Thay đối đầu bằng đối thoại

Căng thẳng ở khu vực Trung Đông bị đẩy lên nấc thang mới sau khi xảy ra vụ tiến công nhằm vào hai cơ sở dầu mỏ trọng yếu của A-rập Xê-út. Vụ việc đã tác động mạnh thị trường dầu mỏ thế giới cũng như làm gia tăng căng thẳng giữa A-rập Xê-út cùng đồng minh Mỹ với I-ran, quốc gia Hồi giáo bị Mỹ cáo buộc đứng sau vụ tiến công.

Mặc dù phiến quân Houthi tại Yemen đã lên tiếng nhận tiến hành vụ tiến công nhằm vào hai cơ sở dầu mỏ của A-rập Xê-út, song Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ M.Pompeo cho rằng, không có bằng chứng cho thấy vụ tiến công bắt nguồn từ Yemen, nơi liên quân do A-rập Xê-út đứng đầu chống Houthi hơn bốn năm qua. Bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của Tehran về các cáo buộc vô căn cứ, giới chức Mỹ cho rằng, Iran đứng sau vụ tiến công và Washington bắt đầu tăng cường các biện pháp trừng phạt Iran. Ngay sau vụ việc, Tổng thống Mỹ D.Trump nói rằng, ông không nghĩ tới việc gặp người đồng cấp Iran H.Rouhani tại kỳ họp của Ðại hội đồng Liên hợp quốc, dù trước đó từng để ngỏ khả năng này. A-rập Xê-út cũng công bố mảnh vỡ của các máy bay không người lái và tên lửa được cho là đã sử dụng trong các vụ tiến công cơ sở lọc dầu, đồng thời khẳng định đây là bằng chứng "không thể chối cãi" cho thấy Iran đứng sau "giật dây". Bộ Quốc phòng A-rập Xê-út nhấn mạnh, các thiết bị bay không người lái Delta Wing của Iran đã được sử dụng cùng với các tên lửa dẫn đường.

Cáo buộc từ Mỹ và A-rập Xê-út đối với Iran đã gây ra những phản ứng trái chiều trong dư luận. Iran cho rằng, Mỹ đang viện lý do để trả đũa Iran. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ D.Trump khẳng định, ngoài khả năng tiến công quân sự, Mỹ có nhiều sự lựa chọn khác. Thủ tướng Anh B.Johnson đã nhất trí với người đồng cấp Ðức A.Merkel về việc hai nước hợp tác với các đối tác quốc tế để đưa ra phản ứng chung trước các vụ tiến công ở A-rập Xê-út. Hai nước nhất trí về sự cần thiết của việc giảm leo thang căng thẳng trong khu vực và tuân thủ cách tiếp cận chung đối với Iran. Pháp cho biết, không có bằng chứng để khẳng định rằng những máy bay không người lái đến từ địa điểm này hay địa điểm khác; đồng thời nhấn mạnh cần một chiến lược giảm leo thang căng thẳng trong khu vực. Trong khi đó, cả Nga và Trung Quốc kêu gọi tất cả các bên thận trọng trong việc quy trách nhiệm, đồng thời cảnh báo không đưa ra các kết luận vội vàng về vụ tiến công. Tổng thống Nga V.Putin kêu gọi mở cuộc điều tra "khách quan và kỹ lưỡng" để làm rõ những gì đã xảy ra. Nhật Bản cũng cho biết, không thấy bất kỳ thông tin tình báo nào cho thấy Iran liên quan vụ việc.

Vụ tiến công khiến sản lượng dầu mỏ của A-rập Xê-út giảm 5,7 triệu thùng/ngày, tương đương gần 6% nguồn cung dầu thô thế giới, tác động mạnh tới thị trường "vàng đen". Trong số hai cơ sở bị tiến công có nhà máy tinh chế dầu thô lớn nhất thế giới. Ðiều này đã khiến tâm lý thị trường biến động mạnh và giá dầu mỏ tăng lên ngưỡng cao nhất trong vòng sáu tháng qua, trước khi A-rập Xê-út có động thái xoa dịu tình hình. Giá dầu tăng vọt đã làm dấy lên mối lo ngại giá năng lượng đắt đỏ cùng với bất ổn địa chính trị có thể ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, sự phục hồi nhanh chóng trong hoạt động xuất khẩu dầu của A-rập Xê-út và việc giá dầu quay trở lại bình thường phần nào làm vợi nỗi lo. Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) khẳng định, chưa cần mở các kho dự trữ dầu khẩn cấp, trong bối cảnh các nhà phân tích dự đoán sản lượng dầu của A-rập Xê-út sẽ khôi phục nhanh hơn so với dự kiến.

Trong lúc các cáo buộc và chỉ trích lẫn nhau gây nhiễu loạn thông tin và làm nảy sinh hoài nghi trong quan hệ quốc tế, dư luận nói chung mong muốn có một cuộc điều tra công khai, minh bạch và công bằng về vụ tiến công nhằm vào các cơ sở dầu mỏ của A-rập Xê-út. Ðể có thể giảm căng thẳng và các nguy cơ xung đột ở Trung Ðông, cần một giải pháp chính trị nhằm chấm dứt cuộc chiến ở Yemen. Hơn thế, các bên cần có các động thái xây dựng lòng tin, thay đối đầu bằng đối thoại.