Tham vọng “hậu Brexit”

Pháp trở thành cường quốc hạt nhân duy nhất trong Liên hiệp châu Âu (EU), sau khi Anh rời đi. Trong bối cảnh các cơ chế kiểm soát vũ khí chiến lược và hạn chế phát triển kho hạt nhân trên thế giới đối mặt nguy cơ cao bị hủy bỏ, Paris thể hiện rõ tham vọng nắm ngọn cờ thời “hậu Brexit”, thúc đẩy châu Âu tham gia thỏa thuận mới, toàn diện hơn về kiểm soát vũ khí toàn cầu.

Trong bài phát biểu mới đây về chiến lược vũ khí hạt nhân của Pháp thời “hậu Brexit”, Tổng thống nước này E.Macron cảnh báo: Châu Âu không thể cứ “chỉ làm khán giả” trước nguy cơ một cuộc chạy đua vũ trang mới. Theo nhà lãnh đạo Pháp, không có khung pháp lý phù hợp, châu Âu sẽ nhanh chóng đối mặt chạy đua vũ trang, thậm chí là vũ khí hạt nhân, ngay trên lãnh thổ mình. Bởi thế, EU nên sẵn sàng là một bên đàm phán và ký kết một thỏa thuận toàn cầu mới về hạn chế vũ khí chiến lược.

Phát biểu của Tổng thống Pháp ngay lập tức thu hút nhiều sự quan tâm ở châu Âu và cả bên ngoài “lục địa già”. Không chỉ đánh dấu thời điểm nửa nhiệm kỳ tổng thống của ông Macron, bài phát biểu được đưa ra trúng “thời điểm nhạy cảm” với an ninh châu Âu, khi Brexit vừa chính thức diễn ra, đưa nước Pháp trở thành cường quốc hạt nhân duy nhất trong EU. Bài phát biểu về chiến lược quốc phòng của Pháp, được cho là chủ yếu nhấn mạnh chính sách răn đe hạt nhân mà Paris duy trì nhiều năm qua, nhưng bị hoài nghi về mục tiêu “bảo vệ châu Âu”. Thực tế, ông Macron đã công bố chiến lược ấy tại buổi lễ hạ thủy một tàu ngầm tiến công thế hệ mới do Pháp sản xuất.

Giới phân tích nhận định, trước hết, Tổng thống Pháp muốn gửi thông điệp tới các cường quốc hạt nhân và là năm nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, về việc duy trì ổn định, tránh chạy đua vũ trang, phá vỡ thế cân bằng chiến lược và các cơ chế chống phổ biến vũ khí hạt nhân. Tổng thống Macron khẳng định, Pháp đã giảm số lượng đầu đạn hạt nhân xuống dưới 300, coi đó là mức răn đe vừa đủ và hợp lý để yêu cầu các cường quốc hạt nhân hành động vì mục tiêu giải trừ vũ khí hạt nhân từng bước, đáng tin cậy và có thể kiểm chứng. Paris cũng khẳng định không sử dụng vũ khí chiến lược trong các cuộc xung đột, mà chỉ phục vụ mục tiêu bảo vệ các lợi ích sống còn của nước Pháp.

Tuy nhiên, thông điệp quan trọng hơn của lãnh đạo Pháp là nhắm tới EU, qua việc nhấn mạnh “yếu tố châu Âu” trong chính sách răn đe hạt nhân của Paris. Ý tứ ông Macron muốn gửi gắm rằng việc Pháp sở hữu vũ khí hạt nhân là sự bảo đảm an ninh cho cả châu Âu và thể hiện tình đoàn kết của Pháp với “lục địa già”, vì thế chiến lược răn đe hạt nhân của Paris mang tầm vóc châu lục, chứ không giới hạn chỉ trong những lợi ích của riêng Pháp. Châu Âu vốn phụ thuộc “chiếc ô an ninh” của Mỹ, thông qua cơ chế NATO. Gần đây, Nhà trắng dưới thời Tổng thống Mỹ D.Trump dần rút lại các cam kết bảo vệ châu Âu, nhiều nước đã tính tới khả năng một nước EU thay Mỹ gánh vác trách nhiệm này, trong đó hai cường quốc hạt nhân Anh và Pháp là những ứng viên hàng đầu. Trong bài phát biểu, Tổng thống Macron nêu rõ, Pháp vẫn tin rằng, mối quan hệ đồng minh vững mạnh với Mỹ là nền tảng cho an ninh của châu Âu. Song, theo ông, an ninh châu lục cũng phụ thuộc một cách rõ ràng vào khả năng hành động độc lập của các nước châu Âu.

Trong khi đó, Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) bị “xóa sổ” sau các động thái rút lại cam kết từ cả Mỹ và Nga. Hai cường quốc hạt nhân hàng đầu thế giới này vẫn chưa khởi động đàm phán nhằm gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược (START), thỏa thuận duy nhất còn lại để ngăn chặn nguy cơ chạy đua hạt nhân. Khi cạnh tranh chiến lược Mỹ - Nga gia tăng, kéo theo những bước đi nguy hiểm với cơ chế kiểm soát vũ khí chiến lược toàn cầu như vậy, lời kêu gọi EU vào cuộc từ Tổng thống Pháp được xem là phù hợp.

Nhấn mạnh thông điệp “bảo vệ châu Âu” trong chiến lược an ninh mới, trong bối cảnh Anh không còn dưới “mái nhà chung EU”, Tổng thống Macron đã khéo léo nhắm tới mục tiêu của Pháp giành vai trò dẫn dắt ở “lục địa già”. Tham vọng thời “hậu Brexit” của Paris đã rõ, trong hàm ý từ chiến lược an ninh mới của Tổng thống E.Macron.