Thử thách lớn với hệ thống ngân hàng toàn cầu

Đánh giá về khả năng chống chọi khủng hoảng của các ngân hàng hiện nay, tạp chí The Economist của Anh vừa nhận định, những cải cách sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009 đã giúp hệ thống ngân hàng toàn cầu hoạt động tốt hơn. Tuy nhiên, “sức khỏe” của các hệ thống ngân hàng đang ngày càng đáng lo ngại bởi bị bào mòn bởi tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19.

Theo The Economist, sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cách đây một thập kỷ, khi các chính phủ cải cách hệ thống tài chính, mạng lưới ngân hàng đã trở nên an toàn hơn và đủ sức đề kháng để vượt qua các cú sốc tồi tệ như cuộc khủng hoảng hơn 10 năm trước. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) vừa công bố kết quả đánh giá hằng năm đối với các ngân hàng Mỹ, trong đó có việc so sánh tiền dự phòng của các ngân hàng với những thiệt hại mà các ngân hàng có thể phải đối mặt trong trường hợp suy thoái kinh tế. Theo đó, trải qua sóng gió khủng hoảng, ngày nay hệ thống ngân hàng Mỹ đã thật sự an toàn hơn.

Tuy nhiên, mối lo về "sức khỏe" của các ngân hàng đang ngày càng gia tăng khi "bão Covid-19" tiếp tục kéo dài với cường độ mạnh hơn đang thổi bay tăng trưởng kinh tế của các nước và lợi nhuận của ngành ngân hàng. Các biện pháp phong tỏa đã dẫn đến một cuộc suy thoái kinh tế nghiêm trọng, gây ra rủi ro lớn đối với những khoản vay mượn mà các công ty và hộ gia đình đang gánh chịu. FED nhận định, trong một kịch bản xấu, kinh tế phục hồi theo kiểu "hình chữ U", các ngân hàng sẽ phải đối mặt với tổng thiệt hại hơn 700 tỷ USD. Kịch bản năm nay ước tính mức thiệt hại chung đối với các khoản nợ là khoảng 10%, cao hơn tỷ lệ 7% đã diễn ra trong cuộc khủng hoảng hơn 10 năm trước. Theo The Economist, nếu hệ thống ngân hàng Mỹ chưa được điều chỉnh mà phải đối mặt với kịch bản phục hồi kinh tế "hình chữ U" trong năm nay, tỷ lệ tổng vốn chủ sở hữu của hệ thống này có khả năng giảm xuống còn 1,5%. Tỷ lệ này của nhiều ngân hàng lớn có thể chạm ngưỡng 0 - ngưỡng vỡ nợ kỹ thuật. Ðối mặt với khủng hoảng, người gửi tiền và các đối tác có thể sẽ "tháo chạy". Theo đó, hệ thống ngân hàng có thể cần mức cứu trợ từ ngân sách nhà nước còn lớn hơn trong cuộc khủng hoảng tài chính trước đây.

Trong khi đó, giới chuyên gia đánh giá hệ thống ngân hàng bên ngoài nước Mỹ đang kém vững chắc hơn. Hầu hết các ngân hàng châu Âu có tỷ lệ vốn hợp lý, nhưng lợi nhuận thấp hơn nhiều so với các ngân hàng Mỹ và đang đối mặt những thách thức nghiêm trọng khi lợi nhuận giảm và các khoản nợ phát sinh do dịch Covid-19 gia tăng. Giới chức tài chính của Anh đã cảnh báo các ngân hàng nước này cần gấp rút chuẩn bị để đối mặt với tình trạng các doanh nghiệp không thể thanh toán những khoản vay nhằm khắc phục hậu quả của đại dịch Covid-19. Trước đó, hơn 800.000 doanh nghiệp tại Anh đã vay ngân hàng khoảng 43 tỷ USD. Tại Nam Phi, dịch bệnh có thể đẩy tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng lên tới 10% trong năm 2020, mức cao nhất trong lịch sử và gần gấp đôi so với mức 6% mà khối ngân hàng nước này từng trải qua trong giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu những năm 2008 - 2009. Hiện, tổng nợ xấu của hệ thống ngân hàng Nam Phi đang ở mức 23 tỷ USD, tương đương khoảng 4,3% tổng dư nợ tín dụng.

Báo Liên hợp buổi sáng của Xin-ga-po dẫn xếp hạng do Hãng S&P đưa ra mới đây cho thấy, đại dịch Covid-19 dự kiến sẽ làm tăng chi phí tín dụng lên tới 100 tỷ USD của ngành ngân hàng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ngành ngân hàng của Trung Quốc phải đứng ở "đầu sóng ngọn gió" đối mặt nhiều khó khăn khi ước tính tỷ lệ nợ xấu sẽ tăng lên mức đỉnh 6,6%. Dịch Covid-19 còn khiến các nền kinh tế mới nổi suy giảm tăng trưởng kinh tế và thu về ít ngoại tệ hơn trong năm nay, cũng tạo áp lực lên hệ thống ngân hàng. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), thâm hụt tài khoản vãng lai trung bình của 141 nền kinh tế mới nổi (trừ Trung Quốc) dự kiến chiếm đến 2% GDP. Hậu quả là dự trữ ngoại hối, thước đo khả năng thanh toán nợ của một quốc gia, cũng đang suy giảm mạnh ở nhóm nền kinh tế mới nổi. Theo IMF, trong số 32 nền kinh tế mới nổi được khảo sát, dự trữ ngoại hối đã giảm 50 tỷ USD trong tháng 4-2020 so với giai đoạn cuối năm 2019, xuống còn 2.800 tỷ USD. Tờ Nikkei Asian Review vừa dẫn nhận định của các chuyên gia tài chính lo ngại rằng đại dịch Covid-19 sẽ tạo ra hiện tượng suy thoái vốn ở các nền kinh tế mới nổi; đồng thời, xu hướng đồng nội tệ suy yếu cũng khiến việc hoàn trả nợ bằng ngoại tệ trở nên khó khăn hơn. Dự kiến, đến cuối năm 2021, 29 nền kinh tế mới nổi, ngoại trừ Trung Quốc, sẽ đối mặt với các khoản vay đến hạn có tổng trị giá 720 tỷ USD. Vấn đề tài chính này ở các nền kinh tế mới nổi có thể sẽ "châm ngòi" cho một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu mới.

Thời gian qua, "cơn bão Covid-19" đã tràn qua hầu hết các nền kinh tế trên toàn cầu và lập tức gây ra làn sóng khủng hoảng cho các lĩnh vực kinh tế như du lịch, hàng không…, nhưng đến thời điểm này, hệ thống ngân hàng trên thế giới cơ bản vẫn đứng vững trước cú sốc nêu trên. Tuy nhiên, một khi đại dịch kéo dài hoặc bùng phát làn sóng thứ hai trong năm nay, đây sẽ là một thử thách vô cùng lớn đối với lĩnh vực tài chính nói chung và hệ thống ngân hàng toàn cầu nói riêng.