Thông điệp hợp tác

Hội nghị trực tuyến các nhà lãnh đạo Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra dưới sự chủ trì của Quốc vương A-rập Xê-út, nước giữ vai trò Chủ tịch luân phiên G20 năm nay. Ðây là cơ hội để các nền kinh tế thành viên G20 thúc đẩy sự phối hợp toàn cầu nhằm ứng phó dịch Covid-19, tìm “giải pháp tập thể” cho vấn đề đang tác động tới sự an nguy của toàn thế giới.

Các nhà lãnh đạo G20 đã có một hội nghị trực tuyến đầu tiên trong lịch sử của nhóm, nhằm xây dựng biện pháp ứng phó mang tầm cỡ quốc tế, trong bối cảnh dịch Covid-19 khiến thị trường tài chính toàn cầu chao đảo, kinh tế các nước trượt dốc và trên đà suy thoái. Một trong những giải pháp mà các nước G20 đưa ra hiện nay là ngăn chặn “cú sốc kinh tế” có thể xảy ra. Theo các nhà phân tích, hầu hết các cuộc suy thoái đều xuất phát từ cú sốc cầu, cú sốc cung hoặc cú sốc tài chính, trong khi dịch Covid-19 hội tụ cả ba cú sốc này. Dự báo, sẽ có một sự sụt giảm lớn về kinh tế trong quý II năm nay, ước tính từ 5% đến 10% GDP. Theo giới chuyên gia, các nhà lãnh đạo G20 cần công bố gói kích thích tài khóa phối hợp để giải quyết cú sốc.

Các nhà lãnh đạo G20 kêu gọi gạt bỏ những bất đồng, nhằm tập trung cho một phản ứng chung nhằm đối phó dịch Covid-19. G20 xác định, các cơ chế chia sẻ thông tin và kinh nghiệm trong cuộc chiến chống đại dịch là vô cùng cần thiết vào lúc này. G20 cũng cần có một cam kết tập thể để giữ các chuỗi cung ứng toàn cầu luôn mở, trong đó, chuỗi cung ứng quan trọng nhất trong ngắn hạn là thiết bị y tế. Kể từ đầu năm 2020, 24 quốc gia đã áp đặt lệnh cấm xuất khẩu đối với thiết bị y tế. Bởi thế, cam kết loại bỏ các rào cản đối với việc nhập khẩu thiết bị y tế, xà-phòng, chất khử trùng và thuốc có liên quan, cũng như nhất trí thay đổi hoàn toàn và ngừng tất cả các lệnh cấm xuất khẩu, khuyến khích các nhà cung cấp tư nhân thông qua bảo đảm giá tối thiểu cũng là một trong những biện pháp được cho là rất quan trọng đối với G20.

Trong khi đó, việc bảo đảm an toàn mạng lưới tài chính toàn cầu cũng là nội dung quan trọng trong chương trình nghị sự của hội nghị các nhà lãnh đạo G20. Ðứng trước mối quan ngại lớn về sự suy giảm hợp tác quốc tế, giới chuyên gia cảnh báo, không nên lặp lại kịch bản như cuộc khủng hoảng năm 2008, theo đó, các quốc gia có thu nhập thấp không thể mở rộng chi tiêu tài khóa cũng như chương trình trợ cấp xã hội. Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã cùng kêu gọi G20 giảm nợ cho các nước nghèo nhất nhằm giúp họ đối đầu với các thách thức do dịch Covid-19 gây ra. Hai định chế tài chính kêu gọi tất cả các chủ nợ ngừng đáo hạn nợ cho các nước được vay tiền theo Hiệp hội Phát triển quốc tế (IDA) vốn đang đề nghị được khất nợ. Việc này sẽ giúp các nước có khả năng thanh khoản trước mắt cần thiết để đối phó các thách thức của dịch bệnh và có thêm thời gian đánh giá tác động khủng hoảng. IMF và WB tin tưởng rằng, hiện là lúc khẩn cấp phải đưa ra và nâng cao nhận thức toàn cầu về giảm nợ cho các nước đang phát triển, cũng như gửi đi một thông điệp mạnh mẽ tới các thị trường tài chính; đồng thời khẳng định rằng, cộng đồng quốc tế hoan nghênh sự trợ giúp của G20 với đề nghị hành động này.

Ðược thành lập năm 1999, G20 là một diễn đàn quan trọng trong hợp tác quốc tế về tài chính và kinh tế. Tuy nhiên, G20 cũng đối mặt nguy cơ suy thoái kinh tế do đại dịch Covid-19. Theo Hãng xếp hạng tín dụng Moody’s, ước tính GDP của G20 sẽ suy giảm 0,5%, trong đó nền kinh tế Mỹ suy giảm 2% và kinh tế khu vực đồng ơ-rô sẽ suy giảm 2,2%. Ðứng trước những tác động khó lường của dịch bệnh, thế giới cần nỗ lực tập thể, trong đó đóng góp của G20 là chủ chốt trong việc tìm phương thức chung vượt qua các thách thức.

Việc đẩy lùi dịch Covid-19 chỉ có thể đạt được thành công khi nước “yếu” nhất cũng khống chế được dịch. Bởi thế, tăng cường đoàn kết, thúc đẩy hợp tác toàn cầu là thông điệp được các nhà lãnh đạo G20 đưa ra và ưu tiên thực hiện trong nỗ lực chống dịch Covid-19.