Thách thức lớn

Giới phân tích gần đây đã đưa ra nhiều nhận định bày tỏ quan ngại về những khó khăn, thách thức của thế giới trong thập kỷ tới, trong bối cảnh nợ công gia tăng, chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy vì dịch bệnh và cạnh tranh nước lớn, dân số già hóa... Thậm chí, có ý kiến còn cho rằng, thế giới đang đứng trước một "thập kỷ tuyệt vọng".

Giáo sư kinh tế N.Ru-bi-ni của Trường đại học New York (Mỹ) trong một bài viết trên báo Mỹ mới đây đã bày tỏ lo ngại rằng có hàng loạt yếu tố bất lợi đang đẩy thế giới vào một cuộc "đại suy thoái". Trong đó, các rủi ro tài chính là một vấn đề vô cùng lớn hiện nay. Nợ quá lớn của chính phủ và khu vực tư nhân, hạn chế thương mại và tự động hóa với tốc độ phi mã là ba trong số những yếu tố chính có thể gây bất ổn vĩnh viễn cho nền kinh tế thế giới.

Theo các chuyên gia kinh tế, sau cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2009, sự mất cân đối và rủi ro gây khó khăn cho nền kinh tế toàn cầu đã trở nên trầm trọng. Tuy nhiên, các vấn đề tài chính hiện nay và trong thời gian tới còn trầm trọng hơn. Phản ứng chính trị đối với đại dịch Covid-19 dẫn đến việc tăng mạnh thâm hụt ngân sách, tại thời điểm mức nợ công ở nhiều quốc gia đã rất cao. Nhiều gia đình và doanh nghiệp mất thu nhập đồng nghĩa với việc nợ của khu vực tư nhân gia tăng. Ðiều này có thể dẫn đến vỡ nợ và phá sản. Thực tế cho thấy tình trạng phá sản hàng loạt đã diễn ra ở Mỹ và đặc biệt nghiêm trọng với ngành dầu khí đá phiến. Theo đó, kể từ đầu năm nay, 17 nhà sản xuất với khoản nợ tổng cộng khoảng 14 tỷ USD đã nộp đơn xin phá sản, trong đó có một trong những công ty dầu đá phiến lớn nhất của Mỹ là Whiting Petroleum. Bên cạnh nợ nần, nguy cơ giảm phát ngày càng tăng với các nền kinh tế trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Covid-19 hiện nay đã tạo ra sự dư thừa lớn về hàng hóa, máy móc, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, trong khi giá nguyên liệu thô như dầu và kim loại công nghiệp sụt giảm. Ngoài ra, đại dịch còn làm bùng nổ trong chi tiêu y tế. Các yếu tố nêu trên đang làm tăng khả năng giảm phát do nợ và rủi ro mất khả năng thanh toán, gây áp lực lên hệ thống ngân hàng...

Một vấn đề lớn nữa đặt ra với thế giới là việc cơ cấu lại chuỗi cung ứng toàn cầu trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung Quốc diễn ra gay gắt và đại dịch khiến các quốc gia tăng cường điều chỉnh, cơ cấu lại chuỗi cung ứng. Các động thái gần đây cho thấy, chính quyền Tổng thống Mỹ D.Trump đang thúc đẩy một sáng kiến nhằm đưa chuỗi cung ứng công nghiệp toàn cầu rời khỏi Trung Quốc, trong bối cảnh Washington cân nhắc mức thuế trừng phạt mới áp lên hàng hóa của Bắc Kinh. Cố vấn thương mại Nhà Trắng P.Navarro cho biết, Tổng thống D.Trump đã ký một sắc lệnh có thể giới hạn việc nhập khẩu linh kiện cho hệ thống lưới điện nước này từ Trung Quốc, đồng thời sẽ sớm ban hành một sắc lệnh riêng yêu cầu các cơ quan liên bang mua sản phẩm y tế do các công ty Mỹ sản xuất. Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao các nước thành viên Liên minh Five Eyes đã thảo luận về các kế hoạch mới để phát triển các công nghệ quan trọng và chuỗi cung ứng đáng tin cậy. Theo Bộ Ngoại giao Canada, năm nước dự họp đã nhất trí về ưu tiên chung là bảo đảm sự ổn định của các chuỗi cung ứng, cũng như mua sắm thiết bị bảo vệ cá nhân và vật tư y tế. Nên nói thêm, cuộc khủng hoảng Covid-19 vừa qua đã làm cho việc củng cố các chuỗi cung ứng quan trọng trở thành "ưu tiên cấp bách" đối với mọi quốc gia. Các chuyên gia kinh tế cảnh báo rằng, việc cơ cấu lại chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ diễn ra trong hàng chục năm tới và gây ra nhiều hệ lụy. Chẳng hạn, để chống lại cú sốc chuỗi cung ứng, doanh nghiệp của các nước phát triển sẽ chuyển sản xuất từ khu vực chi phí thấp sang thị trường nội địa có chi phí cao hơn. Theo đó, sẽ đẩy nhanh tốc độ tự động hóa, dẫn đến thất nghiệp gia tăng và xu hướng này còn thúc đẩy sự bùng phát của việc bài ngoại.

Ngoài các vấn đề nêu trên, một thách thức lớn nữa có thể đẩy thế giới vào khủng hoảng là vấn đề già hóa dân số. Nhiều chuyên gia đã gọi đây là "quả bom hẹn giờ" trong nhân khẩu học ở các nền kinh tế phát triển. Hầu hết các nước phát triển và nhiều nước đang phát triển có dân số già trong thập kỷ tới. Cuộc khủng hoảng Covid-19 vừa qua đã khiến các nước đã phải "dốc hầu bao" đáng kể cho hệ thống y tế. Việc tài trợ lớn cho các chi phí y tế, chăm sóc người cao tuổi sẽ làm tăng thêm các khoản nợ của hệ thống y tế và tạo gánh nặng ngân sách cho an sinh xã hội ở các quốc gia. Ngoài ra, giới phân tích dự báo trong thập kỷ tới các biến động môi trường và nhiều triệu chứng bệnh liên quan biến đổi khí hậu sẽ diễn ra thường xuyên hơn, nghiêm trọng hơn. Thậm chí, không loại trừ khả năng những cuộc khủng hoảng giống như Covid-19 sẽ lặp lại và có thể tàn phá kinh tế lớn hơn nhiều so với khủng hoảng tài chính.

Theo các nhà phân tích, trong thập kỷ tới, khả năng lãnh đạo hiệu quả hơn và công nghệ sẽ là "điểm tựa" quan trọng để thế giới giải quyết các thách thức. Tuy nhiên, để có một "kết thúc có hậu", trước mắt các quốc gia phải đoàn kết vượt qua cuộc khủng hoảng Covid-19 hiện nay. Trong trung và dài hạn, tất cả các nước, nhất là các nước lớn cần hợp tác quản trị các vấn đề chung của toàn cầu một cách hiệu quả, có như vậy mới cùng nhau tránh được một "thập kỷ tuyệt vọng".