báo trước đó. Các chuyên gia cho biết, đây cũng là lần đầu trong tám tháng qua, sản lượng công nghiệp của Trung Quốc tăng hơn 0,4% so cùng kỳ năm 2019. Theo các chuyên gia kinh tế, sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc hiện đang khá vững chắc, với tăng trưởng đầu tư ổn định, động lực tiêu dùng đang từng bước phục hồi. Một nền kinh tế lớn khác của châu Á là Hàn Quốc dù vẫn chìm trong khó khăn, nhưng đã le lói tín hiệu khả quan từ lĩnh vực xuất khẩu. Cơ quan Hải quan Hàn Quốc thông báo kim ngạch xuất khẩu của nước này trong tháng 7 và tháng 8 tiếp tục đà giảm lần lượt 7,1% và 9,9%, mức giảm này đã có sự cải thiện hơn so với mức giảm liên tiếp hai chữ số trong giai đoạn dịch bùng phát mạnh từ tháng 4 đến tháng 6.
 
 Trong khi đó, kinh tế Ô-xtrây-li-a cũng ghi nhận tín hiệu phục hồi tích cực từ thị trường lao động. Hôm 17-9, Cơ quan Thống kê Ô-xtrây-li-a cho biết, tỷ lệ thất nghiệp của nước này giảm nhẹ xuống 6,8% trong tháng 8-2020, so với mức 7,5% trong tháng 7, làm dấy lên hy vọng rằng thời kỳ tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng Covid-19 có thể đã qua. Thông tin nêu trên là một “điểm tựa hy vọng” cho “xứ sở chuột túi” trong bối cảnh Ô-xtrây-li-a đang trải qua đợt suy giảm kinh tế đầu tiên trong gần 30 năm và khoảng 1 triệu người đã mất việc làm, nhiều người khác bị buộc phải giảm lương hoặc giảm giờ làm việc.
 
 Tín hiệu của hy vọng cũng đã được thắp lên ở nền kinh tế số một thế giới là Mỹ. Các chuyên gia nhận định, dù đại dịch Covid-19 vẫn nghiêm trọng, nhưng tình hình kinh tế Mỹ đang dần xoay chuyển theo hướng tích cực hơn. Hãng tin Roi-tơ cho biết thị trường lao động và nền kinh tế Mỹ nói chung đã đạt được một số cải thiện trong những tuần gần đây, điều mà lịch sử cho thấy sẽ là tin tốt đối với chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Đ.Trăm. Báo cáo của Bộ Lao động Mỹ cho thấy số lượng việc làm mới trong tháng 7-2020 đã tăng vọt lên 6,6 triệu, gần trở lại mức trước khủng hoảng.
 
 Tuy nhiên, dù đã le lói vài điểm sáng hy vọng, những thách thức kinh tế trên toàn cầu hiện vẫn nghiêm trọng và có nguy cơ kéo dài. Nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) vừa cảnh báo rằng, kinh tế thế giới có thể phải mất 5 năm để phục hồi hoàn toàn từ đại dịch. Trong bối cảnh đó, lần đầu tiên trong 20 năm qua, tỷ lệ người nghèo đói toàn cầu sẽ tăng sau cuộc khủng hoảng do Covid-19. Trong khi đó, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự báo nếu đại dịch nằm trong tầm kiểm soát, nền kinh tế toàn cầu sẽ đạt mức tăng trưởng 5% trong năm 2021. Tuy nhiên, trong trường hợp dịch Covid-19 tái bùng phát buộc các nước phải áp đặt lại các lệnh hạn chế, tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm 2021 có thể sụt giảm 2 đến 3% so với mức dự báo.
 
 Thực trạng nêu trên đòi hỏi các chính phủ, doanh nghiệp và người dân trên toàn cầu phải cùng nỗ lực thực hiện thành công “mục tiêu kép” là phục hồi tăng trưởng kinh tế đi đôi với ngăn chặn hiệu quả sự lây lan của dịch Covid-19. Một khi các “làn sóng Covid” thứ hai, thứ ba... bùng phát trở lại, những tín hiệu khả quan và các “điểm sáng hiếm hoi” của kinh tế toàn cầu sẽ lập tức bị xóa sổ.