Bình luận quốc tế

Thách thức lớn

Sau những biến động lớn do ảnh hưởng từ tình hình phức tạp của đại dịch Covid-19, giới phân tích nhận định ngành dầu mỏ sẽ rất khó để trở lại “thời kỳ vàng son” khi thời kỳ giá dầu rẻ có nguy cơ kéo dài; trong khi các tập đoàn dầu mỏ lớn cũng sẽ không dễ thu hút nhà đầu tư trở lại trong bối cảnh kinh tế thế giới ảm đạm.

Những tháng gần đây, ngành dầu mỏ thế giới chứng kiến những khó khăn chưa từng có, lâm vào tình trạng “hàng bán không ai mua” khi các nền kinh tế lớn lần lượt đóng cửa để ngăn dịch bệnh. Quý I năm nay, nhiều thời điểm giá một thùng dầu Brent của châu Âu mất giá hơn 50% so với cùng kỳ năm 2019 và mất giá hơn 40% so với một quý trước đó. Thách thức gia tăng khi cuộc tranh cãi giữa hai nhà cung cấp “vàng đen” lớn nhất thế giới là A-rập Xê-út và Nga nổ ra tại hội nghị cấp cao Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác ngoài khối, gọi là OPEC+. Bất đồng giữa hai quốc gia nói trên đã “đổ thêm dầu vào lửa” dẫn đến sự suy sụp giá dầu trên các thị trường quốc tế. Sự cộng hưởng giữa dịch Covid-19 với “cuộc chiến giá dầu” của các nước xuất khẩu dầu mỏ khiến thị trường lâm vào những ngày đen tối lịch sử. Giá dầu WTI trên thị trường Mỹ từng rơi xuống mức âm hồi cuối tháng 4.

Sau khi OPEC và các thành viên ngoài khối đạt được thỏa thuận về cắt giảm sản lượng khai thác và thỏa thuận này có hiệu lực, giá dầu những ngày gần đây đã khôi phục trở lại mức 30 đến 35 USD/thùng như hồi đầu năm 2020. Các nước sản xuất dầu mỏ đã giảm sản lượng dầu thế giới từ 42 đến 43 triệu thùng/ngày xuống còn 34 triệu thùng/ngày. Bên cạnh đó, việc một số nhà sản xuất dầu khí đá phiến của Mỹ dừng khai thác và Ca-dắc-xtan phải ngừng khai thác tại mỏ dầu Tengiz do bị Covid-19 tiến công, cũng làm sản lượng dầu giảm đáng kể. Tuy nhiên, những yếu tố nêu trên chưa thể làm thị trường dầu mỏ toàn cầu khởi sắc. Giới phân tích vẫn lo ngại, tình trạng dầu rẻ sẽ còn kéo dài trong bối cảnh dịch Covid-19 đang làm tê liệt kinh tế toàn cầu. Hiện tại, “cỗ máy kinh tế” của Trung Quốc đã không thể tái khởi động nhanh chóng như mong đợi, trong khi nền kinh tế số một thế giới là Mỹ cũng bị ảnh hưởng nặng và chưa thấy “ánh sáng cuối đường hầm”, các nền kinh tế lớn khác đều suy giảm tăng trưởng. Tình hình này khiến lượng cầu dầu mỏ suy yếu, nguồn cung dầu đang thừa nghiêm trọng. Viện Quan hệ quốc tế và chiến lược (IRIS) cho biết, chỉ số tiêu thụ dầu mỏ trong tháng 4 vừa qua giảm từ 20 đến 30% trên toàn cầu so với cùng thời kỳ năm 2019.

Thực tế nêu trên khiến các tập đoàn dầu mỏ lớn như ExxonMobil, Chevron và BP đứng trước thách thức lớn trong việc thu hút đầu tư, khi các nhà đầu tư hiện đã tìm kiếm nơi có rủi ro thấp hơn và lợi nhuận cao hơn là đầu tư vào dầu mỏ. Theo tạp chí Economist của Anh, năng lượng là lĩnh vực hoạt động yếu nhất của chỉ số S&P 500 trong sáu năm gần đây. Giá hòa vốn của ExxonMobil đứng ở mức 70 USD/thùng, gấp hai lần so với giá dầu giao dịch gần đây. Với tình hình như trên, không nhiều nhà đầu tư muốn “đặt cược” vào lĩnh vực dầu mỏ đầy rủi ro như hiện nay.

Điều đáng lưu ý là thách thức với ngành dầu mỏ và các doanh nghiệp dầu mỏ thực chất cũng là thách thức lớn với các nền kinh tế, nhất là các nước xuất khẩu “vàng đen”. Chẳng hạn, ở A-rập Xê-út, nền kinh tế gần như hoàn toàn lệ thuộc vào ngành công nghiệp dầu mỏ, nước này chỉ có thể cân bằng ngân sách với giá dầu khoảng 80 USD/thùng. Tại Mỹ, nếu dầu mỏ thấp hơn ngưỡng 65 USD/thùng, tất cả các nhà sản xuất dầu đá phiến đều thua lỗ. Đài Sputnik của Nga vừa dẫn nhận định của các chuyên gia kinh tế ước tính rằng Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể mất đi 1/3 ngành công nghiệp đá phiến. Quá trình phục hồi cũng sẽ kéo dài nhiều năm. Trong khi đó, một nước có nền kinh tế phụ thuộc vào ngành dầu mỏ nhiều như Nga cần bảo đảm xuất khẩu dầu mỏ với giá khoảng 50 USD/thùng để cân bằng kinh tế vĩ mô...

Ngay cả các nền kinh tế không phụ thuộc vào dầu mỏ cũng đối mặt khó khăn do tác động tiêu cực từ việc giá dầu lao dốc. Báo Le Monde vừa có bài phân tích về việc giá dầu giảm mạnh ảnh hưởng đến giá cả của các loại nhiên liệu khác, đồng thời cũng tác động đến các ngân hàng Pháp có hoạt động đầu tư trong lĩnh vực dầu đá phiến của Mỹ. Trong giai đoạn 2016-2019, bốn cơ sở ngân hàng chủ chốt của Pháp đã cấp 24 tỷ USD cho ngành công nghiệp đá phiến Bắc Mỹ. Do vậy, khi các nhà sản xuất dầu đá phiến thua lỗ, các ngân hàng Pháp cũng có nguy cơ lâm cảnh “cháy thành vạ lây”.

Ngành công nghiệp dầu mỏ đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-2019. Tuy nhiên, bên cạnh dịch bệnh, cuộc chiến giá dầu giữa Nga và A-rập Xê-út vừa qua đã làm cho giá dầu lao dốc nhanh hơn và khó gượng dậy trong tương lai gần. Theo các chuyên gia kinh tế, để vượt qua các thách thức hiện nay, giải pháp thiết thực nhất là các quốc gia phải nỗ lực hợp tác để điều chỉnh sản lượng khai thác dầu, chia sẻ “miếng bánh thị phần” hợp lý và cùng sớm ngăn chặn đại dịch Covid-19, vực dậy tăng trưởng, làm nóng “cỗ máy kinh tế” toàn cầu để đẩy nhu cầu tiêu thụ dầu tăng trở lại.