Thử thách tình đoàn kết

Không chỉ có ý nghĩa chính trị, Hiệp ước Sen-ghen còn đóng vai trò quan trọng đối với kinh tế châu Âu. Song, đại dịch Covid-19 hoành hành gần một năm qua đặt ra nhiều thử thách với bản thỏa thuận vốn phản ánh mục tiêu cao nhất của châu lục là hội nhập và đoàn kết, thống nhất. Giới lãnh đạo Liên hiệp châu Âu (EU) đang kêu gọi bảo vệ khu vực tự do đi lại, phục vụ tiến trình phục hồi sau đại dịch.

Trong phát biểu hôm 30-11, Ủy viên phụ trách các vấn đề nội vụ của EU, bà Y.Giô-han-xơn cảnh báo, việc dựng các đường biên giới bên trong khối sẽ gây tổn hại đà phục hồi kinh tế châu lục còn rất mong manh hiện nay. Theo quan chức EU, khi EU đang vật lộn với một trong những cuộc khủng hoảng kinh tế lớn nhất trong lịch sử, việc duy trì dòng di chuyển tự do, về con người lẫn hàng hóa và dịch vụ, là một công cụ quan trọng phục vụ đắc lực cho tiến trình phục hồi. Các biện pháp kiểm soát biên giới nội bộ chẳng những không ngăn được những kẻ khủng bố xâm nhập, trái lại còn cản trở giao thông, thương mại và du lịch, gây thiệt hại với GDP của cả khối, vốn là những yếu tố quan trọng giúp khôi phục tăng trưởng kinh tế sau đại dịch và củng cố cộng đồng kinh tế chung của châu lục.

Lời cảnh báo của Ủy viên EU phụ trách các vấn đề nội vụ được đưa ra trong bối cảnh châu Âu đứng trước sức ép lớn về kiểm soát biên giới bao quanh EU sau khi xảy ra hàng loạt vụ tiến công và khủng bố tại Pháp, Ðức và Áo, dấy lên lo ngại những kẻ khủng bố dễ dàng xâm nhập châu Âu do chính sách tự do đi lại. Sau vụ tiến công hôm 29-10 tại thành phố Ni-xơ của Pháp, mà thủ phạm là một người nhập cư trái phép vào Pháp và từng đi qua I-ta-li-a, Tổng thống Pháp Ê.Ma-crông đã thúc giục cải cách hệ thống Sen-ghen, siết lại quy chế đi lại tự do.

Tuy nhiên, trước cả khi xảy ra các vụ khủng bố gần đây liên quan người nhập cư trái phép vào châu Âu, các biện pháp phong tỏa và hạn chế nhằm phòng, chống đại dịch, gồm cả kiểm soát, đóng cửa biên giới, đã được nhiều nước thành viên Sen-ghen áp dụng để tự bảo vệ mình trước “bão Covid-19”.

Không lâu sau khi dịch Covid-19 bùng phát, Ðức hạn chế đi lại dọc hầu hết khu vực biên giới nước này, sau đó hàng loạt nước Sen-ghen, như Áo, Séc, Xlô-va-ki-a, Hung-ga-ri, Ba Lan... cũng nhanh chóng áp dụng biện pháp tương tự. Trong một bước đi chung đầu tiên, hôm 17-3, EU áp đặt lệnh tạm cấm nhập cảnh với người ngoài khu vực, nhằm bảo đảm an toàn sức khỏe cộng đồng.

Nhiều nước châu Âu coi biên giới quốc gia như “lưới sàng lọc” hữu hiệu nhằm ngăn vi-rút gây Covid-19 xâm nhập và lây lan. Thực tế, có ít nhất 17 thành viên khối Sen-ghen đã trở lại kiểm soát biên giới ngay khi đại dịch bùng phát. Những hình ảnh về đoàn dài xe tải chờ được đi qua biên giới các nước, nhiều người lao động gặp khó khăn khi đi lại, thậm chí di chuyển đến nơi làm việc, gợi nhớ giai đoạn 35 năm trước, khi châu Âu chưa có thỏa thuận về tự do di chuyển.

Từ thỏa thuận ban đầu do Pháp, Ðức, Bỉ, Hà Lan và Luých-xăm-bua ký năm 1985 tại thị trấn Sen-ghen của Bỉ, Hiệp ước đến nay có 26 thành viên, trong đó có 22 nước EU. Với mục tiêu ban đầu nhằm tạo lập thị trường chung nhằm bảo đảm tự do dịch chuyển con người, hàng hóa, dịch vụ và dòng vốn, hướng tới hình thành cộng đồng kinh tế châu Âu, trong quá trình hội nhập châu Âu, Hiệp ước Sen-ghen đã mở rộng quy định, bãi bỏ kiểm soát biên giới, hộ chiếu và thị thực, bảo đảm quyền tự do đi lại của công dân các nước thành viên.

Ðại dịch Covid-19 với những hệ lụy khôn lường và phức tạp đang đặt ra “phép thử” mới, không chỉ với khu vực tự do đi lại Sen-ghen, mà với cả chính sách nhập cư của EU. Cuộc khủng hoảng người nhập cư và tị nạn năm 2015, khi làn sóng người di cư từ khu vực Trung Ðông - Bắc Phi ồ ạt kéo đến các đường biên giới EU, từng bộc lộ sự thiếu hợp tác, thiếu thống nhất quan điểm và chính sách chung của khối. Ðại dịch Covid-19 một lần nữa đặt ra thử thách với các mục tiêu hội nhập của EU, nhằm hiện thực hóa giấc mơ về một châu Âu thống nhất.

Châu Âu đang đứng trước lựa chọn khó khăn. Kiểm soát biên giới có thể giúp ngăn chặn các phần tử khủng bố lợi dụng cơ chế tự do đi lại Sen-ghen. Song, nếu kết nối kinh tế, dòng chảy thương mại và du lịch không được duy trì, châu lục khó có thể sớm thoát khỏi đợt suy thoái kinh tế tồi tệ do đại dịch. Lời giải cho bài toán khó vẫn là sự đoàn kết, thống nhất để tìm ra chính sách chung.